Chống biến đổi khí hậu và lòng trắc ẩn của các nước lớn

Sau những cảnh báo quả quyết nhất về mối đe dọa thảm khốc bởi biến đổi khí hậu, các quốc gia đã tập trung ở Ba Lan hôm 2/12 nhằm vạch ra con đường để nhân loại ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.

Các nhà khoa học đã cảnh báo: Chúng ta cần cắt giảm lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch một nửa vào năm 2030 để tránh thảm họa

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP24 diễn ra trong thời điểm quan trọng của cuộc chiến kìm hãm những ảnh hưởng tự nhiên đến từ việc hành tinh của chúng ta đang nóng dần lên.

Các quốc gia nghèo sẽ phải chịu phần lớn sự tàn phá của biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các quốc gia phát triển thực hiện tốt những cam kết mà họ đặt ra trong thỏa thuận Paris năm 2015. Ba năm trước, các nước cam kết sẽ hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C và nếu có thể thì xuống mức an toàn hơn là 1,5 độ C.

Nhưng chỉ với mức tăng 1 độ C trong thời điểm hiện tại, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các vụ cháy rừng chết người khổng lồ, các đợt sóng nhiệt và bão tố có sức tàn phá hủy diệt hơn bao giờ hết bởi mức nước biển đang dâng cao.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Espinosa phát biểu: “Nhân loại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu biến đổi khí hậu vẫn tiến triển với tốc độ hiện tại”. “Chúng ta cần hành động thật khẩn trương và táo báo. Tham vọng hiện tại thật nhiều, nhưng đồng thời phải có trách nhiệm với các thế hệ tương lai” - bà nói thêm.

Trong sự can thiệp hiếm hoi, Chủ tịch của các hội nghị khí hậu LHQ trước đây đã cùng đưa ra một tuyên bố chung trong thời điểm cuộc đàm phán đang được tiến hành, kêu gọi các quốc gia “có những hành động dứt khoát để giải quyết những hiểm họa khẩn cấp trên”.

Tại cuộc đàm phán về khí hậu COP24, các quốc gia phải chấp thuận làm theo cam kết mà cả 183 thành viên thông qua Thỏa thuận Paris. Trong động thái khác, các nhà lãnh đạo của nhóm G20 hôm 1/12 đã bế mạc hội nghị với tuyên bố Hiệp định Paris “không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng Mỹ nhắc lại quyết định rút lui khỏi hiệp định thế kỷ này.

Các cuộc đàm phán của LHQ trong ngày 2/12 tại thành phố Katowice của Ba Lan đã có khởi đầu không suôn sẻ do phiên khai mạc bị trì hoãn gần 3 tiếng đồng hồ bởi một loạt các đệ trình vào phút chót.

Một chuỗi các báo cáo khí hậu lớn đã đưa ra nghi ngờ về toàn bộ quá trình, cho thấy các mục tiêu của Hiệp định Paris vẫn còn thiếu nhiều điều cần thiết.

Một trong các vấn đề quan trọng được đưa ra tranh luận là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ được tài trợ như thế nào trong bối cảnh các quốc gia phát triển và đang phát triển vẫn còn cách xa nhau về mức độ nhu cầu cấp thiết.

Các quốc gia nghèo hơn lập luận rằng vì các nước phát triển chịu trách nhiệm cho phần lớn khí thải carbon trong lịch sử loài người, họ phải giúp đỡ tài trợ các hoạt động chống biến đổi khí hậu cho các nước khác.

Meena Ramam – một chuyên gia từ Tổ chức Third World Network, nhấn mạnh: “Các quốc gia đang phát triển dẫn đầu bởi Hoa Kỳ muốn lờ đi trách nhiệm lịch sử của họ và kêu rằng thế giới đã đổi thay. Câu hỏi thực sự là: Làm thế nào để bảo đảm rằng các hành động đầy tham vọng trong việc cứu lấy nhân loại khỏi thảm họa được thực hiện một cách công bằng?”.

Theo Thúy Hà -Livescience, AP

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/chong-bien-doi-khi-hau-va-long-trac-an-cua-cac-nuoc-lon-3968289-b.html