Chống hối lộ bằng ISO

Tình trạng nhũng nhiễu, đưa và nhận hối lộ là hình thái bóp méo hoạt động sản xuất kinh doanh, gây mất niềm tin cho các doanh nghiệp (DN) trong quá trình hoạt động.

Ông Trần Ngọc Liên, Phó chủ tịch VCCI - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết thông tin trên tại Hội nghị Phổ biến TCVN ISO 37001-2018 “Hệ thống quản lý chống hối lộ - các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng”, tổ chức sáng ngày 6/12 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị do Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Việt Nam ) và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Theo ông Liên, hối lộ là vấn nạn của toàn thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới thống kê mỗi năm trên toàn thế giới đã phải chi khoảng 1.000 tỷ USD cho hối lộ. Năm 2003, Liên hiệp quốc đã ra Công ước về chống hối lộ, Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia thực thi Công ước này.

Tại Việt Nam, ông Liên cho biết, hàng năm VCCI tổ chức khảo sát về tình hình đưa, nhận, môi giới hối lộ, diễn ra trong môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Theo đó, kết quả thu được có hơn 60% DN than phiền về tình trạng bị nhũng nhiễu, 63% DN bị chi trả chi phí không chính thức. Tuy nhiên, trong số các DN được khảo sát có 79% DN xem hối lộ là chấp nhận được.

Trong thực tiễn, các DN tư nhân, FDI trước đây chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, không quan tâm đến môi trường kinh doanh (tính liêm chính, minh bạch, hành vi hối lộ…) nhưng gần đây đã có nhiều DN quan tâm đến vấn đề nêu trên.

Bà Màn Thùy Giang, Thư ký Ban kiểm tra TCVN/TC 176, Quản lý chất lượng và Đảm bảo chất lượng (Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam ) cho biết, Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) về hệ thống quản lý (HTQL) hiện có 82 tiêu chuẩn. Trong đó có các tiêu chí áp dụng cho mọi lĩnh vực, mọi hình thức.TCCL ISO 37001-2018 (Hệ thống quản lý chống hối lộ) là một trong số đó, được các chuyên gia nhiều bộ ngành xây dựng từ tháng 2/2014 đến tháng 10/2016.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 176 cho biết, hối lộ là một hiện tượng phổ biến, các chính phủ đã đạt được thỏa thuận tiến bộ trong việc giải quyết nạn hối lộ thông qua các thỏa thuận quốc tế. Chỉ có luật pháp thì chưa đủ để giải quyết vấn đề này. Tiêu chuẩn này phản ánh thực hành tốt của quốc tế và có thể sử dụng ở mọi vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, tiêu chuẩn ISO có thể được sử dụng kết hợp với các tiêu chuẩn khác về hệ thống quản lý và các tiêu chuẩn quản lý khác. Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho vấn đề hối lộ, không đề cập cụ thể đến gian lận, độc quyền/chống độc quyền, rửa tiền hoặc các hoạt động liên quan đến tham nhũng. Hệ thống này áp dụng cho tất cả các tổ chức, không phân biệt loại hình, quy mô, tính chất hoạt động và tổ chức trong lĩnh vực công, tư, phi lợi nhuận.

Hệ thống quản lý này tập hợp các yếu tố có liên quan hoặc tương tác lẫn nhau của tổ chức để thiết lập chính sách tiêu chuẩn và các quá trình để đạt được mục tiêu đó;có nhiệm vụ đánh giá kỹ lưỡng về bản chất và mức độ của rủi ro về hối lộ nhằm đưa ra quyết định liên quan để kiểm soát và đánh giá hiệu quả.

Ông Nguyễn Tư Hải, đại diện Tổ chức Bureau Veritas Cenrtification đánh giá, lợi lích của việc áp dụng hệ thống quản lý chống hối lộ (tính liêm chính, minh bạch, công khai và tuân thủ) là yêu cầu và văn hóa trong kinh doanh. Hối lộ làm tăng chi phí kinh doanh, bóp méo cạnh tranh và tạo ra không chắc chắn trong các giao dịch thương mại nên cần phải loại trừ để DN có điều kiện phát triển. TCVN ISO 37001 là hệ thống cung cấp các biện pháp hợp lý nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với hối lộ. Vì thế các tổ chức, DN cần có trách nhiệm chủ động tham gia vào đấu tranh để chống hối lộ hiệu quả.

Theo ông Hải, lợi ích của chứng nhận HTQL chống hối lộ là bằng chứng cam kết của lãnh đạo cao nhất đối với tính liêm chính, hệ thống chứng minh được tổ chức đã áp dụng các biện pháp “ hợp lý và thích hợp” nhằm ngăn ngừa việc hối lộ và tuân thủ các yêu cầu của luật pháp, đồng thời cải tiến được văn hóa liêm chính, minh bạch, công khai trong DN.

Thế Vĩnh- Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chong-hoi-lo-bang-iso-113033.html