Chống buôn lậu còn nhiều việc phải làm

Thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh gặt hái được nhiều kết quả khả quan, tình hình buôn lậu đã được kiểm soát, các đường dây buôn lậu lớn bị triệt xóa, song từ thực tiễn cho thấy, trên lĩnh vực này còn nhiều việc phải làm.

Lực lượng công an bắt giữ thuốc lá lậu

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trên tuyến biên giới An Giang tiếp giáp với nước bạn Campuchia hiện có gần 20 lò nấu đường phèn đang hoạt động. Các lò đường này nằm rải rát ở các địa bàn như: TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, An Phú... Chỉ tính riêng địa bàn TX. Tân Châu đã có 5 lò đường ở xã Vĩnh Xương đang nấu đường và hoạt động của các lò đường này hiện nay mang tính chất trá hình.

Cụ thể, khi lực lượng chức năng kiểm tra, họ nói mua nguyên liệu (đường cát) từ các tỉnh Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên hoặc ở những địa phương xa xôi khác mang về đây nấu ra sản phẩm. Khi đường phèn ra lò, các chủ lò đường chở sản phẩm đi tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Gần 10 năm qua, tùy theo từng thời điểm, các lò đường này hoạt động lúc thì “sôi nổi”, khi thì “trầm lắng”. Cụ thể, khi lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát, các lò đường gần như không hoạt động. Khi tình hình lắng dịu, chúng tổ chức cho người canh đường, tiến hành nhập đường cát lậu từ Campuchia mang về lò nấu.

“Khi lực lượng tiến hành kiểm tra, phần lớn họ đều đưa ra các hóa đơn, chứng từ hợp lệ, song không vì thế mà chúng tôi “bó tay”. Năm 2019, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu đã bất ngờ đột nhập, bắt quả tang họ đang mở bao đường cát Thái Lan đưa vào chảo nấu. Đối với những trường hợp này, chỉ có bắt quả tang mới có thể xử lý được” - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng chia sẻ.

Các lò đường phèn khu vực biên giới hoạt động mang tính chất trá hình nhưng lâu nay vẫn tồn tại, điều đó đặt ra cho dư luận nhiều vấn đề bức xúc. “Công tác chống buôn lậu hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể như để thực hiện những chuyên án lớn, rất cần nguồn kinh phí để mua thông tin, trong khi thực tế nguồn kinh phí này rất hạn hẹp. Kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thì đơn vị không được trích lại.

Trước đây, khi bắt được hàng hóa, nếu công tác xử lý bán đấu giá tài sản bị tịch thu nhanh thì đơn vị có được nguồn kinh phí trích lại để vận dụng mua thông tin. Hiện nay, hàng hóa bắt được chậm xử lý, tồn đọng rất nhiều, từ đó đơn vị không có kinh phí để mua thông tin… Đây là một cái khó” - Phó Trưởng Công an, thành viên Ban Chỉ đạo 389 TX. Tân Châu Trần Văn Nam chia sẻ.

“Các lò nấu đường phèn khu vực biên giới hoạt động mang tính chất trá hình nhưng nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu để triệt xóa thì đây là mảnh đất màu mỡ để cán bộ biến chất lợi dụng. Đã đến lúc cần chấm dứt hoạt động của các lò đường này vì bản chất của nó chỉ là mua đường cát nhập lậu để nấu ra đường phèn. Các lò đường này đa phần hoạt động về đêm, gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc cho nhân dân” - bà Trần Thị Tím (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) bức xúc.

Ngoài công tác kiểm soát các lò đường khu vực biên giới, trên lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, 2 năm qua, khi bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện, đàn heo trong nước bị mang đi tiêu hủy nhiều, lượng thịt heo trên thị trường nội địa ít nên giá tăng, từ đó phát sinh buôn lậu heo từ Campuchia về Việt Nam. Theo chủ trương chung, nếu các lực lượng chức năng bắt được heo lậu phải mang đi tiêu hủy, khi thực hiện chủ trương này, các địa phương đã gặp không ít khó khăn, cụ thể đó là kinh phí phục vụ tiêu hủy.

Trước khi mang heo đi tiêu hủy, cơ quan chức năng phải lấy mẫu để mang đi TP. Cần Thơ kiểm tra xem heo có bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi không và kết quả dù có hay không thì những con heo bị bắt vẫn phải mang đi tiêu hủy. Hình thức tiêu hủy hiện nay là chôn lấp, vì vậy rất cần đất để thực hiện công đoạn này, trong khi quỹ đất công tại các địa phương hạn hẹp.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm bớt khó khăn cho các địa phương, nhà nước cần có chủ trương mang tính nhất quán, cho bán hóa giá, đưa ra thị trường những con heo đã qua xét nghiệm (mà không bị nhiễm bệnh) để không phải mất diện tích đất chôn lấp, địa phương cũng thu được tiền, có kinh phí phục vụ nhiệm vụ chống buôn lậu…

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chong-buon-lau-con-nhieu-viec-phai-lam-a276541.html