'Chống lưng' để 'ăn chia'

Tội phạm hoạt động theo kiểu 'xã hội đen' đe dọa đến cuộc sống bình yên của nhân dân, làm suy giảm đi lòng tin của nhân dân, những vẫn không được xử lý triệt để. Phải chăng có sự dung túng, kể cả bắt tay trục lợi? Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, khi xảy ra sự việc thì cần làm rõ sự có 'chống lưng', có 'lợi ích nhóm', bao che hay không.

Ông Phạm Văn Hòa.

Ông Phạm Văn Hòa.

PV: Thưa ông, lâu nay người dân rất bức xúc về những loại tội phạm như cát tặc, lâm tặc, hay tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Theo ông, để xảy ra tình trạng đó có sự “chống lưng”, hay “bảo kê” hay không mà mới đây nhất là vụ Đường “Nhuệ” ở Thái Bình?

Ông Phạm Văn Hòa: Doanh nghiệp (DN) Đường Dương của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) và Nguyễn Thị Dương là DN “ăn nên làm ra”, có tiếng tăm ở tỉnh Thái Bình. Từ chỗ vốn điều lệ rất thấp nhưng nhờ trúng thầu nhiều “lô đất vàng” đã trở nên giàu nhanh chóng.

Cạnh tranh lành mạnh là chủ trương lớn của Nhà nước, nhằm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực vươn lên, có lợi cho DN mà cũng có lợi cho xã hội, cho người tiêu dùng khi chất lượng sản phẩm, chất lượng hàng hóa, dịch vụ được nâng lên.

Tuy nhiên trong vụ việc trên, DN này có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong việc tham gia đấu giá các khu đất. Vì thế nhiều DN ấm ức, không hài lòng và có đơn tố cáo nhưng không được giải quyết.

Tôi cho rằng có thế lực nào đó, hoặc có ai đó đứng phía sau “chống lưng”, tạo điều kiện thuận lợi cho DN Đường Dương đến tham gia đấu giá, đấu thầu các lô đất; hoặc dùng lời lẽ, thái độ, mua chuộc những người có trách nhiệm trong việc định giá. Những “lô đất vàng” qua đấu giá chỉ có mỗi DN này trúng thầu với giá thấp, sau đó được bán lại với giá rất cao.

Dư luận đang đặt vấn đề định giá thấp, không đúng theo giá trị thực tế của tài sản đó để cho DN tham gia đấu giá. Dù đấu giá công khai, danh chính ngôn thuận nhưng giá khởi điểm đấu giá với giá trúng thầu không chênh lệch là bao. Cho nên đây là vấn đề phải xem xét lại, vì trúng giá thấp để “ăn chia” với nhau làm thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.

Điều đáng nói, vụ việc diễn ra trong thời gian dài, không chỉ là chuyện trong đấu giá các“lô đất vàng”mà còn nhiều vấn đề khác như: có các hoạt động cho vay nặng lãi, bảo kê, thậm chí đánh người ngay tại trụ sở công an.

Ông nghĩ sao khi vụ việc diễn ra trong thời gian dài và nhiều người làm đơn tố cáo nhưng mọi việc đều rơi vào vô vọng, thậm chí Đường “Nhuệ” còn đánh người ngay tại trụ sở công an nhưng không được xử lý khiến người dân càng hoang mang, lo lắng. Vậy trách nhiệm của các cán bộ đó ra sao?

-Đánh người ngay tại trụ sở công an trách nhiệm thuộc về cơ quan công an trong công tác phòng, chống tội phạm. Trong vụ việc này, tôi nghĩ rằng DN Đường Dương có người “chống lưng”. Nhiều người dân, DN làm đơn tố cáo những việc làm phi pháp của DN Đường Dương nhưng các cơ quan chức năng vẫn làm ngơ bỏ qua, cho rằng không đủ chứng cứ để xử lý.

Chính vì được “chống lưng” nên họ khuếch trương, kéo dài thời gian làm giàu bất chính mà không ai làm gì được cả. Không biết thời điểm đó công an tỉnh có “dây mơ rễ má” hay không? Nhưng từ khi Thái Bình có tân Giám đốc Công an tỉnh, là người từ nơi khác đưa về thì đã làm quyết liệt hơn.

Bây giờ cơ quan điều tra, cơ quan an ninh cần vào cuộc làm rõ có “dây mơ rễ má” chằng chịt thế nào mà các sai phạm diễn ra trong thời gian dài, tới giờ mới bị phát hiện.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ rõ ở đâu có tội phạm lộng hành thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm. Còn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nêu rõ ở đâu tội phạm lộng hành thì cấp trưởng nơi đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế từ các vụ việc như vậy đến nay dường như rất ít người bị xử lý. Vậy phải chăng các cấp chưa quán triệt tinh thần đó, thưa ông?

-Chính quyền cơ sở đều phải nắm chắc nhất mọi việc tại cơ sở. Còn trong vụ Đường “Nhuệ”, hiện Bí thư Tỉnh ủy, và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo làm rõ xem có ai “chống lưng”, móc nối hay không? Chúng ta cần chờ xem trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm ở đâu? Đây là DN tư nhân làm ăn phi pháp, không thể bỏ sót sự gian díu, sự bao che cho DN này đối với những người có chức, có quyền trong tạo “điều kiện” thuận lợi để cho DN này trúng thầu những lô đất vàng, làm thất thoát tiền của Nhà nước. Dứt khoát phải có liên quan đến nội bộ, “chống lưng” chứ DN tư nhân này không thể làm ăn kiểu giang hồ nhiều năm nay mà không bị phát hiện.

Đã từng có nhiều vụ việc việc người dân đứng ra tố cáo nhiều lần nhưng không được giải quyết. Vậy đặt ra vấn đề trường hợp người dân tố cáo tham nhũng thì sẽ như thế nào? Nếu người dân đứng ra tố cáo tham nhũng cũng bị lâm vào tình trạng như vụ Đường “Nhuệ” thì theo ông sẽ xử lý thế nào?

-Ai bao che? Ai đứng sau “chống lưng” cho sai phạm thì dứt khoát phải làm rõ. Bởi khi người dân đến tố cáo thì gửi đơn ở đâu, ai là người nhận đơn và tại sao người nhận đơn ở thời điểm đó không xử lý. Lúc đó chúng ta sẽ quy kết, làm rõ được trách nhiệm khi nhận đơn mà không giải quyết, hoặc có thể ém đơn, lờ qua cho sai phạm, bao che, “chống lưng” không xử lý. Do đó tôi cho rằng cần quy trách nhiệm đối với những người nhận đơn mà không xử lý. sai phạm đến đâu cần xử lý đến đó, phát hiện đến đâu cần làm rõ và xử lý rõ việc đó. Không thể đi vào “quên lãng” mà cần tiếp tục điều tra, làm rõ những điều người dân tố cáo để trả lời cho dư luận.

Thưa ông, từ vụ án Phan Văn Anh Vũ cho thấy rằng có bao nhiêu dự án “đất vàng” đã bị thâu tóm và cuối cùng Nhà nước bị thiệt hại. Vậy theo ông chúng ta có cần tiến hành rà soát lại việc đấu giá các dự án đất diễn ra trong thời gian qua?

-Trong những vụ việc trên, Nhà nước sẽ bị thiệt hại nhiều nhất. Do đó cơ quan điều tra cần làm rõ tại sao hiện nay những khu đất “vàng” lại được bán với giá rẻ, sau đó người mua lại bán đi với rất giá cao. Phải chăng có sự móc nối giữa người duyệt giá, người đề xuất giá với DN để làm thất thoát tài sản và ngân sách Nhà nước?

Theo tôi chúng ta cần làm rõ những vấn đề này. Thí dụ miếng đất A giá trị tại thời điểm có giá 1 tỷ đồng nhưng định giá chỉ 500 triệu đồng. Như vậy rõ ràng có sự bao che, móc nối với nhau để làm thất thoát ngân sách và tài sản Nhà nước.

Rất nhiều trường hợp DN phất lên, làm giàu từ bất động sản, lợi dụng vào chính sách của Nhà nước. Họ len lỏi mua để đầu cơ, mua để dìm giá, mua để hưởng sự chênh lệch do định giá của Nhà nước quá thấp. Đây là vấn đề xảy ra ở nhiều DN nhà nước trong quá trình cổ phần hóa được định giá tài sản Nhà nước rất thấp, ví dụ như vụ AVG chẳng hạn. Cho nên, đây cũng là vấn đề cần xem xét, quy trách nhiệm cho những người có trách nhiệm tại thời điểm đó. Mấu chốt bên trong của nó là cái gì, có sự móc nối, cấu kết để làm giàu bất chính hay không, cần phải được làm rõ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Vụ Đường Dương ở Thái Bình có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh khi tham gia đấu giá các khu đất. Tôi cho rằng có thế lực nào đó, hoặc có ai đó đứng phía sau “chống lưng”, tạo điều kiện thuận lợi cho DN Đường Dương đến tham gia đấu giá, đấu thầu các lô đất. Những “lô đất vàng” qua đấu giá chỉ có mỗi DN này trúng thầu với giá thấp, sau đó được bán lại với giá rất cao. Dù đấu giá công khai, danh chính ngôn thuận nhưng giá khởi điểm đấu giá với giá trúng thầu không chênh lệch là bao. Cho nên đây là vấn đề phải được xem xét lại, vì trúng giá thấp để “ăn chia” với nhau làm thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước. Điều đáng nói, vụ việc diễn ra trong thời gian dài, không chỉ là chuyện trong đấu giá các “lô đất vàng” mà còn nhiều vấn đề khác như: có các hoạt động cho vay nặng lãi, bảo kê, thậm chí đánh người ngay tại trụ sở công an.

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phap-luat/chong-lung-de-an-chia-tintuc464417