Chống đầu cơ đất, nhưng cần tạo cơ hội để thị trường phát triển

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu phải 'kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân'. Đây là một yêu cầu cấp bách, tuy nhiên, xử lý nạn đầu cơ đất cùng những tiêu cực liên quan đến đất đai, trong khi vẫn bảo đảm thị trường bất động sản được phát triển thông suốt lại là một thách thức.

Trong quá khứ, không hiếm trường hợp khi Nhà nước “siết” để xử lý một bất cập nào đó thì cũng gần như ngay lập tức làm ngưng trệ hoạt động của những ngành, lĩnh vực có liên quan.

Để có thể đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng đầu cơ đất, trong khi vẫn không làm “tổn thương” phần lành mạnh của thị trường bất động sản, điều quan trọng cần làm trước tiên là đưa ra được những tiêu chí rõ ràng, cụ thể đối với các hoạt động bị xác định là đầu cơ đất. Vì với một loại hàng hóa đặc biệt như quyền sử dụng đất, ranh giới giữa đầu tư (cần khuyến khích) và đầu cơ (phải xử lý) đôi khi rất mờ nhạt.

Một doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu phát triển quỹ đất, nhưng không phải cho các mục tiêu đầu tư kinh doanh ở thời điểm hiện tại, mà là bước chuẩn bị cho kế hoạch phát triển trong 5 năm hoặc 10 năm tới, thì có bị xem là đầu cơ hay không, hay đó là hoạt động đầu tư và được khuyến khích? Một gia đình mua vài mảnh đất để sau này bán chia cho các con mua nhà, hoặc bán lấy tiền cho con đi du học, thì đó là giữ tài sản hay đầu cơ?

Bất kỳ một giải pháp nào được đưa ra để khắc phục nạn đầu cơ đất đai cùng những tiêu cực liên quan đến đất đều dẫn đến yêu cầu phải sửa luật. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc đến yêu cầu “thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ”. Vấn đề đặt ra ở đây là khi điều chỉnh luật để khắc phục một khuyết tật nào đó của thị trường thì cơ quan soạn thảo, cũng là cơ quan quản lý nhà nước ngành, thường có xu hướng đưa vào các điều kiện kinh doanh mới để siết lại. Đó chính là điều đã diễn ra với ngành sản xuất phân bón và xuất khẩu gạo trước đây. Thực tế đã cho thấy, siết bằng điều kiện kinh doanh chẳng những không giải quyết được bất cập của thị trường, mà còn tạo ra rào cản rất lớn đối với sự phát triển.

Bất động sản là một ngành có vai trò động lực đối với sự phát triển của nền kinh tế. Bất kỳ một giải pháp quản lý nào, nếu hệ quả của nó làm cho ngành bất động sản hay thị trường bất động sản bị đình trệ thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xấu đối với nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ khác.

Giải pháp khả thi nhất để hạn chế nạn đầu cơ đất đai có lẽ là ở chính sách thuế đối với nhà, đất – vấn đề đã được các chuyên gia mổ xẻ nhiều trong những tháng qua nhưng phía cơ quan quản lý nhà nước thì dường như vẫn còn dè dặt.

Còn với vấn nạn tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai, có lẽ không có giải pháp nào khác ngoài công khai và minh bạch, “đặc biệt liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh…” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu ra trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chong-dau-co-dat-nhung-can-tao-co-hoi-de-thi-truong-phat-trien/