Chống 'chạy phiếu' để tăng sức mạnh tổ chức Đảng

'Chạy phiếu bầu' là hiện tượng không lành mạnh xuất hiện đã lâu, tuy đã được ngăn chặn, song vẫn hiện hình trong quá trình tổ chức đại hội của một số tổ chức Đảng. Có kiểu 'kiếm phiếu bầu' bằng cách giữ mình 'đi nhẹ, nói khẽ' trong nhiều tháng trước đại hội. Có kiểu 'chạy phiếu bầu' cho mình thông qua vận động, lôi kéo một số người khác ủng hộ cho mình. Tinh vi hơn (và cũng nguy hiểm hơn) là kiểu kết nhóm để cố tình vùi dập người khác, đồng thời vun phiếu bầu cho mình và phe cánh. Những biểu hiện này vừa làm ảnh hưởng uy tín, vừa làm suy yếu sức mạnh của tổ chức Đảng.

Giữ mình kiểu “đi nhẹ, nói khẽ” thậm chí “cười duyên” nữa thường diễn ra với những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo. Điều này xuất phát từ đặc điểm công tác lãnh đạo luôn phải tìm cách xử lý 2 vấn đề: Một bên là yêu cầu cao của nhiệm vụ chính trị, một bên là sự hạn chế của bộ máy nhân sự dưới quyền so với đòi hỏi của công việc. Quá trình giải quyết áp lực này, không gì hơn phải kết hợp uyển chuyển giữa chống và xây, giữa tình và lý…; trong đó lý đóng vai trò nền tảng và ổn định.

Dùng nội quy, quy định nhiều - “thẳng mực tàu ắt đau lòng gỗ” - những người hiểu, tự sửa mình để vươn lên, ắt ủng hộ. Ngược lại, những cá nhân hạn chế về nghiệp vụ, ý thức kỷ luật lao động… sẽ thấy ức chế. Ức chế tích lại trong lòng, chờ đến dịp “chấm điểm” thủ trưởng thì bộc lộ: Gạch tên trong phiếu bầu, dù thủ trưởng vẫn đủ điều kiện và có uy tín cao để tái cử. Cán bộ nào cá tính quyết liệt, lãnh đạo đơn vị có nội bộ phức tạp, phải giải quyết nhiều yếu kém tồn tại đã lâu… thì bản lĩnh đến mấy vẫn không thể không nghĩ về điều này. Sự giữ mình thông qua giảm độ quyết liệt trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, thậm chí tìm cách trì hoãn, né tránh triển khai nhiệm vụ - là những biểu hiện dễ nhận thấy. Rốt cuộc là công việc chung của đơn vị, địa phương bị ảnh hưởng không nhỏ.

Kiểu “chạy phiếu” cho mình thông qua vận động, lôi kéo người khác thì không cần phân tích, bản thân hành động này đã thể hiện sự xuống cấp về đạo đức và tư cách người đảng viên. Sự khuất tất có thể đem lại “thắng lợi” là cá nhân đạt được mục đích lọt vào cấp ủy, song với tổ chức thì cũng từ đây xuất hiện một mối lo vì cán bộ “khuyết tật”. Khi không thật sự đủ đức, đủ tài trước công việc, thì trước sau cũng đem lại gánh nặng trì trệ cho tập thể. Hơn thế, việc lôi kéo, vận động phe nhóm ủng hộ cho mình này còn tựa như một vết nứt về đoàn kết làm cho sức mạnh của tổ chức Đảng bị suy yếu.

Kiểu kết nhóm để cố tình vùi dập người khác, đồng thời vun phiếu bầu cho mình và cánh hẩu, thì thật sự là đáng lo ngại. Bởi lẽ, nó không còn là “chạy phiếu” nữa mà là “giành phiếu”. Sự giành giật này đương nhiên bất chấp quy định, nguyên tắc tổ chức, bất chấp đạo lý, đạo đức. Nếu trong cơ quan lại có tới 2, 3 phe phái thì tác hại của hành động này thật sự là mối nguy hiểm cho tổ chức Đảng và rộng hơn là cho cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Hãy thử hình dung: Trong một cơ quan, đồng chí thủ trưởng kiêm bí thư là người thẳng thắn, trong sáng, công tâm - đương nhiên quy tụ xung quanh mình những người sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp chung. Nhưng nếu một cấp phó của đồng chí này, vì lý do cá nhân nào đó, để tham vọng quyền lực của cá nhân lấn mờ đạo đức, tìm cách vận động, kích động, lôi kéo nhóm người theo mình cùng gạch bỏ tên đồng chí bí thư trong phiếu bầu, chỉ giữ lại cá nhân và những người cùng nhóm. Kết quả bầu cử như vậy liệu có bảo đảm một cấp ủy được bầu ra sẽ thật sự đoàn kết, thống nhất cao trong hành động? Khi có 2 đồng chí cấp phó cùng “tạo phe” bằng kiểu như vậy, chắc chắn sẽ hình thành ra 2 “vết nứt” trong cấp ủy cũng như trong toàn thể tổ chức Đảng. Và khi hai phe này lại “bắt tay” nhau để tập trung gạch phiếu của đồng chí bí thư, thì sức mạnh của tổ chức Đảng thật sự đã đến mức phải rất suy nghĩ.

Một đảng viên chân chính sẽ biết tin vào đâu, tựa vào đâu, phấn đấu thế nào khi ngày ngày quanh mình phải chịu tác động từ 2-3 chiều?

Cơ quan liệu còn đủ sức sống không khi nội bộ chỉ loanh quanh suốt ngày chuyện phe này tìm cách “dìm” phe kia?

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, ban hành ngày 30-10-2016, đã chỉ rõ 3 nhóm với 27 biểu hiện suy thoái đáng lo ngại. Trong đó, hành vi “chạy phiếu bầu” đều được điểm mặt ở cả 3 nhóm. Nói cách khác - đây vừa là biểu hiện về sự suy thoái về tư tưởng chính trị (“tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh”), vừa là suy thoái về đạo đức, lối sống (“cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình… Cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền”) và cũng là biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (“kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ”).

“Chạy phiếu”, “giành phiếu” là hành vi tiêu cực, suy thoái!

Lý tưởng cao nhất của Đảng là hy sinh bản thân vì sự nghiệp chung. Điều ấy đồng nghĩa, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của tập thể, của tổ chức lên trước, lên trên hết. Nhà thơ Việt Phương đã có một “định nghĩa” về Đảng ngắn gọn mà sâu sắc: “Đảng là chuỗi hy sinh nhận tự buổi đầu/ Không hỏi bao giờ giới hạn ở đâu”.

Và cũng chính ông đã diễn tả quá trình tu dưỡng, gìn giữ giá trị của người đảng viên: “Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng/ Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm”.

Cuộc sống luôn vận động, cho nên người đảng viên cũng phải biết gìn giữ lý tưởng, đạo đức của mình, "mỗi ngày tự xét kết nạp mình vào Đảng" trong dòng chảy đầy ắp cám dỗ, thách thức to lớn:

“Đảng là cái ranh giới có lúc tưởng chừng mỏng manh như sợi tóc

Giữa ngay thẳng với gian tà, giữa trung thành và phản phúc

Đảng là tiếng gọi thầm rất vang khi sắp làm sai

Nghìn cặp mắt nhìn khi ở riêng mình không bóng một ai”

Không giữ được cái ranh giới mỏng manh tưởng chừng như sợi tóc ấy - người đảng viên sẽ tự suy thoái. Nhiều đảng viên suy thoái, ắt tổ chức Đảng sẽ không còn năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nữa.

Vậy nên, chống cho được “chạy phiếu”, chính là thiết thực chống chủ nghĩa cá nhân, để tăng sức mạnh cho tổ chức Đảng!

Long Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/968884/chong-chay-phieu--de-tang-suc-manh-to-chuc-dang