Chống 'fake news' bằng 'critical thinking'

Mười lăm năm trước, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn có một buổi nói chuyện thú vị với các nhà báo trẻ ở một tòa soạn về đề tài triết học trong đời sống. Sau ngần ấy thời gian, trong trí nhớ của người viết vẫn còn đọng lại câu nói đùa của diễn giả: 'Mấy tay bợm nhậu xứ mình, thấy con gì nhúc nhích cũng băn khoăn, thắc mắc. Nhưng câu hỏi của họ lại là: Con ni nhậu được không bây?'.

Có mấy ai đủ tỉnh táo để nhớ đến luật chơi muôn đời trên thương trường “lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn”, hay hoài nghi về khả năng thanh toán của những đồng tiền điện tử, liệu chúng có giá trị tự thân...

Đó chỉ là một câu nói vui của diễn giả nhưng cũng là lời nhắc cử tọa bên dưới về thói quen tư duy, luôn phải biết hoài nghi và đặt câu hỏi trước các hiện tượng xảy ra xung quanh. Nhà báo và nhà khoa học có ít nhất một điểm chung: họ phải thắc mắc, phải biết đặt câu hỏi và phải đi tìm câu trả lời. Và cũng giống như những người làm khoa học, chừng nào bạn không còn thắc mắc, băn khoăn trước một vấn đề thì thôi đừng làm báo nữa!

Nhưng không chỉ nhà báo hay nhà khoa học, mọi người dưới ánh mặt trời này đều cần kỹ năng tư duy phản biện, “critical thinking”.

Còn nhớ cách nay hai thập niên, trong nhiều cuộc hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực ở xứ mình, “critical thinking” luôn nổi lên trong phần trình bày của các diễn giả nước ngoài. Họ xếp nó vào nhóm những kỹ năng mềm hàng đầu cần phải chuẩn bị cho nguồn nhân lực của thế kỷ 21.

Nay thế kỷ 21 đã qua gần hết một phần năm đoạn đường, cách đây bốn tháng, McKinsey Global Institute công bố một khảo sát về tương lai của lực lượng lao động trong thời tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, tư duy phản biện vẫn là một trong số những kỹ năng quan trọng. Nhu cầu về kỹ năng này được dự báo sẽ tăng ở tốc độ hai con số đến năm 2030, chẳng hạn ở Mỹ sẽ tăng 19%, trong khi ở châu Âu là 14%. Các ông chủ đánh giá cao kỹ năng này ở người lao động trong bối cảnh các mô thức kinh doanh thay đổi quá nhanh, các quy định pháp luật liên tục điều chỉnh, một hàm lượng thông tin khổng lồ bao quanh đòi hỏi người tiếp nhận phải có khả năng tư duy nhanh, chính xác, xử lý tốt các vấn đề để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở môi trường giáo dục Việt Nam hiện nay, học sinh gần như không có cơ hội để luyện tập kỹ năng này. Trên thực tế, tư duy phản biện dường như vẫn còn là khái niệm để bàn luận chứ không phải thực hành trong các chương trình giáo dục-đào tạo, ở đó học sinh hiếm khi được khuyến khích để bày tỏ chính kiến, được nói trái, làm khác với những gì thầy cô hướng dẫn.

Công bằng mà nói, người ta vẫn dẫn chứng sự thay đổi trong việc dạy và học ở Việt Nam bằng những đề thi được cho là khuyến khích suy nghĩ của bản thân các thí sinh. Nhưng hình như điều đó chỉ mới là lớp vỏ bên ngoài, còn con đường để học sinh Việt Nam thật sự học và hành với tư duy phản biện có vẻ còn rất xa vì nó đòi hỏi phải có sự thay đổi tận gốc rễ.

Đó là chuyện trong nhà trường. Còn ở gia đình, cha mẹ dù rất quan tâm đến chuyện học hành của con, nhưng lại ít dành thời gian cùng con trao đổi các vấn đề xảy ra xung quanh cuộc sống hàng ngày. Đó là chưa kể nhiều bậc phụ huynh dạy con theo lối áp đặt, tước đi của con quyền được nói ra hết những suy nghĩ của mình nhất là khi nó ngược lại ý cha mẹ.

Trong xã hội, chuyện một bộ phận giới trẻ Việt Nam thường chấp nhận thông tin đơn chiều là chỉ dấu cho thấy kết quả của những gì họ học ở trường, ứng xử trong gia đình và quan sát cuộc sống chung quanh. Tóm lại là khó nhận thấy chỗ đứng của tư duy phản biện ở nhiều người trẻ khi vào đời.

Chừng nào ta chưa biết tư duy lại tư duy, chừng đó ta vẫn còn bị cầm tù trong chính suy nghĩ một chiều của mình. Bởi mỗi người dưới ảnh hưởng của nền giáo dục, nguồn gốc xuất thân, nền tảng văn hóa, kiến thức và cả kinh nghiệm bản thân sẽ khiến các luồng “ánh sáng” thông tin chiếu tới bị “khúc xạ”. Vậy nên sẽ càng nguy hại nếu ta chỉ dùng sự hiểu biết và trải nghiệm bản thân như một tấm khiên để che đi việc tiếp nhận và phân tích những luồng thông tin đa chiều khác.

Nhưng thử hỏi ta tư duy lại tư duy như thế nào khi có quá nhiều luồng thông tin bao quanh như hiện nay. Rủi ro mà nhiều người trẻ đang đối diện là thiếu khả năng hoài nghi thông tin-truyền thông, khả năng đọc và gạn lọc được nguồn thông tin chất lượng dưới tầng tầng lớp lớp dữ liệu. Xung quanh ta, không ít người do vẫn chưa được “chủng ngừa” - biết cách thẩm định, nhận định các nguồn thông tin, đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy, đâu là tin giả (fake news) - nên thiếu sức đề kháng với thông tin-truyền thông. Và rõ ràng, khi ta thiếu đi ý thức gạn lọc thông tin trong quá trình tiếp nhận, chắc chắn sẽ dẫn đến những nhận định sai lầm.

Có một dạo thiên hạ “phát sốt” vì đồng bitcoin và những đồng tiền điện tử khác. Không biết bao nhiêu người đã trắng tay trong cuộc chơi tiền ảo này. Có mấy ai đủ tỉnh táo để nhớ đến luật chơi muôn đời trên thương trường “lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn”, hay hoài nghi về khả năng thanh toán của những đồng tiền điện tử, liệu chúng có thể là vật lưu giữ, liệu chúng có giá trị tự thân... kết quả hẳn đã khác.

Thử hỏi trên thế giới cho đến nay đã có bao nhiêu nhà sản xuất, kinh doanh thương mại chấp nhận thanh toán bằng các đồng tiền điện tử khi mà đồng tiền này biến động khôn lường. Và cũng vì sức biến động quá lớn, thử hỏi mấy ai dám lưu giữ rủi ro trong tay quá lâu. Đó là còn chưa bàn đến việc sẽ lưu giữ ở đâu, có ai đáng tin cậy để ủy thác...

Nhân nói đến chuyện thanh toán của các đồng tiền điện tử, hãy thử bàn đến khả năng “đề kháng” khi tiếp nhận nguồn tin. Ngày 20-7-2018, những ai đang đầu tư đồng tiền điện tử trên khắp thế giới có theo dõi tin tức trên các trang web liên quan hẳn đã rất phấn khích trước thông tin các cửa hàng Samsung ở một số nước vùng Baltic chấp nhận cho thanh toán bảy loại tiền điện tử (cryptocurrency)... Tin loan đi và rất nhanh sau đó nó cũng đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội chuyên về tiền điện tử ở Việt Nam. Theo các trang tin tức về tiền điện tử ở nước ngoài thì CopPay, một công ty FinTech của châu Âu, đã chính thức công bố thông tin đó.

Điều đáng bàn ở đây là trong phần nội dung tin đăng tải trên các trang, chỉ có phát ngôn từ phía CopPay, trong đó có những ý như “Samsung chấp nhận thanh toán các đồng tiền điện tử sử dụng hệ thống CopPay” (Samsung accept crytocurrency using CopPay), và với sự kiện này thì “Samsung đã thực sự chấp nhận câu khẩu hiệu “Đánh thức tương lai” của chính mình” (Samsung embraces their slogan to “Turn on Future”). Đọc bản tin một cách tỉnh táo, ắt hẳn người đọc sẽ đặt ngay câu hỏi sao không thấy phía Samsung phát ngôn về sự kiện này? Câu hỏi tiếp theo sẽ là những cửa hàng chấp nhận thanh toán đó mặc dù được gọi là “Samsung Store” nhưng có thuộc về Samsung không hay chỉ đơn thuần là những cửa hiệu chuyên bán hàng điện tử của hãng? Nếu vậy thì bản chất thông tin sẽ không đúng như đã loan báo.

Một khi đã có những mối hoài nghi như vậy, chắc chắn bạn sẽ phải đi tìm câu trả lời cho chính mình. Người viết đã làm thử. Vào mạng gõ một vài từ khóa tìm kiếm, kết quả là đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không có một tờ báo chính thống nào đăng tải thông tin đó trong khi đây lại là một sự kiện liên quan đến hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Không hề thấy có bất kỳ một phát ngôn nào của Samsung liên quan đến thông tin được đề cập. Chưa hết, chép một đoạn nội dung từ nguồn phát ngôn “customers in Tallin, Riga, Vilnius and Kaunas can buy Samsung smartphones, tablets, laptops, TV-sets, and more with digital money” mà một trang tin về tiền điện tử đã trích dẫn rồi gắn lên thanh tìm kiếm của Google, thấy hiển thị thông báo có 14.200 kết quả, nhưng thực tế chỉ đọc thấy 18 kết quả vì Google đã tự động loại bớt những trang có nội dung trùng lắp như vậy. Và người tìm kiếm sẽ thấy bất ngờ hơn khi nhấp chuột vào đường dẫn đến nguồn (source) phát ngôn chính thức - đã được các trang tin chèn vào - màn hình hiện lên thông báo bài đã bị xóa!

Mấy ngày sau đó, người ta nói đó là “fake news” bởi vì có nguồn tin cho biết đại diện phát ngôn của Samsung đã phủ định thông tin này. Rồi chính CopPay vào ngày 24-7-2018 đã điều chỉnh thông tin, xác nhận “Samsung doesn’t accept crytocurrency using CopPay” và nói rõ: “Chúng tôi chưa bao giờ nhắc đến việc chúng tôi trở thành đối tác với tổng hành dinh Samsung. Chúng tôi chỉ thông báo việc có thể mua các sản phẩm của Samsung bằng những đồng tiền được mã hóa ở những cửa hàng tại Baltic”. (*)

Một bài học kinh nghiệm của chuyện đọc tin tức! Hãy hoài nghi đi rồi bạn sẽ được xác tín.

Mọi cá thể sống đều cần có thức ăn, và phần thuộc về cá thể đó chính là cách mà nó dung nạp, tiêu hóa nguồn dinh dưỡng đưa vào và biến nó thành ra máu, thịt. Tương tự như vậy là cách thức mà chúng ta tiếp nhận một sự việc, phân tích và đánh giá để đưa ra chính kiến. Cách dung nạp khác, xử lý khác sẽ dẫn đến kết quả khác. Một khi thông tin đầu vào đã bị “khúc xạ” sai lệch thì hậu quả chắc khỏi phải bàn.

Tục ngữ có câu “ai muốn đi xa phải chuẩn bị yên cương” và hành trang đem theo nhớ đừng quên tư duy phản biện. Trong một thế giới mà gần như mọi thứ đều tương tác với nhau theo một cách nào đó, trực tiếp hay gián tiếp, điều nói trên sẽ đúng bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, bất cứ bạn là ai.

Giá như người Việt Nam ai cũng đặt câu hỏi về mọi vấn đề trong cuộc sống rồi đi tìm câu trả lời xác đáng như mấy ông mê nhậu được nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nhắc ở đầu bài viết, chắc nước Việt mình sẽ tiến rất xa.

(*) https://medium.com/@CopPay/coppays-ceo-official-statement-12318e7c8a6c

Thục Đoan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278436/chong-fake-news-bang-critical-thinking-.html