'Chồng cứ đòi giết em hoài, đó có phải bạo hành không chị?'

'Em nghi chồng em có người khác, đi sớm về khuya. Em hỏi thì lại bị chồng đánh. Chồng em hay dọa 'coi chừng tao giết mày đó'. Vậy có phải là bạo hành không chị?'

Chị em nữ công nhân sinh hoạt ngoài giờ ở một khu nhà trọ (Ảnh minh họa) - Ảnh: L.T

Nữ công nhân giọng rụt rè khi gọi điện cho Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh Bình Dương (Gọi tắt Trung tâm). Bà Nguyễn Thị Kiều Nhi – Giám đốc Trung tâm cho biết thêm, đơn vị không chỉ tiếp nhận các ý kiến thắc mắc của anh chị em công nhân lao động về các chính sách bảo hiểm xã hội, luật lao động mà còn liên quan đến luật đất đai, giao thông và gần đây rất nhiều chia sẻ của chị em nhờ hỗ trợ khi bị bạo hành trong gia đình.

Chị em đặt câu hỏi với cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn tại Ngày hội công nhân với pháp luật

Đối với trường hợp của nữ công nhân trên, bà Kiều Nhi cho biết: “Tôi giải thích với chị ấy, những lời đe dọa đó chính là biểu hiện của bạo hành gia đình, cụ thể là bạo hành tinh thần. Nếu lời đe dọa đó lập đi lập lại nhiều lần sẽ dễ dẫn đến hành động. Nhiều ông chồng đang bạo hành vợ nhưng không biết đó là bạo hành. Nhiều người vợ bị chồng chửi bới, hoặc im lặng không nói chuyện suốt thời gian dài, không cho tiếp xúc với người khác, ghen tuông vô cớ nhưng không nghĩ đó là bạo hành, với họ bị đánh mới là bạo hành”.

Trong ngày hội công nhân với pháp luật năm 2018 vừa qua, có một nữ công nhân cũng đến nhờ Trung tâm hỗ trợ vì “chồng có bồ bên ngoài về nhà thì đánh chửi vợ”. Tiếp nhận vụ việc, cán bộ Trung tâm đã hỏi địa chỉ làm việc của người chồng, rồi liên hệ với công đoàn cơ sở, phối hợp với doanh nghiệp mời người chồng này lên giải thích, đối chiếu quy định pháp luật để người chồng hiểu.

Hoạt động của cán bộ tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai tại nhà trọ công nhân

Theo bà Kiều Nhi, chị em nữ công nhân, cán bộ công chức nữ bị bạo hành rất nhiều nhưng đa phần nín nhịn, chịu đựng. Có những gia đình nhìn bên ngoài rất hạnh phúc nhưng thực sự trong gia đình có “sóng ngầm”, không bị bạo hành thể xác, họ còn bị bạo hành về tình dục, tinh thần, xã hội, kinh tế… chịu không nổi nữa nên mới gọi điện cho Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn nhờ can thiệp. Trung tâm sẽ tư vấn chị em các ứng xử khi việc đó lặp lại, hỗ trợ pháp lý khi chị em có yêu cầu và kết nối với cơ quan chức năng xử lý.

Vừa qua, tại buổi làm việc tại TPHCM, chia sẻ về mục tiêu tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm pháp luật công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Ngọ Duy Hiểu cho rằng, hướng sắp tới sẽ nghiên cứu xây dựng Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động cấp Tổng liên đoàn và một số địa phương. Bởi ngoài tư vấn pháp luật, người lao động rất cần được hỗ trợ về các vấn đề của cuộc sống như hôn nhân gia đình, nhà ở, nhà trọ… đó cũng là một cách để nâng cao vai trò, chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ của người cán bộ công đoàn đối với đoàn viên, người lao động.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/chong-cu-doi-giet-em-hoai-do-co-phai-bao-hanh-khong-chi-641535.ldo