Chồng bị từ chối vào phòng đẻ khi vợ sinh con vì lo sợ virus corona

Nhiều chính sách mới đã được các bệnh viện phụ sản áp dụng để giảm thiểu khả năng lây nhiễm trong bối cảnh đại dịch corona, đặt ra thêm nhiều áp lực cho các sản phụ.

Dee Cheung, người sáng lập Float On Hong Kong, trung tâm trị liệu trên mặt nước đầu tiên tại Hong Kong, đã chuẩn bị tâm thế tốt nhất để chào đón đứa con thứ 2 của mình từ tháng trước.

Cô là một trong những người tích cực ủng hộ lối sống đề cao sức khỏe và hạnh phúc. Thế nhưng, dù là một tín đồ của yoga, thiền định, tinh dầu, dường như là khoảng thời gian Cheung nhận thức được sâu sắc tầm quan trọng của chúng lại là thời điểm này.

Đại dịch do virus corona bùng phát kéo theo hàng loạt những xáo trộn trong xã hội, như việc các trường học đóng cửa, hàng loạt sự kiện bị hủy bỏ và công nhân đồng loạt đình công ở nhiều cơ quan. Mọi người chỉ tập trung thực hiện những biện pháp phòng chống để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

 Dee Cheung và chồng. Ảnh: SCMP.

Dee Cheung và chồng. Ảnh: SCMP.

Chín ngày trước ngày dự sinh, Cheung và gia đình nhận được thông báo từ bệnh viện Queen Mary - nơi cô đăng ký sinh con - rằng sẽ không cho phép người thân đến thăm sản phụ sau khi sinh và cũng không cho phép người nhà vào trong phòng sinh. Lý do cho những điều lệ mới này là để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát.

Điều này đồng nghĩa với việc chồng cô, anh Ciaran Hussey - người đã có mặt trong lần sinh nở năm 2016 của vợ mình - sẽ phải đứng chờ ở hành lang trong khi người vợ sinh em bé thứ hai.

“Phải mất vài hôm để tôi có thể chấp nhận việc chồng tôi sẽ không thể có mặt trong phòng sinh cùng mình. Anh ấy thì nói sẽ đền bù bằng việc chăm sóc cho tôi ở phòng hậu sản. Mặc dù rất tiếc vì chứng kiến khoảnh khắc đứa con chào đời rất thiêng liêng nhưng tôi không thể trì hoãn thêm. Tôi đang mang thai ở tuần thứ 41 rồi”, Cheung tâm sự.

Theo Mayo Clinic, một cơ sở y tế tại Hoa Kỳ, một thai kỳ hoàn chỉnh thường kéo dài khoảng 40 tuần và hầu hết trẻ được sinh ra vào đúng ngày dự kiến. Nếu mẹ và bé khỏe mạnh thì việc bé ra đời sớm hay muộn vài ngày không liên quan đến bất kỳ rủi ro nào. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhiều khả năng sẽ phát sinh các vấn đề sức khỏe ở mẹ và bé.

Trẻ sơ sinh được sinh ra giữa thời dịch được chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Khaleej Times.

Bé Isla Flo Hussey, nặng 4 kg, đã ra đời ngay ở tuần 41. Trải qua lần vượt cạn thứ hai mà không có chồng bên cạnh, cũng không có người thân đến thăm do quy định mới của bệnh viện, Cheung đã phải nhờ đến yoga và thiền định để cải thiện tâm trạng trong suốt thời gian hậu sản tại đây.

Cheung nói rằng nghe một danh sách nhạc trong khi sinh con đã giúp cô giữ bình tĩnh. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy nghe nhạc trong khi sinh có thể giúp phụ nữ kiểm soát cơn đau và sự căng thẳng tốt hơn.

“Tôi đã nghe một danh sách nhạc của riêng mình trong khi sinh Isla. Âm thanh ớn lạnh của nhóm hợp xướng Beautiful Chorus đã thực sự giữ cho tôi tập trung trong khi giữ nhịp thở đều để dồn sức sinh đứa bé ra”, cô Cheung nói.

Các bà mẹ tương lai nên tham khảo trước những chính sách mới được bệnh viện phụ sản áp dụng bởi tình hình diễn biến của dịch corona. Ảnh: Pinterest.

Cheung nghĩ rằng các bà mẹ được dự sinh trong thời gian tới ở Hong Kong nên tự chuẩn bị tinh thần và điều chỉnh cảm xúc của mình trước tình hình thời dịch như hiện nay. Cô cũng nhấn mạnh điều quan trọng là phải tham khảo trước những chính sách mới được bệnh viện phụ sản áp dụng bởi tình hình diễn biến của dịch corona.

“Tôi hy vọng kinh nghiệm của tôi có thể giúp các bà mẹ tương lai cảm thấy bớt khó chịu hoặc sợ hãi về những quy định mới này. Tôi mong rằng những bà mẹ tương lai, đặc biệt là những người lần đầu tiên làm mẹ sẽ không cảm thấy đơn độc và lo lắng khi sinh con giữa tâm đại dịch như thế này”, Cheung nói thêm.

Ánh Nguyệt

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chong-bi-tu-choi-vao-phong-de-khi-vo-sinh-con-vi-lo-so-virus-corona-post1046426.html