Chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 5.401 tàu cá, trong đó, tàu đánh bắt xa bờ có thân vỏ dài trên 15 mét là 2.798 chiếc, riêng tàu đánh cá làm nghề giã cào là 1.414 chiếc - nhóm có nguy cơ cao vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Bên cạnh đó, vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi lưu trú của hàng nghìn tàu đánh cá từ các địa phương khác tập trung về đây. Xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài, Bà Rịa-Vũng Tàu rất quyết tâm, thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp tích cực. Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, 15 quyết định, 5 kế hoạch và 10 văn bản khác liên quan tới chống khai thác IUU.

Bài 1: Hàng loạt tàu cá “tha hương”

Trước đây, mỗi lần có thông báo từ Indonexia, Malaysia, Philippines về việc bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Bình Định, các cơ quan chức năng của địa phương xác định ngay những tàu vi phạm nằm trong đội tàu đã vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu “định cư” 20-30 năm và hầu như không quay trở về quê nhà… Phóng viên Báo Biên phòng đã vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiếp cận số ngư dân này.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Bến Đá tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân tỉnh Bình Định. Ảnh: Văn Chương

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Bến Đá tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân tỉnh Bình Định. Ảnh: Văn Chương

“Làng Bình Định” ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Ngư dân Nguyễn Văn Hải đánh đu người qua bãi sình lầy để trèo lên chiếc tàu vừa được đưa vào sửa chữa tại bãi đóng tàu ở Bến Đá (phường 5, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhìn chiếc tàu mang biển số Bình Định giữa hàng trăm chiếc tàu mang biển số của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều người có thể ngỡ những chiếc tàu nhỏ bé kia chỉ có thể đánh bắt sát trong bờ. Nhưng thực ra, đây là những chiếc tàu đi đánh bắt rất xa trên biển.

Đại tá Trần Quốc Bình, Phó Chỉ huy, Tham mưu trưởng BĐBP Bình Định trước đó đã chia sẻ câu chuyện về việc vẫn còn khoảng 500 tàu cá của ngư dân Bình Định vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều năm không trở về quê hương. Thời gian trước đây, chuyện tàu không trở về là bình thường, nhưng khi siết chặt quản lý tàu thuyền, chống khai thác IUU thì những con tàu này liên tục bị nhắc tên vì bị lực lượng chức năng Malaysia, Indonesia bắt giữ.

Tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Bình Định tập trung chủ yếu ở cảng Bến Đá, thành phố Vũng Tàu và cửa biển Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Nguyễn Quang, một ngư dân địa phương cho biết, thời điểm hưng thịnh nhất, người ta cứ tưởng đây là làng của ngư dân Bình Định. Vì cứ vào ngày 20 âm lịch hằng tháng là tàu cá Bình Định về neo bít hết cả bến cá này hơn 1.000 chiếc, hiện nay chỉ còn chừng 500 chiếc.

Trong các báo cáo về chống khai thác IUU của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, không có nội dung nhắc đến các tàu cá ngoài tỉnh lưu trú lại, trong khi thực tế là rất đáng lưu tâm.

Vi phạm vùng biển nước ngoài

Trước khi từ Bình Định vào Bà Rịa-Vũng Tàu, tôi đã cập nhật hồ sơ tàu cá vi phạm về IUU ở Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định. Ngư dân Nguyễn Sỹ Hùng, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định khai nhận việc đưa chiếc tàu nhỏ BĐ30156TS từ Bà Rịa-Vũng Tàu đi tới vùng biển Malaysia và bị bắt giữ vào ngày 3/4/2021. Sau này, ông Hùng khai nhận, đây là con tàu đã 12 năm chưa trở về quê. Cứ sau mỗi phiên đánh cá, ngư dân đón xe về thăm gia đình vài ngày rồi trở lại, tàu cá gửi tại cảng Bến Đá và thuê người trông coi.

Đội tàu cá của ngư dân Bình Định tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã hàng chục năm không trở về quê hương. Ảnh: Văn Chương

Tại cảng Bến Đá, ngư dân Nguyễn Thành Nhân, thuyền trưởng của một tàu cá công suất hàng ngàn mã lực chỉ vào những chiếc tàu rất nhỏ của ngư dân Bình Định và nói: “Bự cỡ này nhưng vẫn thua đội tàu kia, họ đi xa tới mức tôi thấy lạnh cả người. Năm trước, tàu của ông Sỹ Hùng tới vùng biển giáp ranh rồi chạy sang tận bên nước ngoài đánh cá và bị bắt giữ”.

Vụ việc mà ông Nhân nhắc được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ của BĐBP Bình Định. Đó là tàu cá BĐ30156TS (chiều dài dưới 15 mét) do ông Nguyễn Sỹ Hùng làm thuyền trưởng cùng 4 ngư dân đã bị Malaysia bắt giữ vào ngày 3/4/2021. Sau này khi được thả về (ngày 19/11/2021), ông Hùng và các ngư dân đã khai báo, khi rời cảng Bến Đá, tàu đi 3 ngày 3 đêm tới tọa độ nằm ở ngoài vùng biển ranh giới cho phép đánh bắt, ngư dân chưa kịp đánh cá thì đã bị hải quân Malaysia bắt giữ.

Giữa mùa biển tháng 11 nhưng nhiều tàu cá mang biển số Bình Định neo tàu tại cảng Bến Đá, hầu hết các thuyền trưởng đều gửi tàu để về quê. Những người trông coi tàu cho biết, khoảng 3 tháng nay, do đánh bắt quá thua lỗ nên gần 100 chiếc vẫn neo và chờ tin có cá. Đội tàu cá Bình Định vào lưu trú tại phía Nam đã qua thời làm ăn hưng thịnh.

Khó quản lý tàu nhỏ

Thượng úy Vũ Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Phước Tỉnh (Đồn Biên phòng Phước Tỉnh) cho biết: “Cán bộ đơn vị thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu thuyền trưởng tàu cá Bình Định viết cam kết không đánh bắt ở vùng biển nước khác, nhưng thực tế là công tác quản lý những chiếc tàu loại nhỏ này gặp nhiều khó khăn hơn tàu loại lớn được lắp đầy đủ các thiết bị giám sát hành trình”.

Trên tàu cá BĐ93113TS đang nằm trên ụ nổi để sửa chữa ở cửa biển Bến Đá, tôi tò mò quan sát thật kỹ rồi đặt câu hỏi về việc chiếc tàu nhỏ như vậy mà đi tới vùng biển giáp ranh. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hải cho biết, khi ra biển, loại tàu có chiều dài dưới 15 mét trông lẻ loi giống như một chiếc đò. Vì cuộc sống mưu sinh thì ngư dân mới phải đi xa như vậy, còn bình thường thì chỉ đi ra cách bờ khoảng 100 hải lý.

Thuyền trưởng Hải cho biết, hiện nay, nhiều ngư dân Bình Định đã mấy chục năm neo tàu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, muốn đưa tàu trở về quê hương, nhưng lại gặp khó. Bởi ở vùng biển phía Nam rất ít bão tố nên làm biển thuận lợi, còn quay về miền Trung thì phải đối mặt với bão tố liên miên nên chưa biết tính sao (?).

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giải đáp về việc tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Bình Định (loại thân vỏ dài dưới 15 mét) mấy chục năm không trở về quê hương: “Định kỳ các tàu này vẫn được Chi cục kiểm tra và gia hạn đăng kiểm như các tàu ở địa phương theo quy định”. Còn một số ngư dân Bình Định cho biết, có người ở tỉnh Bình Định vào Bà Rịa-Vũng Tàu nhận hồ sơ để mang về gia hạn đăng kiểm.

Bài 2: Thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-o-ba-ria-vung-tau-post456775.html