Chống ngập tại TP.HCM bao giờ đạt hiệu quả?

Người dân không thể phủ nhận phần nào nỗ lực của chính quyền TP.HCM trong công tác chống ngập. Song, có một thực tế cần nhìn nhận là kết quả chống ngập vẫn chưa khá hơn, sau biết bao công sức và khối tiền ngân sách khổng lồ hàng chục ngàn tỷ đồng đã bỏ ra, thành phố vẫn chìm trong biển nước mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường.

Máy bơm công suất khủng ít nhiều thể hiện được hiệu quả nhưng khả năng triển khai diện rộng vẫn còn là câu hỏi lớn.

Năm 2016, TP.HCM chấp thuận đầu tư siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng và giao cho Tập đoàn Trung Nam tiến hành triển khai ngay. Đến nay, dự án chỉ mới triển khai được nửa đường và kết quả ra sao vẫn chưa rõ. Trong thời gian chờ siêu dự án này phát huy giá trị, TP.HCM vẫn đang phải gồng mình chống ngập bằng những giải pháp tạm thời. Trong đó, siêu máy bơm ly tâm và hồ điều tiết ngầm là những ví dụ điển hình.

Bảng mô tả hồ điều tiết ngầm chống ngập công nghệ Nhật.

Giải pháp tức thời và những nghi ngại

Siêu máy bơm trong thời gian chạy thử, ít nhiều đã chứng minh được khả năng chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). Sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp Cơ khí Quang Trung (CT Quang Trung) nhanh chóng giải quyết lượng nước dâng cao đến 0,4 m, vốn là nỗi khổ của người tham gia giao thông qua tuyến đường này.

Trước đó, dù không “nổi tiếng” như siêu máy bơm nhưng dự án hồ điều tiết ngầm do 2 công ty SEKISUI VN và VMC Tech VN triển khai thí điểm trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức) cũng ít nhiều mang đến tín hiệu khả quan cho công tác chống ngập của thành phố. Ưu điểm của hồ điều tiết ngầm là triển khai nhanh, hiệu quả tức thì và khả năng tái sử dụng nguồn nước tại chỗ.

Hiệu quả của 2 dự án nói trên đã được thể hiện rõ ràng trong thời gian chạy thí điểm nhưng khả năng triển khai rộng rãi dự án trên toàn địa bàn thành phố vẫn là một câu hỏi khó. Ông Trần Đông Triều (ngụ P.8, Gò Vấp) hỏi: “Máy bơm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh là rất hay nhưng có mang cái đó về Gò Vấp, Tân Bình… về những chỗ ngập không gần sông hay kênh rạch được hay không?”. Đồng quan điểm này, ông Lê Chí Hiếu (ngụ P.2, Q.8) thắc mắc: “Rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh rất gần sông nên hút rồi bơm ra sông, còn những nơi không có vị trí thuận lợi như vậy, thì bơm đi đâu?”.

Giải đáp những thắc mắc trên, PV Báo Người Tiêu Dùng đã liên hệ với ông Nguyễn Tăng Cường - GĐ Công ty Quang Trung. Tuy nhiên, ông Cường từ chối nói về khả năng triển khai mở rộng dự án trên toàn địa bàn thành phố. Ông cho biết, hiện tại công ty này chỉ đang tập trung làm tốt và thể hiện hiệu quả tại dự án trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, còn việc có triển khai ở các điểm ngập khác hay không là do chủ trương của chính quyền thành phố, của các ban ngành. Về khả năng thành công, cũng như hiệu quả của dự án nếu triển khai ở khu vực không gần sông hoặc kênh rạch, ông Cường cũng từ chối đề cập đến.

Trong khi đó, nói về khả năng triển khai dự án chống ngập bằng hồ điều tiết ngầm trên diện rộng, kỹ sư cấp thoát nước Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định: “Ưu điểm của dự án này là có thể triển khai nhanh, hiệu quả tức thì nhưng cần phải nhìn nhận rằng, khả năng trữ nước ở các hồ là không lớn và khó lòng đáp ứng được khi triều cường dâng cao, hoặc mưa lớn. Tức thì là được nhưng lâu dài thì chưa chắc!”.

Dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam được kỳ vọng thay đổi tình hình ngập úng nghiêm trọng của TP.HCM chỉ mới hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc sau hơn 1 năm thi công.

Vẫn phải chờ dự án 10.000 tỷ vận hành

Kỹ sư Nghĩa cũng cho rằng, TP.HCM không thể giải quyết ngập bằng cách tức thời như hiện nay mà cần những kế hoạch lâu dài, bởi vấn đề của thành phố mang yếu tố thủy lợi, chứ không đơn giản là ngập vì mưa to không kịp thoát nước. Nói một cách rõ ràng hơn là thành phố không thể mãi áp dụng biện pháp chống ngập tạm thời bằng cách bơm hút như hiện nay, mà phải “nín thở” chờ kết quả của siêu dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng mà Tập đoàn Trung Nam đang triển khai.

“Xét về vị trí địa lý, TP.HCM có một mặt giáp biển Đông và các sông lớn chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều như Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp, Vàm Cỏ Đông. Hiện TP.HCM cũng có hơn 60% diện tích mặt đất thấp hơn mực nước đỉnh triều và khoảng 72% diện tích nằm trên nền đất yếu. Tình trạng lún nền làm cho mặt bằng ngày càng hạ thấp, cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa và mực nước triều ngày càng dâng cao khiến tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng”, kỹ sư Nghĩa chỉ ra nguyên nhân về mặt thủy lợi khiến thành phố thường xuyên bị ngập úng trên diện rộng.

Dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam được kỳ vọng thay đổi tình hình ngập úng nghiêm trọng của TP.HCM chỉ mới hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc sau hơn 1 năm thi công.

Siêu dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định; 7-8 km đê kè ở các đoạn xung yếu ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến sông Kinh; 68 cống nhỏ từ sông Vàm Thuật đến sông Mương Chuối. Tại hệ thống các cống ngăn triều, sẽ thiết kế các trạm bơm có công suất 12-24 m3/giây, xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA (hệ thống quan trắc thu thập dữ liệu và điều khiển vận hành từ xa).

Theo ghi nhận của PV, tại cống Bến Nghé, đơn vị thi công đã xong phần khung, đổ bê tông bịt đáy, hút cát hố móng; Cống Mương Chuối vẫn đang lắp đặt cốt thép và đổ bê tông trụ phi T1 (đốt 2), hàn thép vào cọc ống và lắp cốt thép bệ trụ T2, dựng khung chống trụ T5 hàn thép râu cọc ống, thi công buồng âu thuyền và dầm mũ bờ T1… Gần 20.000 công nhân đang lao động liên tục ngày đêm để kịp tiến độ trên các công trường của dự án.

Dù dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng này chỉ mới hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc nhưng chủ đầu tư vẫn khẳng định quyết tâm hoàn thành giai đoạn 1, bàn giao cho thành phố ngay trong dịp 30/4/2018 (còn hơn 6 tháng).

Theo UBND TP, dự án chống ngập của Tập đoàn Trung Nam hoàn thành sẽ giúp giảm các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp có thể xảy ra do ngập lụt, triều cường trong khu vực bị tác động, diện tích 570 km2 với 6,5 triệu dân sinh sống ở bờ hữu sông Sài Gòn và khu vực trung tâm thành phố. Các hạng mục công trình nằm rải rác trên địa bàn các quận 1, 4, 7, 8, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh. Tại khu vực các cửa ngõ ngòi, kênh rạch là địa điểm thủy lợi xung yếu của TP.HCM.

Giải pháp hồ điều tiết

TP.HCM dự tính sẽ xây 104 hồ điều tiết rải đều trên địa bàn các quận, huyện trực thuộc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể triển khai bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, mà vấn đề lớn nhất vẫn là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Để giải quyết cấp bách tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ tiến hành xây trước 3 hồ lớn gồm: Bàu Cát, Khánh Hội và Gò Dưa. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.300 tỷ đồng.

Võ Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/chong-ngap-tai-tphcm-bao-gio-dat-hieu-qua-d62219.html