Chống ngập bằng hồ điều tiết ngầm

Sắp kết thúc mùa khô, bước vào mùa mưa cũng là lúc người dân thành phố đối diện với nỗi lo ngập nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt thường nhật.

Sắp kết thúc mùa khô, bước vào mùa mưa cũng là lúc người dân thành phố đối diện với nỗi lo ngập nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt thường nhật.

Để giải quyết công tác chống ngập, nhất là chống ngập một cách căn cơ, hiệu quả, xóa thực trạng quan ngại: hễ mưa là ngập, mỗi năm thành phố tập trung đầu tư kinh phí lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng với nhiều dự án, công trình lớn, kéo dài nhiều năm mới có thể hoàn tất. Trong đó, đáng chú ý là mô hình xây dựng các hồ điều tiết ngầm phân tán ở những khu vực có khả năng ngập nặng, những khu vực có bán kính hẹp có thể giải quyết chống ngập cục bộ. Mô hình này trước mắt được các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia chống ngập đề xuất, khuyến cáo với chính quyền thành phố từ nhiều năm trước nhưng thực tế đến nay, công tác quy hoạch và xây dựng thực hiện rất chậm…

Theo quy hoạch, thành phố sẽ xây dựng từ năm đến tám hồ điều tiết nằm rải rác ở một số nơi trên địa bàn thành phố với chức năng vừa thu nước mưa vừa trữ nước để phục vụ tưới tiêu cây xanh, cảnh quan, cứu hỏa. Hồ điều tiết ngầm được thi công bằng công nghệ mới có ưu điểm là tỷ lệ chứa nước cao (95% dung tích hồ chứa), tiết kiệm thời gian thi công, vừa chịu được tải trọng lớn (xe 25 tấn lưu thông bên trên). Phương pháp thi công chủ yếu là lắp ghép theo công nghệ có sẵn, không ảnh hưởng đến giao thông, không gây ô nhiễm môi trường, được xem là giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với đặc thù đô thị lớn được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Năm 2017, TP Hồ Chí Minh xây dựng và đưa vào vận hành một hồ điều tiết ngầm trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) theo công nghệ Nhật Bản, góp phần giúp giảm ngập cho khu vực này.

Thông qua những hiệu quả chống ngập rõ rệt từ mô hình này, Trung tâm Chống ngập thành phố cùng đơn vị tư vấn đã lập phương án xây dựng năm hồ điều tiết ngầm gồm: Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Công viên Làng Hoa Gò Vấp (quận Gò Vấp), Công viên Trần Thiện Chánh (quận 10), dải phân cách đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), khuôn viên cây xanh Công an phường 25 và vỉa hè hẻm 48 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Các hồ điều tiết trên có quy mô từ 1.500 đến 20.000 m3 cùng các trạm bơm và hệ thống thu gom.

Tổng mức đầu tư dự kiến gần 500 tỷ đồng. Các chuyên gia đô thị cho rằng, đây là hướng tiếp cận phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố khi đô thị này đang phát sinh các điểm ngập mới. Mặt khác, cơ sở hạ tầng hình thành dày đặc nên cần áp dụng một giải pháp thi công đơn giản với nguồn vốn đầu tư phù hợp. Theo đó, việc thành phố triển khai đồng bộ xây các hồ điều tiết sẽ góp phần tích trữ lượng nước mưa lên đến hàng chục triệu m3, giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng cho thành phố.

Đại hội Đảng bộ lần thứ X, TP Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ chống ngập là một trong bảy chương trình đột phá của Đảng bộ thành phố. Do đó, để đạt mục tiêu đề ra, trong lúc triển khai các dự án chống ngập quy mô lớn, chờ các công trình dài hơi “về đích”, thành phố cần nhanh chóng hoàn tất công tác khảo sát, thẩm định, xây dựng các hồ điều tiết ngầm đã quy hoạch một cách đồng bộ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, nhằm bảo đảm nguồn vốn đầu tư được tập trung, kịp thời giải quyết tình trạng ngập lụt.

VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/39822902-chong-ngap-bang-ho-dieu-tiet-ngam.html