Chống buôn lậu đã khó, cất giữ tang vật còn khó hơn

'Các Đồn Biên phòng hiện nay không có kho chứa chuyên dụng. Chúng tôi phải lấy nhà tạm giữ, phòng ở, phòng làm việc của cán bộ, chiến sĩ để làm nhà kho cất giữ tang vật, việc này gây ra rất nhiều khó khăn' - đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết.

Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (Bộ đội Biên phòng An Giang) phụ trách địa bàn phường Vĩnh Nguơn, xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc), đây được xem là điểm nóng về buôn lậu trong thời gian qua. Do khu vực này có nhiều đường ngang, lối tắt, nhiều kênh, rạch qua biên giới, vì vậy hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới luôn phức tạp.

Những tháng mùa nước nổi, cả tuyến biên giới ngập sâu trong nước, đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng buôn lậu dùng các phương tiện vận chuyển hàng cấm, hàng lậu vào nội địa để tiêu thụ. Thời gian qua, Ban Chỉ huy đồn luôn xác định, công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trên địa bàn đồn phụ trách là nhiệm vụ trọng tâm.

“Hàng năm, chúng tôi bắt giữ được rất nhiều hàng lậu gồm: thuốc lá, đường cát, hàng điện máy, quần áo cũ, các mặt hàng sành sứ… Số lượng hàng hóa rất nhiều, không có nơi để chứa. Thực tế đồn không có kho chứa chuyên dụng nên đành phải lấy nhà tạm giữ, phòng ở và làm việc của cán bộ, chiến sĩ để cất giữ tang vật. Có những mặt hàng chúng tôi bắt giữ hơn 1 năm mà vẫn chưa giao được cho Sở Tài chính và các đơn vị liên quan để đưa ra đấu giá, cụ thể như mặt hàng sành sứ (đã qua sử dụng). Ngoài ra, tại đồn còn tồn đến 16 tấn đường cát, 6 tấn hàng sành sứ và nhiều tấn quần áo cũ” - thượng tá Hoàng Văn Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn thông tin.

Đường cát và quần áo cũ bắt được phải dùng phòng ở, phòng làm việc của cán bộ, chiến sĩ để cất giữ, bảo quản

Nếu mặt hàng sành sứ, hàng điện lạnh, quần áo cũ dễ bảo quản thì mặt hàng thuốc lá phải bảo quản trong điều kiện nghiêm ngặt để chất lượng không bị giảm. Theo các chuyên gia, thuốc lá cần bảo quản nơi khô, sạch, không có mùi lạ. Thuốc phải đặt trên các kệ, bục cách mặt nền 20cm, cách tường 50cm. Quá trình bảo quản cần để thuốc trong kho mát có nhiệt độ 20-240 C, độ ẩm tương đối của không khí 60-70%. Trong khi hiện nay, các đồn không có kho chuyên dụng nên điều kiện bảo quản không đạt yêu cầu.

Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng An Giang) cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng số vụ việc do Bộ đội Biên phòng tỉnh thụ lý, giải quyết trên 140 vụ, trị giá hàng hóa trên 6 tỷ đồng. Thời gian qua, đơn vị bàn giao cho Cơ quan Thường trực 389 tỉnh 114.140 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Bán hàng hóa, tang vật tịch thu sung vào công quỹ nhà nước trên 2 tỷ đồng.

Vào những tháng cuối năm, hàng lậu được các đối tượng đưa qua biên giới nên việc đấu tranh, bắt giữ hàng hóa, tang vật nhiều hơn. Việc sớm có giải pháp xử lý vấn đề kho chứa, cất giữ hàng hóa, tang vật bắt được là vấn đề cấp thiết hiện nay.

“Đấu tranh chống buôn lậu đã khó, cất giữ hàng hóa, tang vật rồi đưa ra bán đấu giá càng khó hơn. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhiều tang vật buôn lậu do đồn bắt được, có loại (như mặt hàng sành sứ) đã trên 1 năm mà chưa đưa bán đấu giá để giải phóng kho, điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho đơn vị. Chúng tôi đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan nhanh chóng thu gom số tang vật là hàng lậu bắt giữ được tại các đồn biên phòng sớm đưa ra đấu giá để giải phóng kho hàng tại các đồn biên phòng” - thượng tá Hoàng Văn Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn kiến nghị.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lê Văn Nưng đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với sở, ngành liên quan nhanh chóng hỗ trợ các ngành trong công tác định giá hàng hóa bị tịch thu để đưa ra bán đấu giá theo quy định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/chong-buon-lau-da-kho-cat-giu-tang-vat-con-kho-hon-a234513.html