Chống chủ nghĩa cá nhân - giải pháp căn cơ chống 'tự diễn biến'

Chủ nghĩa cá nhân được xem là 'giặc nội xâm', là nguồn gốc gây ra các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu... Nếu không chống chủ nghĩa cá nhân thì vấn nạn 'quan cách mạng' sẽ ăn sâu bám rễ, như bệnh ung thư giai đoạn cuối, sẽ bùng phát làm hỏng cả bộ máy và làm tăng nguy cơ 'tự diễn biến' mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra.

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu sâu, hiểu rõ và phân tích rất kỹ về chủ nghĩa cá nhân. Ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa cá nhân trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” đăng trên số 12 của Tạp chí Học tập xuất bản năm 1958, dưới bút danh Trần Lực, Người đã khái quát về chủ nghĩa cá nhân hết sức đơn giản “... là trái ngược với chủ nghĩa tập thể” và là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Người viết:“Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngǎn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.

Nói về sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, Người khái quát dễ hiểu và dễ nhớ: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”.

Người cũng đã chỉ ra các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: “Vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn "kể công" với Đảng. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng "cảm ơn" họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ "không có tiền đồ", họ "bị hy sinh". Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”.

“...Vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng... Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”…

Những gì về chủ nghĩa cá nhân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 60 năm qua luôn được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân quán triệt và phòng tránh. Nhiều cán bộ lãnh đạo và đảng viên đã nêu cao đạo đức cách mạng, phát huy tinh thần làm chủ tập thể; cống hiến trí, lực, mồ hôi và xương máu, thậm chí hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp cách mạng. Những thành quả mà cách mạng Việt Nam giành được từ trước đến nay là thực tế sinh động để chứng minh cho điều này.

Thế nhưng, nhiều năm gần đây, nhất là trong thời kỳ đổi mới, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện nên chủ nghĩa cá nhân có nhiều cơ hội bùng phát và trở thành nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra hiện tượng mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng.

Chủ nghĩa cá nhân hiện hữu ở mọi lúc, mọi nơi trong thực thi quyền lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện chính sách. Chủ nghĩa cá nhân bị chủ nghĩa vật chất và lối sống hưởng thụ từ nền kinh tế thị trường kích hoạt, làm cho giá trị của đạo đức cách mạng bị đảo lộn, lu mờ và có phần lép vế. Một bộ phận cán bộ, công chức tìm mọi cách để kiếm tiền, tham ô, tham nhũng rồi dùng đồng tiền để chi phối các quan hệ khác. Trong những năm qua, những biểu hiện trên không giảm đi mà ngày càng có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng; có sự việc “to như con voi” vẫn “chui lọt lỗ kim” thách thức dư luận.

Tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy quy hoạch”, “chạy nhiệm vụ”, “chạy dự án”, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy bằng cấp”, “chạy học hàm, học vị”, “chạy án”, “chạy tội”, “chạy tuổi”... mà các văn bản, nghị quyết và nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra ngày càng tinh vi, khó lường.

Lợi ích cá nhân trở thành mục tiêu số một để các cá nhân, tập thể câu kết đục khoét công quỹ và tài sản nhà nước. Những hiện tượng giàu bất thường của cán bộ, đảng viên làm việc ở những lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, dự án, vật tư, nguyên, vật liệu quý hiếm và ngay cả trong công tác tổ chức cán bộ; việc hình thành các phe nhóm gồm những người thân tín trong gia đình, rồi quen biết, cánh hẩu... xảy ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương.

Tham nhũng vẫn hiện diện ở nhiều nơi, nhiều tổ chức, cơ quan và đơn vị từ trung ương đến địa phương mà chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm đã khiến cho hiệu lực, hiệu quả vốn đầu tư và chính sách của Nhà nước không phát huy như mong muốn. Ví dụ như ở chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, đã có hiện tượng một số cá nhân có chức, có quyền liên kết với nhau để hạ thấp giá trị tài sản nhà nước so với giá thị trường và qua đó để mua cổ phần giá rẻ. Đây chính là một biểu hiện hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân nhanh nhất.

Có thể khẳng định, tất cả những hiện tượng xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân kể trên đều là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, giảm sút niềm tin; làm cho việc tổ chức sinh hoạt Đảng ngày càng hình thức, thiếu thực chất và trở thành “bình phong” để che chắn cho những việc làm khuất tất, mang nặng lợi ích riêng.

Thế nên, hơn lúc nào hết, vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân cần phải được coi trọng và triển khai ngay từ cơ sở. Chống chủ nghĩa cá nhân bằng nhiều biện pháp và cách thức, không thể trông chờ vào sự tự giác mà phải bằng cơ chế và sự kiểm soát, phát huy vai trò cá nhân để làm lợi cho tập thể, làm lợi cho nhân dân.

Để làm được điều này, vấn đề quan trọng nhất là các tổ chức Đảng cần đề cao tự phê bình và phê bình trên cơ sở nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ.

Cần mở rộng dân chủ trong đánh giá năng lực, sở trường của cán bộ, đảng viên trên cơ sở lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực là tiêu chí chuẩn để đề bạt, bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ hợp lý; đồng thời có cơ chế trả thù lao thỏa đáng kích thích tài năng và sự sáng tạo của cá nhân trong công việc. Tăng cường công tác rèn luyện và luân chuyển cán bộ; phát huy tốt vai trò quan trọng của ủy ban kiểm tra ở các tổ chức Đảng và cơ quan thanh tra, kiểm tra ở các cấp, trong đó coi trọng kiểm tra, thanh tra đột xuất toàn diện và hạn chế việc kiểm tra theo kế hoạch, nhất là đối với các lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, đất đai, dự án...

Những vấn đề về chống chủ nghĩa cá nhân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 60 năm qua trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” hiện nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự rất cao. Do vậy, việc cán bộ, đảng viên tự rèn luyện bản lĩnh chính trị để không cho chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy chính là biện pháp căn cơ nhất để phòng, chống “tự diễn biến” hiệu quả.

Trung tá Nguyễn Mạnh Thắng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/chong-tu-dien-bien/923047/chong-chu-nghia-ca-nhan---giai-phap-can-co-chong-tu-dien-bien