Chống ngập ở Tp. Hồ Chí Minh - Bài 2: Công trình kỳ vọng gây thất vọng

Nhằm giải quyết các vấn đề ngập do ảnh hưởng của triều cường và mưa, Tp.Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều công trình, giải pháp với quy mô lớn, trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay các công trình đang được đặt kỳ vọng lớn này lại đang gây thất vọng và kéo dài tiến độ thi công.

*Dự án chống ngập… ngưng thi công

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp.Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 được khởi công ngày 26/6/2016 với tổng giá trị lên đến 9.626 tỷ đồng.

Cống ngăn triều Tân Thuận (quận 7) thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao); trong đó 16% giá trị hợp đồng được thanh toán bằng quỹ đất, 84% còn lại là tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước cho vay theo hình thức tái cấp vốn qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần chống ngập cho khu vực rộng 570 km2 với 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Mặt khác, góp phần chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp…

Theo hợp đồng, thời gian thi công dự án trong 36 tháng, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019. Trong buổi ký kết hợp đồng, đại diện chủ đầu tư hứa sẽ rút ngắn thời gian thi công còn 24 tháng nếu được bàn giao mặt bằng đầy đủ. Như vậy, để dự án vận hành trơn tru cần sự nỗ lực rất lớn từ phía UBND các quận - huyện trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thế nhưng, từ ngày 27/4/2018, chủ đầu tư bất ngờ thông báo dự án tạm ngưng thi công sau khi đã thi công được 70% khối lượng công trình. Lý do là UBND Thành phố chưa ký vào biểu mẫu phụ lục số 02A để Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho BIDV (dự án này được hưởng ưu đãi khi lãi suất phải trả chỉ 3%, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thương mại).

Ngoài ra, những vấn đề khác giữa chủ đầu tư với đơn vị tư vấn về vật liệu thi công, tính pháp lý của hợp đồng BT... cũng khiến cho dự án này đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai đúng tiến độ.

Hơn 5 tháng qua, công trình bất động. Sau các đợt mưa lớn, người dân lại lội bì bõm. Hiện nay, giữa các bên chủ đầu tư, tư vấn vẫn đang còn tranh cãi về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, cách thức thanh toán và thậm chí cả tính pháp lý của hợp đồng BT.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt ngụ ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè cho biết, nhiều người dân tự nguyện giao đất cho đơn vị thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, nhưng đến nay việc bồi thường vẫn chưa thực hiện. Về dự án chống ngập đã ngừng thi công 4, 5 tháng nay, bà con đề nghị sớm hoàn thành vì hiện nay triều cường lên rất cao gây xáo trộn đời sống người dân, nhất là các em học sinh đi học, nhiều khu vực không có lối đi, nước ngập có chỗ lên đến đầu gối.

Trước những vướng mắc của dự án, UBND Tp.Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chủ trì cuộc họp để giải quyết các vướng mắc, triển khai dự án đúng tiến độ. Theo UBND Thành phố, đây là dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết ngập cho thành phố.

Tuy nhiên, mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo: “Đề nghị Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết các vướng mắc để triển khai dự án theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện dự án”.

Theo Phó Thủ tướng, dự án do UBND Tp.Hồ Chí Minh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư, chịu trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư và hiệu quả của dự án. Việc tổ chức thực hiện dự án và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND Tp.Hồ Chí Minh. Đến thời điểm này công trình vẫn “án binh bất động”, chưa hẹn ngày tái khởi động trở lại.

*Phập phù máy bơm khủng

Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh ở quận Bình Thạnh được xem là một trong những “rốn ngập” của Tp. Hồ Chí Minh. Đây cũng là tuyến đường có nhiều dự án, khu dân cư lớn, nối liền giữa quận 1 và Bình Thạnh. Mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường lên cao, tuyến đường này thường ngập sâu trong nước cả mét.

Cống ngăn triều Phú Xuân (huyện Nhè Bè) thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã ngừng thi công. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Trước thực trạng này, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ký kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung để vận hành hệ thống máy bơm nước công suất lớn để giảm ngập cho tuyến đường này. Máy bơm chống ngập được chủ đầu tư xây dựng từ tháng 7/2017 với công suất lên đến 96.000m3/giờ và hút được những vật có kích thước nhỏ như lá cây, lon nước, củi nhỏ…

Ngày 2/10/2017, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập Tp.Hồ Chí Minh và Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung ký kết hợp đồng nguyên tắc và đến 19/4 năm nay ký hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, các sở, ngành vẫn đang bàn cách thức, đơn giá thanh toán cho doanh nghiệp.

Vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung thông báo không còn kinh phí để tiếp tục vận hành máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Theo ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, công ty đã tốn thời gian nghiên cứu công nghệ, sau đó đầu tư kinh phí để xây dựng, vận hành máy bơm và đến nay đã 30 lần; trong đó đa số thành công. Ngoài ra, các loại chi phí khác như nhân công, nhiên liệu, điện và cả kinh phí thi công 2 tuyến cống băng đường vẫn chưa được thanh toán.

Trong thời gian máy “bơm khủng” tạm nghỉ, Công ty Thoát nước đô thị Tp. Hồ Chí Minh đã phải “chữa cháy”, điều động bổ sung thêm 2 máy bơm công suất nhỏ để ứng cứu đường Nguyễn Hữu Cảnh khi mưa xuất hiện trong tháng 9 vừa qua.

Để tránh bị động và đảm bảo chống ngập cho tuyến đường này trong thời gian tới, mới đây UBND Tp.Hồ Chí Minh đã giao Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn, thẩm định hồ sơ thiết kế - dự toán thuê dịch vụ, chuyển Sở Tài chính có ý kiến thẩm định trước khi trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Cùng với đó, UBND Tp.Hồ Chí Minh đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tiếp tục vận hành máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, đảm bảo sự thuận tiện trong sinh hoạt và lưu thông của người dân qua lại trên tuyến đường.

UBND quận Bình Thạnh tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả chống ngập của máy bơm, báo cáo UBND Thành phố các vấn đề phát sinh liên quan hiệu quả chống ngập của máy bơm trong thời gian tới.

Sở Giao thông Vận tải rà soát pháp lý, tiến độ, xác định có cơ sở khoa học thời gian hoàn thành và đánh giá hiệu quả chống ngập của dự án nâng cấp, sửa chữa toàn bộ tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh; báo cáo, đề xuất Thường trực UBND Tp.Hồ Chí Minh về thời gian thuê dịch vụ hợp lý để giải quyết chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh và việc tiếp tục thuê dịch vụ này để giải quyết chống ngập trên địa bàn thành phố sau năm 2019.

Về giải quyết ngập triệt để cho “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh, Sở Giao thông vận tải Tp.Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch để sớm triển khai cải tạo, làm lại con đường này với tổng kinh phí gần 450 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.

Qua 1 năm thí điểm, thử nghiệm công trình chống ngập bằng máy bơm "khủng" và hồ điều tiết, các chuyên gia và đơn vị chuyên môn đánh giá là hiệu quả, có thể áp dụng ở Tp. Hồ Chí Minh nhưng để triển khai tiếp ở các vị trí khác thì không dễ.

Các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cũng khẳng định việc chống ngập của thành phố hiện chỉ mang tính chất đối phó chứ chưa có một chiến lược chống ngập bền vững.

Đơn cử, trong hợp đồng mà thành phố thuê dịch vụ máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung chỉ chống ngập một số đoạn nhất định.

Trên cùng tuyến đường, những đoạn ngoài phạm vi hợp đồng, người dân vẫn chịu cảnh bì bõm lội nước dắt xe khi trời mưa lớn, kéo dài.

GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, giải pháp sử dụng máy bơm “siêu khủng” để giải cứu ngập lụt tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ là biện pháp tình thế. Bởi không phải cứ bơm mãi được, nếu giải quyết ngập lụt ở chỗ này mà cứ bơm lại đẩy áp lực nước sang chỗ kia, rồi chỗ khác lại ngập.

Việc sử dụng máy bơm “siêu khủng” để giải cứu ngập lụt chỉ hiệu quả trong hoàn cảnh cụ thể ở một số khu vực. Về chiến lược dài hạn, chỉ có thể xây dựng công trình đê biển tại cửa hệ thống sông Sài Gòn – Soài Rạp mới có thể cứu được Tp. Hồ Chí Minh khỏi ngập./.
Bài 3: Chống ngập gắn liền với quản lý đô thị

Anh Tuấn – Xuân Dự/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chong-ngap-o-tp-ho-chi-minh-bai-2-cong-trinh-ky-vong-gay-that-vong/99440.html