Chống Iran: Liên minh Mỹ khó thành, Trung Quốc đắc lợi

Nhiều quốc gia không tham gia Liên minh hàng hải của Mỹ ở eo Hormuz, trong khi nhiều công ty tàu biển đang muốn 'mượn' cờ Trung Quốc.

Mỹ mới đây đã đưa ra đề xuất thành lập một liên minh hàng hải nhằm tăng cường các nỗ lực bảo vệ khu vực hải phận chiến lược ngoài khơi Iran và Yemen. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh xung đột Mỹ-Iran ngày càng cao.

Đề xuất của Mỹ bao gồm việc các nước sẽ cùng cung cấp các tàu và máy bay trinh sát tập trung vào khu vực vùng Vịnh, hộ tống các tàu thương mại. Đồng thời, sẽ có các điểm chốt chặn trên biển để sẵn sàng phản ứng và can thiệp nếu có những nguy cơ nguy hiểm. Washington muốn biến khu vực này thành vùng biển an ninh nhất thế giới.

Mặc dù Washington cam kết liên minh mới này không nhằm đối đầu quân sự, mà chỉ để răn đe các vụ tấn công và bảo vệ quyền lợi tự do hàng hải của mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ tỏ ra lo ngại và không hào hứng với ý tưởng này.

Liên minh châu Âu EU mới đây đã đưa ra ý kiến chính thức, họ khẳng định cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân JCPOA đã đạt được từ năm 2015 và cho rằng ủng hộ sáng kiến của Mỹ chỉ nhằm gia tăng bất ổn trong khu vực này.

Xuồng cao tốc có vũ trang của Iran tiếp cận tàu chở dầu của Anh

Xuồng cao tốc có vũ trang của Iran tiếp cận tàu chở dầu của Anh

Pháp hôm 22/7 khẳng định không có kế hoạch hộ tống các tàu thương mại. Và cho rằng ý tưởng của Mỹ chỉ làm gia tăng phức tạp vì Iran sẽ coi đây là một hành động chống lại quốc gia này. Đức cũng lên tiếng khẳng định hải quân của họ có một số căn cứ gần vùng Vịnh nhưng sẽ không tham gia.

Với Anh, quốc gia đặc biệt theo sát các hành động của Mỹ, và là chính quyền đang mâu thuẫn nghiêm trọng với Tehran cũng đặt ra những yêu cầu cho liên minh này:

"Lực lượng mới sẽ tập trung vào vấn đề tự do hàng hải để bảo vệ tuyến đường biển quan trọng, 1/5 lượng dầu thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz hàng năm. Tuy nhiên lực lượng này không phải là một phần trong việc gia tăng sức ep lên Iran, bởi chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran và không muốn gia tăng căng thẳng với quốc gia này" - Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói hôm 22/7.

Trước đó, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chính thức từ chối tham gia liên minh. Ấn Độ đã cử hai tàu chiến đến vùng Vịnh từ cuối tháng 6 nhưng chỉ với mục đích bảo vệ các tàu thương mại treo cờ Ấn Độ.

Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh với đa số là đồng minh của Mỹ, nhưng không quá nhiệt tình với sáng kiến này. Arab Saudi và UAE đang tiến hành giám sát khu vực ngoài khơi vịnh Ba Tư và hải phận gần Yemen nhưng với mục đích duy nhất là kiềm tỏa phiến quân Houthi, thay vì tìm cách đối đầu trực tiếp với Iran.

Hiện tại, Washington vẫn đang thúc đẩy việc kêu gọi sự ủng hộ của các nước đồng minh. Song dường như liên minh mới của Mỹ đang rất khó có thể hình thành. Phần lớn các quốc gia có liên quan đến khu vực này đều không muốn có thêm căng thẳng với Iran.

Trên tờ Sputnik, giới chuyên gia cho rằng mọi căng thẳng ở eo Hormuz chỉ khiến các nước nhập khẩu năng lượng chịu thiệt hại, bằng chứng là giá dầu trong tuần qua lại một lần nữa tăng mạnh khi Iran tiến hành bắt giữ các tàu Anh.

Tàu hải quân Anh trong khu vực vùng Vịnh

"Vùng biển này càng bất ổn, càng nhiều nguy cơ thì giá dầu càng tăng mạnh. Một phần nguyên nhân giá dầu tăng do chi phí cho vấn đề bảo hiểm cũng đã thay đổi chóng mặt. Các nước xuất khẩu dầu đang hưởng lợi, nhưng các nước nhập dầu sẽ không hài lòng, trong đó có EU, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..." - Alexander Goshovin, chuyên gia của Viện chiến lược Thái Bình Dương nhận định.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc bất ngờ đắc lợi từ những xung đột của Mỹ với Iran ở vùng Vịnh. Thông tin từ hãng tin RT, sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh, nhiều hãng vận tải đã phải tìm cách tự lo lắng cho sự an toàn của mình.

Công ty giám sát hàng hải Anh Dryad Global tin rằng ngành công nghiệp vận tải đang bắt đầu tìm kiếm một giải pháp thay thế cho việc sử dụng tàu gắn cờ Anh trong khu vực.

"Những tàu có cờ Anh, Mỹ, Arab Saudi, UAE bỗng trở thành những mục tiêu trong tầm ngắm. Rủi ro với những tàu này là rất cao. Vì thế chi phí bảo hiểm cũng ở mức giá trên trời. Phần lớn khách hàng của công ty chúng tôi đang tìm cách đăng ký tàu thương mại mang cờ Trung Quốc - một đối tác chiến lược của Iran" - ông Phillip Diacon, giám đốc của Dryad Global cho biết.

Ngày 23/7, Bộ Quốc phòng Anh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nước này đưa ra các đường dây nóng và cách thức liên lạc ngay lập tức cho các tàu thương mại gắn cờ của họ trong trường hợp bị Iran gây khó dễ. Theo Bộ Quốc phòng Anh, các tàu chiến của họ sẽ có mặt ngay lập tức để giải quyết vấn đề.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chong-iran-lien-minh-my-kho-thanh-trung-quoc-dac-loi-3384320/