Chống hạn, mặn 'cứu' hơn 1,6 triệu ha lúa ở ĐBSCL

Vụ lúa Đông Xuân 2017-2018, là vụ mùa chính trong năm nhưng hạn, mặn xâm nhập với những diễn biến bất lợi, người dân dùng các biện pháp để 'cứu lúa'.

Tại tỉnh Kiên Giang, ngay thời điểm Tết Nguyên đán, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập sâu vào nội đồng, đe dọa hàng chục nghìn ha lúa đang trổ bông, làm đòng ở huyện Kiên Lương và Giang Thành. Diễn biến mặn xâm nhập nhanh đến nỗi ngành nông nghiệp địa phương không kịp trở tay.

Do nước mặn xâm nhập sâu nên toàn huyện Kiên Lương có khoảng 700 ha diện tích lúa có thể bị giảm năng suất do không có nước ngọt để bơm tưới kịp thời. Nguyên nhân làm cho nước mặn diễn biến nhanh là do mực nước đầu nguồn xuống thấp bất thường, cộng với việc người dân ở các khu vực đầu nguồn tập trung bơm nước vào đồng ruộng để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Mực nước trên các kênh nội đồng càng xuống thấp, tạo điều kiện cho nguồn nước mặn xâm nhập sâu.

Mặt khác độ mặn nước biển tại các cửa sông trong những ngày này cũng tăng cao bất thường, làm cho tình hình mặn xâm nhập sâu, nồng độ mặn khá cao. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các địa phương, thực hiện các giải pháp đối phó, khắc phục như đắp đập tạm trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên ngăn nguồn mặn xâm nhập từ hướng cửa Đông Hồ. Vận hành các cống để điều tiết nước, thoát nước mặn còn tồn đọng trên các kênh, tháo dỡ đập tạm, mở các cống trong nội đồng để tạo điều kiện cho nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về…

Nhiều diện tích lúa vùng Gò Công đã an toàn không bị thiệt hại bởi hạn mặn.

Nhiều diện tích lúa vùng Gò Công đã an toàn không bị thiệt hại bởi hạn mặn.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết: “Ngành nông nghiệp tập trung toàn lực để theo dõi hệ thống đê biển và hệ thống sông Cái Bé, Cái Lớn để vận hành hệ thống cống, đảo nước làm thế nào để có nguồn nước ngọt từ đầu nguồn ở An Giang về Rạch Giá – Hà Tiên. Khả năng năm nay diện tích lúa đông xuân sẽ có đủ nước, sản lượng vụ đông xuân đảm bảo kế hoạch”.

Trong khi đó, tại tỉnh An Giang, ngành nông nghiệp đã chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất. Tổng diện tích gieo trồng lúa, màu của tỉnh là trên 260.000 ha với 459 công trình thủy lợi, chiều dài 900 km, khối lượng 4.000.000 m3. Trong đó chủ yếu là nạo vét các kênh thủy lợi, hồ chứa nước, gia cố đê, đập, duy tư sửa chữa các cống để phục vụ nước sinh hoạt và tưới chống hạn cho sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cũng đã dự phòng xây dựng các đập tạm phòng chống xâm nhập mặn vào sâu các kênh rạch nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang.

Theo thống kê, sẽ có khoảng 65 ngàn người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp do khô hạn và xâm nhập mặn vì vậy An Giang đã triển khai 21 công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cho hơn 65.000 dân khu vực chịu ảnh hưởng mặn và hạn. Đối với 150.000 dân thuộc khu vực vùng cao và vùng đồng bằng xảy ra thiếu nước vào mùa khô sẽ được nâng công suất mở rộng các tuyến ống, đấu nối, điều tiết nước từ các trạm cấp nước lân cận cấp tiếp cho các trạm cấp nước có nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại tỉnh Tiền Giang, do làm tốt công tác thủy lợi, đóng kín các cống đập ven biển, ven sông vùng phía Đông để trữ nước ngọt nên gần 80 ngàn ha lúa Đông Xuân sẽ không bị thiệt hại do hạn mặn. Ông Đào Văn Lùn cũng như nhiều nông dân khác ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang hiện rất phấn khởi vì ruộng lúa của gia đình đã chín vàng, năng suất cao. Ông Lùn cho biết, đa số bà con vùng này đều trúng mùa lúa, không bị hạn mặn đe dọa như các năm trước đây.

Cống Ba Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đóng kín để ngăn mặn.

“Năm nay sản xuất lúa nước đầy đủ, cấp xã, ấp có thông báo cho người dân tuân thủ theo đúng lịch thời vụ. Lúa bà con trúng, rất mừng” – ông Lùn nói.

Vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang gieo sạ hơn 26.000 ha lúa và 3.000 ha hoa màu. Đến thời điểm này, đa số diện tích lúa đã trên 50 ngày tuổi; trong đó có khoảng 8.000 ha lúa đã chín, đang cho thu hoạch; số diện tích còn lại đang ở giai đoạn ngậm đòng và trổ. Hiện, mực nước trong hệ thống kênh mương nội đồng khu vực này vẫn còn ở mức từ 0,3 - 0,6 m. Năm nay, lúa đều trổ, chín không bị thiếu nước.

Ông Nguyễn Thân Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho biết: “Nói chung hiện nay, nguồn nước rất dồi dào, không có thiệt hại lúa. Lúa hiện đang chín chuẩn bị thu hoạch, năng suất khoảng 6-6,5 tấn. Nước trong kênh nội đồng còn rất cao đủ phục vụ”.

Để đảm bảo nước ngọt cho số diện tích lúa và hoa màu chưa thu hoạch, hiện nay tất cả các cống đập ven biển, ven cửa sông của vùng ngọt hóa Gò Công ở tỉnh Tiền Giang đều đóng kín để ngăn nước mặn. Riêng cống Xuân Hòa tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo đang tiếp tục lấy nước ngọt từ sông Tiền vào với việc vận hành các cửa cống bằng thủy lực.

Ông Huỳnh Minh Chương, Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Gò Công cho biết thêm: Đối với hệ thống kênh mương thủy lợi của xí nghiệp đang quản lý thì hiện nay vẫn đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho các huyện cuối nguồn. Hiện tại, tất cả các cống trong dự án đóng ngăn mặn. Riêng cống Xuân Hòa mình tận dụng mọi khả năng lấy nước lấy ổn định đến 15-3. Sau đó mình sẽ sử dụng hệ thống cửa thủy lực để lấy nước phục vụ cho số diện tíc xuống giống trễ.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhận định, từ tháng 3 năm nay, mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng các vùng ven biển ĐBSCL. Vùng cách biển từ 25 – 35km, nồng độ mặn 4g/lít sẽ xâm nhập thường xuyên nhưng vẫn có khả năng lấy nước ngọt vào thời điểm triều thấp. Ở các vùng cách biển từ 35 – 45km trở lên, nồng độ mặn 4g/lít xuất hiện nhưng không thường xuyên mà chủ yếu vào lúc triều cường. Do đó, chính quyền và người dân vùng ĐBSCL đang theo dõi độ mặn trên sông, rạch để lấy nước ngọt vào ruộng đồng.

Về lâu dài, ngoài các giải pháp làm công trình thủy lợi, các địa phương vùng ĐBSCL cần áp dụng biện pháp phi công trình để ứng phó với hạn mặn. Đó là việc gieo sạ lúa đúng lịch thời vụ, sử dụng lúa ngắn ngày, giống chịu hạn mặn khá, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở khu vực thiếu nước ngọt sang trồng hoa màu, hay chăn nuôi gia súc, giá cầm…để “né” hạn mặn./.

Chu Trinh- Lam Hiếu/VOV ĐBSCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/chong-han-man-cuu-hon-16-trieu-ha-lua-o-dbscl-743623.vov