Chống lạm thu trong trường học: Quyết liệt bắt đầu từ hiệu trưởng

Tình trạng lạm thu tại một số nhà trường thời gian qua đã để lại bức xúc trong dư luận, gây ảnh hưởng tới uy tín ngành Giáo dục nói chung. Bước vào năm học mới, Bộ GD&ĐT cùng Sở GD&ĐT các địa phương đã có nhiều động thái kiên quyết chấn chỉnh tình trạng này.

Chống lạm thu, cần bắt đầu từ sự chuẩn mực của đội ngũ CBQL và nhà giáo Ảnh: Thanh Long

Chống lạm thu, cần bắt đầu từ sự chuẩn mực của đội ngũ CBQL và nhà giáo Ảnh: Thanh Long

Tuy nhiên, để lạm thu được giải quyết tận gốc rễ vấn đề thì một trong những thành tố quan trọng là các hiệu trưởng nhà trường cần nhìn nhận thấu đáo và hành động chủ động, tích cực.

Chống lạm thu với hành động cụ thể

Có thể thấy, thời gian qua một trong những nguyên nhân chính khiến vấn đề lạm thu chưa được giải quyết dứt điểm bởi vai trò quản lý của các hiệu trưởng thiếu sát sao quyết liệt. Thậm chí, không trừ trường hợp, hiệu trưởng là người “ngầm” tạo điều kiện cho việc thu sai quy định. Khi vai trò “đầu tàu” của hiệu trưởng không phát huy đúng đắn sẽ tạo cơ hội, thúc đẩy lạm thu trong nhà trường, còn gia đình HS chịu nhiều thiệt thòi với nhiều khoản đóng góp không chính đáng núp dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa và thông qua ban đại diện phụ huynh học sinh (PHHS)…

Tuy nhiên, trong thực tế cũng phải ghi nhận phần lớn hiệu trưởng với ý thức đúng đắn đã làm tốt vấn đề chống lạm thu trong trường học, không để xảy ra tiêu cực, thu chi trá hình và mượn tay ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS). Thậm chí, với sự quản lý minh bạch, gương mẫu, thu đúng chi đúng theo quy định Nhà nước… Họ còn đưa ra không ít giải pháp quyết liệt chống lạm thu hiệu quả và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của PHHS.

Tại trường TH Phan Đình Giót – Quận Thanh Xuân – Hà Nội, quy định không nhận hoa, quà tặng trong dịp lễ tết như 8/3; 20/10/20/11… từ ban đại diện PHHS được thực hiện từ Ban giám hiệu đến toàn thể giáo viên nhà trường. 100% các lớp học đã được quán triệt và thực hiện đúng. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng, người đưa ra quy định này cho biết: Năm học này, toàn thể cán bộ, giáo viên trường kiên quyết chống lạm thu thông qua những việc làm và hành động cụ thể.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Kim Ngọc: Quà tặng của ban đại diện CMHS dành cho thầy cô giáo có thể xuất phát từ tấm lòng hoàn toàn thiện lành. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp những người nằm trong ban đại diện CMHS muốn lợi dụng việc tặng quà để chi tiêu không hợp lý. Mà hiệu trưởng hay giáo viên khi nhận những món quà từ chi tiêu không hợp lý cũng đồng nghĩa đã tiếp tay cho việc làm thiếu minh bạch.

Mặt khác, từ các khoản thu chi đúng trong nhà trường khá hạn hẹp, nếu BGH hay GVCN có chút quà trích ra từ quỹ lớp thì chắc hẳn ban PHHS buộc phải lạm vào thu chi của nguồn quỹ lớp. Những khoản đóng góp của PHHS thì hãy để phục vụ cho các vấn đề liên quan đến HS, cho các em được thụ hưởng hoàn toàn trong quá trình các em học tập.

Cũng chống lạm thu trường học một cách thiết thực, Trường THCS Cát Linh – Đống Đa (Hà Nội) nhiều năm qua đã thực hiện không tặng quà đối với giáo viên nam trong các dịp như 20/10; 8/3… Ông Trần Quốc Hải – Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Ngày của phụ nữ thì việc Ban PHHS tặng quà cho thầy hiệu trưởng hay các thầy giáo trong trường (thông qua thầy để tri ân vợ, con gái ở nhà) không hợp lý. Chúng tôi có thể chưa giàu nhưng chắc chắn không thể thiếu những bông hoa, món quà dành cho vợ và con gái ở nhà từ chính đồng lương của mình. Khi đại diện Ban PHHS của trường, lớp bớt đi một khoản chi tiêu không hợp lý cũng đồng nghĩa bớt đi một khoản đóng góp từ mỗi PHHS. Bất kỳ sự đóng góp tự nguyện nào từ phía PHHS cũng cần được chi tiêu một cách hợp lý và dành cho HS”.

Phải bắt đầu từ hiệu trưởng

Năm học mới 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT đã có nhiều động thái quyết liệt chống lạm thu tại các trường học trên phạm vi cả nước như ban hành các văn bản cụ thể, quy định rõ hơn việc kêu gọi, xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; Gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục và chống lạm thu năm học...

Cùng đó Sở GD&ĐT các địa phương cũng quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, không thu các khoản thu trái quy định để xảy ra tình trạng lạm thu và cam kết thực hiện ổn định giá dịch vụ đối với lĩnh vực giáo dục; Tăng cường công tác truyền thông để tuyên truyền cho CMHS, ban đại diện CMHS, giáo viên hiểu rõ Điều lệ CMHS, từ đó thực hiện theo đúng quy định và ủng hộ nhưng không bị “lợi dụng” để thu các khoản thu trái quy định…

Không để lạm thu ảnh hưởng tới hình ảnh người thầy, cũng như cơ sở giáo dục, ngành Giáo dục mất đi uy tín với xã hội thì lạm thu cần giải quyết triệt để. Và bên cạnh PHHS thì hiệu trưởng là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu để chống lạm thu.

Tuy nhiên, vẫn một vài trường hợp thu chi sai quy định gây bức xúc trong xã hội. Điều đó cho thấy, khi những “đầu tàu” không gương mẫu, vẫn cố tình lách luật, không thực hiện đúng nguyên tắc thu chi thì chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu trong nhà trường. Chính vì vậy việc chống lạm thu cần bắt đầu và quán triệt quyết liệt từ hiệu trưởng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giót: Khi đưa ra quyết định và thực hiện chống lạm thu từ việc làm thiết thực không nhận hoa quà lễ tết đã gặp một số ý kiến trái chiều từ đội ngũ giáo viên (hiệu trưởng có điều kiện kinh tế, có điểm tựa vững chắc nào đó nên không cần quà cáp của PHHS; không nghĩ tới giáo viên có hoàn cảnh còn khó khăn...). Nhưng chống lạm thu trong trường học cần quyết liệt và bắt đầu từ lãnh đạo nhà trường.

Nếu hiệu trưởng, BGH thiếu nghiêm túc, cố tình làm sai… sẽ không thể nhắc nhở được giáo viên thực hiện đúng quy định. Mặt khác, khi giáo viên không được định hướng đúng đắn dễ trở thành “tiếp tay” cho ban đại diện CMHS thu chi các khoản không hợp lệ dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa; không tạo điều kiện, khuyến khích dân chủ phát biểu ý kiến, đóng góp đúng quy định từ PHHS.

Chống lạm thu trong trường học khó tránh khỏi “động chạm” quyền lợi nhất định của một bộ phận giáo viên và không loại trừ hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên Bộ, Sở, ban ngành có quyết liệt chống lạm thu tới đâu mà những “đầu tàu” thiếu nghiêm túc, cố lách luật, lờ đi hoặc im lặng, thiếu sát sao trong giám sát, không xử lý kiên quyết thu chi sai trái… thì chưa thể chấm dứt lạm thu. Vai trò, trách nhiệm của mỗi hiệu trưởng trong phòng chống lạm thu trường học là vô cùng quan trọng và không thể thiếu.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chong-lam-thu-trong-truong-hoc-quyet-liet-bat-dau-tu-hieu-truong-3961526-b.html