'Chống dịch như chống giặc', giáo viên thành phiên dịch viên ở chốt kiểm dịch

Với tinh thần 'chống dịch như chống giặc', rất nhiều giáo viên, đoàn viên thanh niên TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã nêu cao tinh thần tình nguyện, tích cực tham gia các công việc hỗ trợ lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch.

Nhằm tăng cường hiệu quả của các chốt, TP Uông Bí huy động các thầy cô giáo dạy Tiếng Anh làm phiên dịch. Từ 17/3, các giáo viên bắt đầu công việc tình nguyện tại cửa ngõ của tỉnh nhà.

Những ngày này, lượng khách qua chốt số 2 vào tỉnh Quảng Ninh ít, có những giáo viên trong suốt ca trực không gặp ai; song có những ngày phải nói khản cả giọng khi giải thích cho khách nước ngoài hiểu được việc phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt...

'Trực ở chốt không giống lên lớp'

Gác lại những ngày trực trên trường học, thu xếp công việc gia đình, 7 giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn TP Uông Bí (Quảng Ninh) tham gia tình nguyện làm công tác phiên dịch, hỗ trợ khai báo y tế, giao tiếp với người nước ngoài tại chốt kiểm dịch số 2 trên Quốc lộ 10, đoạn thuộc địa phận Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí.

 Thầy Bùi Anh Dũng tham gia hướng dẫn hành khách vào đo thân nhiệt.

Thầy Bùi Anh Dũng tham gia hướng dẫn hành khách vào đo thân nhiệt.

Họ đều là những giáo viên có chuyên môn giỏi, đang dạy tại 6 trường học trên địa bàn TP Uông Bí (THCS Nguyễn Trãi, THCS Phương Nam, THCS Phương Đông, THCS Trần Quốc Toản, Tiểu học Lê Lợi, Tiểu học Lý Thường Kiệt).

Lau vết mờ bám lại trên kính, thầy Bùi Anh Dũng (SN 1976, giáo viên tiếng Anh trường THCS Trần Quốc Toản phường Quang Trung, TP Uông Bí) cười bảo, thầy là “mì chính cánh” trong nhóm giáo viên hỗ trợ ngoại ngữ tại chốt.

Nói về việc trực ở chốt, thầy Dũng cho biết: "Ca trực sáng 23/3, tôi gặp 2 bạn quốc tịch Ấn Độ và Pakistan. Rất may mắn, các bạn hợp tác trong việc khai báo y tế nên công việc của tôi khá suôn sẻ”.

Mỗi ngày tại đây sẽ có 1 giáo viên tiếng Anh trực từ 7h30 đến 16h30 (thông trưa). Việc trực ở chốt sẽ kết thúc khi có quyết định của tỉnh Quảng Ninh về việc dừng lập chốt.

Giống như thầy Dũng, cô Nguyễn Thị Thắng (giáo viên tiếng Anh trường THCS Nguyễn Trãi) cũng đã có 1 ngày đứng chốt với nhiều kỷ niệm.

Theo cô Thắng, không giống những buổi lên lớp giảng bài cho các em học sinh, cô Thắng cũng như nhiều giáo viên tiếng Anh khác bắt tay vào công việc hoàn toàn mới, tiếp xúc với nhiều người lạ.

“Chúng tôi trực chốt ở đây trên tinh thần tự nguyện. Trước đây tôi từng tham gia tình nguyện lên vùng cao, giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số… nhưng đây là lần đầu tiên đứng trực chốt để phòng chống dịch bệnh. Khi giảng bài, tôi cũng phải nói nhiều nhưng khi trực chốt, tôi nói nhiều hơn, nói đến khản giọng", cô Thắng chia sẻ.

Còn đối với cô giáo Nguyễn Thị Bảo Phượng, giáo viên tiếng Anh trường THCS Phương Nam, đây là "chiến dịch" của toàn dân nên các thầy, cô giáo rất vui, tự hào khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

"Chúng tôi đang cố gắng hết mình với tinh thần hăng say, vui vẻ”, cô Phượng cho hay.

Theo cô Phượng, trong suốt ca trực, có thể các giáo viên không gặp trường hợp nào là khách nước ngoài. Tuy vậy, các giáo viên đã tham gia hỗ trợ, hướng dẫn hành khách khai báo y tế, đo thân nhiệt, phát tờ rơi… Có thời điểm lượng khách vào Quảng Ninh nhiều, hành khách đông, nếu ghi chép không kịp sẽ gây ra ùn tắc giao thông.

Những chuyến xe đến rồi đi, những lời cảm ơn của những hành khách xa lạ khiến người làm nhiệm vụ như cô Phượng quên đi mệt nhọc, quên đi những giọt nước mưa đang táp vào mặt và cả những bụi bặm của Quốc lộ 10.

Tuy vậy, cô Phượng cũng như một số giáo viên khác cũng gặp những hành khách trong nước tỏ ra khó chịu khi phải kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế. Những lúc ấy, họ phải nhờ tới sự trợ giúp của công an để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công việc.

Ngoài giờ trực tại chốt, nếu có khách nước ngoài, cán bộ trực là công an hoặc y tế tại chốt sẽ gọi điện zalo, facetime cho các giáo viên tiếng Anh để được hỗ trợ nói chuyện.

Áo xanh tình nguyện xung phong đứng chốt

Không chỉ các thầy cô dạy ngoại ngữ, tại chốt kiểm dịch số 2 của tỉnh Quảng Ninh còn có cả các bạn thanh niên tình nguyện của đội ngũ đoàn viên thanh niên TP Uông Bí.

Bất kể trời mưa hay nắng, các bạn trẻ vẫn tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn hành khách lên xuống xe…

Thanh niên TP Uông Bí tham gia hỗ trợ công việc tại chốt kiểm dịch.

Bí thư Thành đoàn Uông Bí, anh Phan Minh Toàn cho biết, TP Uông Bí là đơn vị đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh thành lập đội phản ứng nhanh của thanh niên tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đội phản ứng nhanh gồm 48 thành viên chủ chốt là Bí thư, Phó Bí thư đoàn của các xã, phường và các trường học của địa phương tham gia công tác tuyên truyền ở khu dân cư, thành phố thậm chí trên các trang mạng xã hội.

Lực lượng tham gia tại chốt kiểm dịch số 2 chủ yếu là Bí thư, Phó Bí thư đoàn các xã, phường. Mỗi ngày có 3 đoàn viên thanh niên ở một phường tham gia công việc của chốt từ 7h đến 17h.

Công việc chủ yếu là đo nhiệt độ, hướng dẫn mọi người vào kiểm tra thân nhiệt, phát tờ rơi tuyên truyền… Một số bạn phải di chuyển quãng đường gần 30km để tới điểm trực chốt nên đi lại khá vất vả nhưng họ vẫn nhiệt tình, hăng hái.

“Là thanh niên, chúng tôi luôn muốn cống hiến và làm những việc có ích trước tiên cho thành phố mình đang sống, mở rộng ra là toàn tỉnh và trên cả dải đất hình chữ S", Bí thư Thành đoàn TP Uông Bí nói.

Thanh niên làm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho người đi qua chốt.

Phó Bí thư đoàn phường Thanh Sơn, bạn Nguyễn Thùy Trang chia sẻ, khi triển khai lực lượng phản ứng nhanh, ở phường Thanh Sơn có rất nhiều đoàn viên đăng ký tham gia.

"Chúng tôi luôn nhắc nhở đoàn viên phải bảo vệ mình trước, sau đó mới có thể làm việc, cống hiến, giúp đỡ mọi người”, Phó Bí thư đoàn phường Thanh Sơn chia sẻ.

Với Trang, khó khăn nhất khi hỗ trợ tại chốt là việc một bộ phận người dân chưa có ý thức phòng dịch cao. Vì vậy, khi đoàn viên thanh niên hướng dẫn hành khách vào vị trí máy đo thân nhiệt hay đeo khẩu trang, họ thấy như bị bắt buộc và không hợp tác.

Tuy nhiên, với tinh thần “đâu cần thanh niên có”, các đoàn viên thanh niên của TP Uông Bí vẫn hăng hái hỗ trợ lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch.

Trước đó, vào ngày 17/3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 8 chốt liên ngành có nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh bằng đường bộ nhằm phòng, chống và ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19.

Các chốt liên ngành gồm: Trạm thu phí cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); Quốc lộ 10 đoạn địa phận Đá Bạc (phường Phương Nam, thành phố Uông Bí); Quốc lộ 4b đoạn thuộc địa phận Yên Than (huyện Tiên Yên); Quốc lộ 279 đi Bắc Giang (xã Tân Lập, thành phố Hạ Long).

Tại thị xã Đông Triều thành lập 4 chốt gồm trên Quốc lộ 18, đoạn cầu Vàng Chua, xã Bình Dương; Cầu Đá Vách, phường Mạo Khê; Đường 345 đi sang huyện Lục Nam (Bắc Giang) xã Bình Dương; Cầu Hoàng Thạch, phường Mạo Khê.

Nguyên Trung

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chong-dich-nhu-chong-giac-giao-vien-thanh-phien-dich-vien-o-chot-kiem-dich-post336161.info