Chống buôn lậu đường chưa tương xứng với thực tế

Đó là nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Văn Cẩn tại Hội nghị Bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành Mía đường do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức tại TPHCM ngày 30/10.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Huế

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Huế

Diễn biến phức tạp

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ. Đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh trọng điểm như TPHCM, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước,… Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm nêu trên diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng, phương thức hoạt động tinh vi. Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, các đối chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy hoặc cho người giám sát cơ quan chức năng. Tinh vi hơn có nhiều trường hợp sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu đối phó với các lực lượng chức năng.

Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu đường sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói. Sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.

Ông Trương Văn Ba dẫn chứng, một số đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước, đem sang bao ở nước ngoài (thường là Campuchia), như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho rồi thì rất khó chứng minh có phải đường lậu hay không. Theo quy định hiện hành, một khi hàng qua hết biên giới có hóa đơn là hợp pháp. Hầu như các cơ quan chức năng hiện nay rơi vào hoàn cảnh ”biết mà không làm gì được”, ông Ba nói.

Theo ông Trần Thái Sơn, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, công tác đấu tranh với các hoạt động buôn lậu đường tại các tuyến biên giới gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vận chuyển đường lậu thường xé lẻ, nên khi bị phát hiện bắt giữ, cơ quan chức năng chỉ xử lý hành chính vì chưa đủ số lượng để truy tố dẫn đến tình trạng tình trạng vận chuyển đường lậu liên tục tái diễn. “Mặt khác theo Hiệp định kinh tế biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, các đối tượng khi bị bắt giữ phải bàn giao lại cho nước sở tại trong khi các mặt hàng thuộc danh mục hàng lậu của Việt Nam lại được buôn bán tự do ở Campuchia nên việc xử lý không có tác dụng. Ngoài ra, việc chưa có một cơ quan giám định đường lậu cũng là những trở ngại lớn cho công tác chống buôn lậu đường”, ông Sơn cho biết.

Giải pháp nào?

Chủ trì cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tại các cuộc họp sơ kết, tổng kết, đặc biệt hội nghị chuyên đề với Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đều nhận định rằng, trong công tác chống buôn lậu mặt hàng đường, các lực lượng chức năng, địa phương trong các năm qua đã tích cực chủ động, phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn từ biên giới cửa khẩu cho đến nội địa với nhiều chuyên án bắt giữ thành công tại các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, hoạt động chống buôn lậu đường vẫn chưa tương xứng với thực tế, lượng đường thẩm lậu vẫn vào nội địa bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia:

Có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng nổi cộm về hoạt động buôn lậu đường cát trên các tuyến biên giới?

Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường, hiện nay nhu cầu tiêu dùng đường trong nước khoảng 1,8 triệu tấn đường/năm. Qua số liệu thống kê về lượng đường sản xuất trong nước và NK chính ngạch qua hạn ngạch thuế quan, NK sản xuất XK, chế biến có thể thấy lượng đường nhập lậu là tương đối lớn

Phân tích các nguyên nhân của tình trạng trên, mặc dù các lực lượng chức năng cũng đã triệt phá ngăn chặn bắt giữ cả đối tượng cầm đầu, chủ mưu nhưng vẫn không hạn chế được hoạt động buôn lậu thậm chí có đối tượng cầm đầu một khu vực sau khi bắt xử lý lại núp bóng tiếp tục điều hành

Đề xuất các giải pháp chống buôn lậu mặt hàng đường trong thời gian tới, ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Công văn, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng cần tăng cường lực lượng nắm chắc tình hình phía bên kia biên giới, phương thức, quy luật hoạt động tập kết, vận chuyển đường kính của các chủ đầu nậu; Tập trung bố trí lực lượng, phương tiện thường trực chốt chặn 24/24h tại các đường mòn, bến sông trên biên giới mà các đối tượng thường vận chuyển hàng lậu…

Tại Hội nghị, đại diện Công ty Đường Quảng Ngãi cho rằng, khó khăn của công tác chống buôn lậu đường là có sự tiếp tay của cư dân biên giới tham gia vận chuyển. Trong thị trường nội địa, không ít hộ các hộ kinh doanh cũng vì lợi ích trước mắt mà tiếp tay cho đường lậu. Do vậy, cùng với việc vận động cư dân biên giới không tham gia vận chuyển đường lậu còn cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh không tiêu thụ đường lậu.

Lý giải câu hỏi tại sao có tới 6-7 lực lượng chống buôn lậu được phân công chức năng nhiệm vụ rõ ràng nhưng buôn lậu đường vẫn hoành hành, ông Phạm Hồng Thanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho rằng, do các lực lượng ở địa phương chưa chống buôn lậu một cách triệt để. Thực tế cho thấy các lực lượng ở địa phương mới chỉ đấu tranh với hoạt động buôn bán, vận chuyển nhỏ lẻ mà chưa đánh thẳng với các đối tượng chủ chốt trong các đường dây buôn lậu. Thậm chí một số trùm buôn lậu tại các địa phương còn được hậu thuẫn. Do đó, một trong các giải pháp triệt để để chống buôn lậu đường cát là các lực lượng chức năng ở địa phương phải phối hợp có chuyên án bài bản đánh vào các đường dây, ổ nhóm chuyên nghiệp

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, đối với công tác chống buôn lậu mặt hàng đường, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ có kế hoạch chuyên đề, chuyên án làm mẫu và xử lý trách nhiệm của từng khâu, từng cấp…

“Phó Thủ tướng thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có chỉ đạo, tới đây sẽ làm nghiêm, phải truy ngược đường đi của hàng lậu để xác định trách nhiệm của từng lực lượng trong việc kiểm soát hàng lậu. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ chủ động thực thi chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

Bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng cần có vai trò chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền giáo dục, tạo việc làm để người dân không tiếp tay cho đầu nậu. Ngoài ra, để chống buôn lậu đường còn cần có sự đồng hành của các nhà máy, các DN và Hiệp hội Mía đường. Trên thực tế, tại một số địa phương, mỗi ngày vẫn có không dưới 300 tấn đường lậu vận chuyển qua biên giới trong đó có một khối lượng không nhỏ được đóng sẵn bao bì của các nhà máy đường trong nước cho thấy nhiều DN phân phối vì lợi ích cục bộ chưa hợp tác trong công tác chống buôn lậu thậm chí còn tiếp tay cho hoạt động buôn lậu…”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói.

Theo số liệu của các lực lượng chức năng, từ năm 2018 đến hết 9 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm trị giá trên 12,5 tỷ đồng.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chong-buon-lau-duong-chua-tuong-xung-voi-thuc-te-114340-114340.html