Chống chủ nghĩa cực đoan trên mạng xã hội: Chưa bao giờ đơn giản

Mới đây, Cơ quan bảo vệ Hiến pháp liên bang Đức (BfV) đã lên tiếng cảnh báo về các hoạt động cực đoan thông qua mạng xã hội. BfV cho rằng, mạng xã hội đã và đang đóng một vai trò đặc biệt trong việc phát triển chủ nghĩa cực đoan.

IS sử dụng mạng xã hội để chiêu mộ các tay súng. (Nguồn: Getty).

IS sử dụng mạng xã hội để chiêu mộ các tay súng. (Nguồn: Getty).

Đức hiện có khoảng 38 triệu người sử dụng các mạng xã hội, trong đó Whatsapp chiếm 79%, Facebook 59%, Instagram 30%. Xếp sau đó là Twitter, YouTube và Snapchat. Lợi dụng sự phát triển về công nghệ, nhiều tổ chức khủng bố đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ tuyên truyền tư tưởng cực đoan, thù hằn dân tộc, kích động bạo lực. Như mới đây, một đoạn băng của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) được đăng tải trên mạng xã hội với nội dung kêu gọi những người mang "đức tin và tín ngưỡng" ở châu Âu, Mỹ, Nga, Australia coi những kẻ cực đoan "tấm gương để hành động”.

Dù nội dung thông điệp trên đang được xác thực, nhưng giọng nói trong đoạn ghi âm được cho là của Abi al-Hassan al-Muhajer - người phát ngôn của IS. Giới chuyên gia an ninh mạng cho rằng, vào các dịp lễ của người Hồi giáo, các tổ chức cực đoan IS lại kêu gọi các phần tử thánh chiến tham gia các cuộc tiến công khủng bố thông qua mạng xã hội. Tuy chiêu chiêu thức này không hề mới song cho đến nay vẫn được các nhóm khủng bố sử dụng hiệu quả. Và trên thực tế, ở nhiều nước, đã có rất nhiều người dùng bị ảnh hưởng, bị lôi kéo bởi những đoạn băng, tin nhắn được phát tán một cách rộng rãi như vậy.

Tại Đức, trong phiên điều trần của Ủy ban Kiểm soát các hoạt động tình báo, Chủ tịch BfV Thomas Haldenwang cho rằng việc ngăn chặn truyền bá tư tưởng cực đoan, kích động hận thù trên các trang mạng xã hội là nhiệm vụ không chỉ đối với chính phủ các nước mà còn là trách nhiệm của nhà cung cấp. Năm 2017, Quốc hội LB Đức đã thông qua luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG và dùng công cụ pháp lý này để hạn chế các loại hình tội phạm trên môi trường mạng xã hội, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức cực đoan, các nhóm khủng bố. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo đó đã tuân thủ các quy định mới của luật NetzDG. Facebook, YouTube, Twitter..., đầu tư các công cụ mạnh để lọc những nội dung vi phạm.

Cũng mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập quy định yêu cầu các nhà cung cấp phải bảo mật tốt hơn đối với các thông tin cá nhân trên mạng nếu không sẽ phải chịu phạt tối đa 4% thu nhập hàng năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng biện pháp này chưa đủ tính răn đe và nhấn mạnh cần phải có những luật định rõ ràng với các công ty này.

Việc chính phủ các nước siết chặt quản lý các mạng xã hội là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh người dùng chủ quan, không thể lường hết được những tác động tiêu cực và khó có thể tự bảo vệ mình khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội. Sau nhiều vụ tấn công mà các thành phần khủng bố sử dụng internet để hoạt động, các mạng xã hội lớn đều đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan. Nhưng công việc của họ chưa bao giờ là đơn giản.

Hoài An

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/chong-chu-nghia-cuc-doan-tren-mang-xa-hoi-chua-bao-gio-don-gian-tintuc422950