Chống dịch tốt để đạt mục tiêu tăng trưởng

Giải pháp hiệu quả nhất để phục hồi kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2020 là phòng chống tốt dịch Covid-19. Khi Đà Nẵng là điểm đến an toàn của du lịch, đầu tư, sản xuất... thì việc thực hiện đạt các mục tiêu tăng trưởng sẽ rất thuận lợi. Đó cũng là nội dung bao trùm tại Kỳ họp thứ 13 ngày 13-3 của HĐND TP Đà Nẵng.

Giải pháp hiệu quả nhất để phục hồi kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2020 là phòng chống tốt dịch Covid-19. Khi Đà Nẵng là điểm đến an toàn của du lịch, đầu tư, sản xuất... thì việc thực hiện đạt các mục tiêu tăng trưởng sẽ rất thuận lợi. Đó cũng là nội dung bao trùm tại Kỳ họp thứ 13 ngày 13-3 của HĐND TP Đà Nẵng.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung phát biểu tại kỳ họp.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung phát biểu tại kỳ họp.

Thông qua bảng giá đất mới

Tại kỳ họp này, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua 8 Nghị quyết và 28 nội dung quan trọng. Cụ thể thông qua Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, trong đó bổ sung 290 tuyến đường mới đặt tên, điều chỉnh giảm 5% với đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh, sửa đổi giá đất với 5 tuyến đường chưa phù hợp (giá thực tế thấp hơn mức quy định). Theo ông Trần Chí Cường - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, Bảng giá đất lần này cơ bản phù hợp với tình hình phát triển KT-XH và thị trường bất động sản của TP hiện nay, trong đó đã xem xét đến yếu tố tạo điều kiện để DN, người dân tiếp cận đất đai.

HĐND TP cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về thống nhất chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án phát triển nhà ở gồm Khu biệt thự sinh thái phía Tây đường tránh Nam Hải Vân, Khu biệt thự sinh thái phía Đông đường tránh Nam hầm Hải Vân, Khu đô thị sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn Thái và Khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông... Theo ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị, các dự án này phù hợp về mặt định hướng phát triển không gian chung, làm tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển đô thị phía Tây TP. Tuy vậy, ông Tiến cho rằng, khi triển khai các dự án này phải đảm bảo khớp nối với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của TP đang được tư vấn Singapore thực hiện, nhất là hướng tuyến đường sắt và trị trí Ga hành khách đường sắt sẽ được đầu tư mới; đảm bảo quỹ đất nhà ở xã hội 20%; có giải pháp về mặt qui hoạch phù hợp định hướng phát triển thành các khu đô thị sinh thái, hiện đại, hạn chế việc chia lô liền kề.

Ngoài ra, HĐND TP cũng biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng khác, như chủ trương nâng cấp tuyến đường Hòa Phong - Hòa Tiến dài 5,3km, rộng 25m có tổng vốn đầu tư hơn 286 tỷ đồng.Thông qua Nghị quyết về Danh mục các dự án (bổ sung) cần thu hồi đất năm 2020. Theo đó, có 10 dự án cần thu hồi đất tổng diện tích hơn 36 ha. Đây là các dự án về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông thiết yếu rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển của TP trong năm 2020. Thông qua Nghị quyết về việc giao thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm C từ HĐND TP sang UBND TP để tạo thuận lợi, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án. HĐND TP cũng thông qua tờ trình về miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND TP với ông Đặng Việt Dũng (nghỉ hưu theo chế độ) và miễn nhiệm chức danh Ủy viên ủy ban với ông Trần Huy Đức - Chánh thanh tra TP đã chuyển công tác sang Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng.

Bảng giá đất mới vừa được HĐND TP thông qua có bổ sung 290 tuyến đường mới đặt tên.

Nhóm giải pháp có đủ mạnh?

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Đà Nẵng vẫn kiên định các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2020, đồng thời thông qua Nghị quyết bổ sung các nhóm giải pháp cấp bách để quyết liệt thực hiện. Theo đó, giải pháp đầu tiên là tập trung nguồn lực phòng chống tốt dịch Covid-19 để Đà Nẵng thực sự là điểm đến an toàn về du lịch, đầu tư, sản xuất. Khi đã an toàn thì việc phục hồi, phát triển kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng sẽ thuận lợi. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cho biết, HĐND TP đã thông qua nguồn kinh phí 51 tỷ đồng để cấp bách triển khai các giải pháp chống dịch Covid-19, đồng thời dành 150 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế (dự phòng thêm 500 tỷ đồng) chống dịch. Ngoài ra, TP cũng nâng chính sách hỗ trợ người cách ly, cán bộ thực hiện công tác cách ly liên quan tới dịch bệnh Covid-19.

Một nhóm giải pháp cấp bách khác là khẩn trương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh. ĐB Lê Vinh Quang cho rằng, chính sách giảm thuế, gia hạn thuế có ý nghĩa sống còn. Mà chính sách này ở tầm vĩ mô, mang tính thống nhất cả nước, vì thế kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ về nghị định giảm thuế VAT xuống còn 5%, giảm 50% tiền thuê đất, tạm dừng đóng BHXH. Hiện nay, văn bản số 1117 ngày 24-2 của NHNN chỉ cho thời hạn từ ngày 23-1 đến 31-3 là quá ngắn không đủ cho DN hồi phục. ĐB Lương Nguyễn Minh Triết thì cho biết, TP có hơn 2,1 ngàn giáo viên ngoài công lập chịu ảnh hưởng và 3.700 lao động ngành dịch vụ, vận tải mất việc làm vì dịch bệnh. Ông Triết kiến nghị TP có giải pháp hỗ trợ như giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, tạm dừng đóng BHXH cho người lao động. Hiện DN chậm đóng BHXH một ngày thì thẻ BHYT không có hiệu lực, rất thiệt thòi cho người lao động. ĐB Thúy Mai kiến nghị TP có giải pháp hỗ trợ DN đa dạng hóa thị trường, hỗ trợ tiền thuê đất cho các DN trong những KCN mà TP đầu tư. Đặc biệt, TP cần triển khai hiệu quả hơn Nghị quyết số 149 của HĐND về hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, tái cơ cấu sản xuất. Mức hỗ trợ lãi suất theo diện này lên tới 100%, nhưng do những điều kiện khắt khe, qua 2 năm triển khai nghị quyết vẫn chưa có DN nào được hưởng.

Khu vực bờ đông Sông Hàn (Đà Nẵng). Ảnh: Q.H

Theo ông Trần Chí Cường, ngoài nhóm chính sách hỗ trợ từ T.Ư thì TP cần rà soát, bổ sung cơ chế hỗ trợ DN như miễn giảm phí, tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất. Đặc biệt, TP cần nâng cao hiệu quả của Quỹ đầu tư phát triển theo hướng nới lỏng, tạo điều kiện để DN dễ tiếp cận. Thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục nhằm giảm bớt thời gian, chi phí cho DN. Qua thẩm tra, Ban Kinh tế- Ngân sách cũng thống nhất với nhóm giải pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng mà UBND TP đưa ra. Cụ thể như các giải pháp đẩy mạnh đầu tư công các dự án trọng điểm, chuẩn bị sẵn sàng kích cầu du lịch thông qua các sản phẩm đặc trưng ngay khi dịch bệnh được khống chế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phát triển công nghệ thông tin, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập nguyên liệu phụ kiện công nghiệp...

Ứng phó với dịch bệnh, Đà Nẵng không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà chỉ bổ sung nhóm giải pháp căn cơ và quyết liệt thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 được xem là giải pháp cấp bách hàng đầu.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_221701_.aspx