Chồng gục ngã trong men say, cả nhà kiệt quệ sau đêm định mệnh

'Ma men' khiến nhiều người phải sống dở, chết dở và mang đến nỗi đau khôn nguôi cho không ít gia đình cả về tinh thần lẫn vật chất…

Có những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng khiến nhiều người phải ngã quỵ - Ảnh minh họa

Có những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng khiến nhiều người phải ngã quỵ - Ảnh minh họa

Rượu là bạn, hoạn nạn cũng vì rượu

Mấy ngày hôm nay, ngôi làng nơi tôi ở thuộc tỉnh Nam Định vẫn chưa hết xôn xao về vụ TNGT liên quan đến người có biệt danh “Khang say”. Vụ tai nạn đang khiến người đàn ông này sống không được, chết cũng không xong.

Ở địa phương, “Khang say” làm nghề bốc mộ thuê, nhưng nổi tiếng hơn mỗi khi người ta nhắc đến những tay “sâu rượu” trong xã. Với Khang, rượu là niềm vui mỗi ngày, anh ham rượu đến độ, nhà nào mời anh đến làm mà chưa có chén rượu “tráng miệng” là y rằng công việc hôm đó sẽ không thuận lợi. Còn rượu vào thì anh như được tiếp thêm cảm hứng, làm việc rất nhiệt tình, gọn gàng và hiệu quả.

Song cũng chính vì uống quá nhiều mà Khang trở thành nỗi khiếp sợ của làng trên xóm dưới, là người nát rượu trong mắt mọi người nên ai cũng muốn tránh. Nhà nào có việc hiếu, hỉ cũng ngại mời anh đến vì sợ anh rượu vào, máu nóng nổi lên là gây sự với tất cả những ai “lỡ lời” trêu đùa trong bàn tiệc.

Thế rồi, cuộc sống của anh cũng bị rượu làm cho thê thảm. Theo lời kể của người thân, ngày 24/5 vừa qua là ngày Khang đắm mình trong rượu. 8h00 sáng vừa mở mắt dậy, người bạn nhà bên đã sang kéo anh đi uống với lòng lợn, cuộc nhậu giữa hai người bạn kéo dài xuyên trưa đến tận 1h chiều. Khang trở về nhà với nồng nặc mùi rượu.

Ngày hôm đó, gia đình anh lại làm cơm cúng sau khi sang sửa lại nhà thờ. Xế chiều, Khang tiếp tục ngồi vào mâm rượu với người thân. Những chén rượu tiếp tục được anh chuốc vào người. Bữa cơm tối của gia đình kết thúc, anh vẫn hăng hái nhận chở bố vợ về nhà (cách nhà anh chừng 10km) dù người đã bắt đầu thấm men.

Chiều đi đến nhà bố vợ diễn ra thuận lợi, nhưng khi trở ngược về, đến đoạn dốc cầu cách nhà khoảng 2km, Khang vắt tay lái xe sang đường chuyển hướng, nhưng dường như lúc này sự tỉnh táo đã không còn, chiếc xe của anh đâm mạnh, nằm gọn dưới gầm hộ lan cầu, còn anh thì bị hất văng nằm bất động tại khu vực taluy âm trong đêm tối.

Khang nhanh chóng được người làng phát hiện, báo cho người thân đưa đi cấp cứu. Hậu quả, vụ tai nạn đó đã khiến anh bị đa chấn thương: dập phổi, dập lá nách, gãy dập một bên vai, dập một phần thận và vỡ xương chậu. Số phận anh rơi vào tính cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Hậu quả của việc để "ma men" dẫn lối là những vụ tai nạn thương tâm, đau đớn, thậm chí phải đối mặt với cái chết - Ảnh minh họa

Con nheo nhóc, vợ tuyệt vọng, gia đình kiệt quệ không chỗ bấu víu

Chia sẻ về sức khỏe của chồng trong nước mắt, vợ Khang cho biết, theo chẩn đoán của bác sĩ, để giữ được mạng sống cho anh trong tình trạng đa chấn thương như hiện tại, gia đình phải chuẩn bị 300 triệu. Nhưng khoản tiền đó chỉ giúp Khang giữ được 3 phần sống, 7 phần còn lại có lẽ phải chịu kiếp thực vật.

Éo le thay, số tiền đó lại quá lớn với một gia đình phải chạy ăn từng bữa như gia đình Khang. Khang có 3 người con, hai trai, một gái. Hoàn cảnh khó khăn, đứa con gái phải bỏ học, lấy chồng sớm ở độ tuổi mấp mé đôi mươi. Người con trai thứ hai mới chuyển cấp, bước vào lớp 6, đứa con trai út thì mới 4 tuổi. Thường ngày, công việc của anh chỉ mang tính mùa vụ, không đem lại thu nhập thường xuyên, gánh nặng gia đình dồn vào đồng lương công nhân ít ỏi của người vợ, khoảng 3 - 4 triệu/tháng.

Nhờ sự giúp đỡ của anh em, vợ Khang mới chỉ xoay vần được một nửa đóng viện phí cứu chồng. Cuộc đời Khang đang phải đối diện với cái chết trong đau đớn khi gia đình quyết định cho anh về sống dựa vào may mắn, được ngày nào hay ngày đó vì không thể lo đủ chi phí chữa chạy.

Nhìn vào sự tuyệt vọng của người vợ, khung cảnh tan hoang trong ngôi nhà nhỏ của Khang, người trong làng, ai cũng xót xa cho mái ấm của anh và cho chính bản thân anh khi bị “ma men” hành xác đến ngày phải đi vào ngõ cụt.

Trần Nam Anh

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/chong-guc-nga-trong-men-say-ca-nha-kiet-que-sau-dem-dinh-menh-d423172.html