Chống nắng nóng cho đàn vật nuôi

Dù mới bước vào mùa hè, song có thời điểm nhiệt độ lên tới 40 độ C và dự báo trong thời gian tới tiếp tục có các đợt nắng nóng cao điểm. Để ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết và nâng cao sức khỏe cho gia súc, gia cầm, người dân cần chủ động chuẩn bị tốt chuồng trại, thức ăn và các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi.

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa hè năm nay nhiệt độ trung bình từ tháng 5-10/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn cùng kỳ các năm trước từ 1-2 độ. Nhất là khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến tháng 8, nắng nóng có xu thế diễn biến bất thường, mức nhiệt độ này có thể kéo dài hết mùa hè. Dự báo, sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển; làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tăng nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Để chủ động phòng chống nắng nóng cũng như dịch bệnh cho vật nuôi, nhiều hộ dân đã chuẩn bị chuồng trại thông thoáng, bổ sung chất dinh dưỡng và rau xanh cho vật nuôi.

Đàn gà của hộ anh Bùi Văn Tý, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, được chăn thả dưới bóng mát cây xanh và bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng.

Đàn gà của hộ anh Bùi Văn Tý, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, được chăn thả dưới bóng mát cây xanh và bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng.

Trang trại của anh Bùi Sỹ Tuyến (khu 2B, phường Hà Phong, TP Hạ Long) có khoảng 6.000 con gà giống Tiên Yên. Khi bắt đầu nuôi gà, anh đã đầu tư trên 400 triệu đồng xây dựng chuồng gà rộng trên 800m2, thiết kế thoáng mát. Đặc biệt, anh sử dụng nền đệm lót sinh học từ trấu, mùn cưa và men vi sinh tự chế, giúp phân giải phân gà, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng, đảm bảo nhiệt độ ở mức 26 độ C, tạo môi trường sạch, thông thoáng. Bên cạnh đó, để tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật cho gà trong mùa nắng nóng, anh bổ sung các loại khoáng chất từ phụ phẩm cá biển, rau vào bữa ăn.

Không chỉ đối với gia cầm, giai đoạn này nhiều địa phương đang tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, vì vậy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh và nắng nóng cho vật nuôi được các địa phương đặc biệt quan tâm. Như ở Hải Hà, với tổng số đàn lợn đạt gần 26.600 con, địa phương đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các hội nông dân cơ sở, trung tâm thú y, trên loa phát thanh thôn, bản về các biện pháp chăn nuôi an toàn, tái đàn, tăng đàn lợn theo quy định. Nhất là thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết nắng nóng trên địa bàn, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi. Đồng thời, nắm bắt tình hình chăn nuôi trên địa bàn, đảm bảo việc tiêm vắc-xin đầy đủ để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 5.500 hộ bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi tiến hành tái đàn lại, nâng số đàn lợn lên gần 290.000 con. Số đàn trâu đạt trên 38.000 con, đàn bò khoảng 28.300 con, đàn gia cầm gần 4 triệu con.

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trước diễn biến nắng nóng thất thường mùa hè năm 2020, người dân cần đặc biệt chú ý đến đảm bảo thoáng mát chuồng trại, giữ mật độ chuồng nuôi theo quy định. Trong đó, có thể sử dụng quạt thông gió, phên che, lưới đen, rèm che chống nắng xung quanh chuồng nuôi; hằng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt độ. Bên cạnh đó, thường xuyên thu dọn, làm vệ sinh sạch sẽ các chất thải, giảm sức nóng và khí độc từ các chất thải bốc lên; tắm chải cho gia súc 2-3 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể.

Hộ ông Đặng Văn Soái, thôn 3, xã Quảng Phong (Hải Hà) che rèm, đảm bảo nền chuồng sạch sẽ, khô thoáng để chống nóng cho đàn lợn. Ảnh: Thu Nguyệt

Đặc biệt, người nuôi cần chú ý đến chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm, tăng cường thức ăn xanh như: Rau, củ, quả tươi và các loại vitamin..., tăng cường đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần ăn. Những đợt nắng nóng kéo dài, cần chuyển giờ ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày; thường xuyên có đủ nước sạch và mát cho đàn vật nuôi uống, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt.

Ngoài ra, chỉ nên chăn thả gia súc, gia cầm vào sáng sớm hoặc chiều muộn, tận dụng bóng mát cây xanh để vật nuôi tránh nóng. Bên cạnh đó, cán bộ thú y ở các địa phương cần kiểm soát, khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định; định kỳ phun thuốc sát trùng... Đồng thời, báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương những bất thường để xử lý, tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202005/chong-nang-nong-cho-dan-vat-nuoi-2485058/