Chòng chành 'cõng' vải thiều qua cầu phao: 'Ngã lộn xuống sông nhiều lần rồi'

Cứ đến mùa vải chín, cầu phao Tòng Lệnh mỗi ngày lại 'cõng' hàng trăm lượt người đi xe máy chở hàng tấn vải thiều từ huyện Lục Nam sang Lục Ngạn. Xe nặng, dốc cầu lên xuống cao, cả người lẫn xe ngã lộn xuống sông đã trở thành chuyện bình thường.

Vải thiều Bắc Giang đang ở thời điểm chín rộ. Mỗi buổi sáng, người dân các huyện Lục Nam và Lục Ngạn lại hối hả chở những xe vải nặng tới gần 2 tạ đi bán, nhưng để đến được nơi tập kết của các thương lái, họ vẫn phải đi qua cầu phao Tòng Lệnh bắc qua sông Lục Nam (thuộc xã Trường Giang, huyện Lục Nam).

 Tại cây cầu phao Tòng Lệnh bắc qua sông Lục Nam, hằng ngày có rất đông người điều khiển những xe máy chất đầy vải từ huyện Lục Nam tới các thị trấn ở huyện Lục Ngạn để tiêu thụ.

Tại cây cầu phao Tòng Lệnh bắc qua sông Lục Nam, hằng ngày có rất đông người điều khiển những xe máy chất đầy vải từ huyện Lục Nam tới các thị trấn ở huyện Lục Ngạn để tiêu thụ.

Ghi nhận của PV tại cầu phao Tòng Lệnh, mới 5h sáng ngày 12/6, người bán vải tại các xã ở huyện Lục Nam đã bắt đầu chở vải đi bán.

Vải được chất đầy các sọt, mỗi xe máy khoảng 170 – 200kg vải vận chuyển đến các địa điểm thu mua vải thiều lớn tại huyện Lục Ngạn như Thị trấn Kim, Thị trấn Chũ…

Những xe máy chở vải nặng đến 200kg, khi đi qua cầu này rất khó khăn.

Người dân nơi đây cho biết, mỗi năm khi mùa thu hoạch vải đến, mỗi buổi sáng trên cầu phao đều xảy ra tình trạng ùn tắc do lượng người dân đi bán vải quá lớn, trong khi chiếc cầu quá nhỏ hẹp.

Chiều dài của cây cầu này khoảng hơn 100m, chiều rộng hơn 2m. Cấu tạo cầu bằng sắt được giữ nổi bằng những chiếc phao cỡ lớn phía dưới. 2 đầu cầu phao đều có độ dốc lớn, trong khi mỗi chuyến vải nặng đến 2 tạ khiến việc lưu thông của người dân mỗi lúc lên xuống cầu rất nguy hiểm.

Chiếc cầu là con đường nhanh nhất giúp người dân ở huyện Lục Nam đi đến chợ đầu mối bán vải ở huyện Lục Ngạn.

Một người dân chở vải đi qua cây cầu cho biết: “Để sang chợ Kim (huyện Lục Ngạn) bán vải thì đi qua chiếc cầu phao này là đường nhanh nhất. Đi trên cầu phao chòng chành với con dốc ở 2 đầu khá nguy hiểm. Nhiều chuyến vải nặng quá mà lên dốc thì cao nên xe bị bốc đầu, việc bị ngã lộn xuống sông là chuyện ...bình thường”.

Đi trên cầu phao chòng chành với con dốc ở 2 đầu rất nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thái, một người dân đi bán vải qua đây cho biết, hàng ngày ông và mọi người vẫn chở nhiều chuyến vải nặng vài tạ qua chiếc cầu phao này để đi bán.

"Tôi là đàn ông mà đi còn sợ vì 2 bên đầu cầu đều dốc cao mà chở vải thì nặng, xe rất dễ bị bốc đầu lên. Năm nay có đội tình nguyện viên đi giúp đỡ chúng tôi, nhưng lượng người đi bán vải qua đây rất nhiều nên các bạn cũng không thể mỗi người đi theo 1 xe để đỡ được, chuyện bị ngã cũng là bình thường”, ông Thái nói.

Hai bên đầu cầu có đội tình nguyện viên đứng đẩy xe giúp những người chở vải.

Do chở vải nặng nên việc đổ xe rất dễ xảy ra.

Người dân và đội tình nguyện giúp đỡ nâng xe vải bị đổ khi xuống dốc cầu phao Tòng Lệnh.

Những chuyến vải bị đổ sẽ không bán được hoặc chỉ bán với giá rất thấp cho thợ sấy vải.

Thấy xe trước mình bị ngã nên người sau phải rất cẩn thận.

Trong khi đó, tại cây cầu Mỹ An cách đó không xa, anh Trường Giang (40 tuổi) cùng 2 người bạn của mình vừa đảm nhiệm việc phân luồng các xe lần lượt lên dốc, vừa gồng sức để đẩy những chiếc xe nặng nhọc di chuyển.

Công việc của các anh trong mùa thu hoạch vải này thường bắt đầu từ 5h15 sáng và kết thúc vào gần 9h30 khi nắng đã lên cao, lúc này việc chuyên chở ra điểm thu mua đã vãn. Cứ sau 6h sáng, trên cầu luôn dồn toa 20 - 30 chiếc xe chờ đến lượt hỗ trợ.

Không phải lúc nào việc đẩy xe lên dốc cũng thuận lợi do nhiều xe chất hàng quá nặng, đối trọng đầu xe và đuôi xe không đều nên việc trượt hoặc nhấc bánh trước thường xuyên xảy ra, thường mỗi xe chỉ cần một người hỗ trợ nhưng có nhiều xe chở hơn 200kg thì phải cần 2 người mới đảm bảo an toàn.

Theo anh Giang, một ngày lượng xe qua cầu Mỹ An cũng rất nhiều. Cứ mỗi chiếc xe cần hỗ trợ sẽ được thu 10.000 đồng, một ngày trung bình cả nhóm thu từ 1.200.000 đến 1.500.000 đồng.

Bảo Khánh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/chong-chanh-cong-vai-qua-cau-phao-tu-than-o-bac-giang-thue-nguoi-day-xe-qua-doc-tranh-nga-lon-xuong-song-287303.html