Chống bạo lực học đường - hiệu quả khi đối thoại đa chiều

Bằng các giải pháp linh hoạt, từ giáo dục một chiều sang đối thoại đa chiều tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa, công tác giáo dục HS-SV nói không với bạo lực học đường đã đạt được những hiệu quả nhất định. Ghi nhận ở một số trường THPT và đại học ở vùng ĐBSCL.

SV tham gia “Tuần sinh hoạt công dân” đầu năm tại Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng

Giáo dục bằng các vở diễn sân khấu

Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới, nhưng hiện nay vẫn còn những diễn biến phức tạp nên các trường học nêu cao tinh thần chủ động ứng phó và phòng tránh. Nội dung này được đưa vào thường trực ở các trường, trong đó công tác phòng tránh là công tác đi trước một bước, nhằm ngăn chặn được tình huống xấu nhất có thể xảy ra với HS-SV.

Nỗ lực làm mới các buổi sinh hoạt dưới cờ có lồng ghép nội dung giáo dục, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) xây dựng các hoạt động văn nghệ của tổ chuyên môn, qua đó HS sẽ dựng kịch bản và thực hiện tuần tự. Trong thời lượng cho phép, vở diễn lồng ghép kĩ năng sống, giáo dục tư tưởng đạo đức cho HS toàn trường.

Những hoạt động này được HS đón nhận nhiệt tình, các em tham gia hoàn thành tốt vai diễn của mình. Những tiết sinh hoạt theo chủ đề tưởng chừng như khô khan giới hạn bởi những lí thuyết nghiêm khắc, bỗng trở nên sinh động nhờ những bài học về nhân cách được HS diễn đạt uyển chuyển trên sân khấu, xem như là cách đối thoại trực tiếp với mọi người.

Thầy Lê Chí Nguyễn - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết: Các hoạt động ngoại khóa mang tính nhân văn hướng tới xây dựng nề nếp học tập và rèn luyện cho HS đã được nhà trường duy trì hơn 3 năm qua.

Nhà trường giao cho tổ chuyên môn phụ trách chủ đề, thực hiện kịch bản diễn văn nghệ, hoạt cảnh xen kẽ ở các buổi sinh hoạt dưới cờ, trong các giờ ngoại khóa… Đồng thời nhà trường chủ động hướng dẫn các em chuẩn mực phát ngôn, tương tác với bạn bè trên các trang mạng xã hội nhằm giúp các em có văn hóa ứng xử tốt đẹp với nhau nhiều hơn.

Bên cạnh đó, trường còn thành lập Ban kỷ luật luôn nêu cao tinh thần chủ động ứng phó trước các tình huống xấu xảy ra, đôn đốc nhắc nhở các em tuân thủ tốt các quy định nhà trường. Tổ tư vấn tâm lí, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân và ban giám hiệu có nhiệm vụ theo sát các hoạt động rèn luyện của các em. Công tác tuyên truyền, thu thập thông tin, nắm bắt những diễn biến trong tâm lí học tập của học trò đều được nhà trường đảm bảo bảo mật thông tin tuyệt đối.

 HS Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) tham gia đối thoại về “Hoạch định cuộc đời” với GS Phan Văn Trường

HS Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) tham gia đối thoại về “Hoạch định cuộc đời” với GS Phan Văn Trường

Chung tay xây dựng mô hình “3 chủ động”

Ở mỗi cấp học tương ứng với một tâm lí lứa tuổi. Riêng lứa tuổi SV đã có khả năng tự lập, có nhiều mối quan hệ xã hội đồng thời có nhiều kĩ năng giải quyết vấn đề cuộc sống cách độc lập. Tuy nhiên, kiểm soát tốt tình trạng học tập của SV cũng đang trở thành mối quan tâm lớn của các trường.

Nhằm giáo dục tư tưởng HS-SV hiệu quả, theo cô Trần Huỳnh Hồng Biên - Phó phòng Công tác HS-SV (Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) thì: Mỗi đầu năm học, nhà trường tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - HS-SV”, tiến hành mời cán bộ Phòng PV28 (Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc - Công an tỉnh Sóc Trăng) đối thoại với HS-SV về tình hình an ninh trật tự, tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh, hậu quả của tình trạng trên, hình thức xử lý... Hầu hết các em đều nghiêm túc lắng nghe, trao đổi, hướng tới thay đổi nhận thức rõ nét hơn về trách nhiệm công dân của mình.

Đảm bảo an toàn cho SV ở nhà cũng như ở trường, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng xây dựng mô hình “3 chủ động” có sự phối hợp giữa 3 bên là nhà trường - phụ huynh - chính quyền địa phương.

Thông qua đó nêu cao sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường đến các đơn vị trong quá trình giáo dục HS-SV toàn diện. Nếu chỉ đơn lẻ trách nhiệm của một bên thì các em sẽ ít có “vùng an toàn” để yên tâm học tập. Yếu tố 3 bên hợp tác sẽ cùng nhau thiết lập vòng tròn kết nối chủ động theo sát, đảm bảo môi trường sinh sống học tập lành mạnh cho các em, nhất là HS-SV ở trọ, đồng thời ngăn chặn được các tình huống xấu mà các em rất dễ gặp phải.

Mô hình này hoạt động trên 3 nội dung cơ bản: 1 - Chủ động xây dựng và ban hành các văn bản quản lý HS-SV; 2 - Chủ động liên hệ, phối hợp với gia đình, chủ nhà trọ và chính quyền địa phương trong công tác quản lý HS-SV; 3 - Chủ động giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tạo các sân chơi văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao lành mạnh cho HS-SV.

Có sự thống nhất về quản lí HS-SV, nhà trường - gia đình - chủ các nhà trọ (nơi HS-SV thuê trọ) và các cơ quan chức năng liên lạc, trao đổi thông tin bằng sổ quản lý HS-SV sau mỗi học kỳ, mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ Tết... Từ đó kịp thời nắm bắt tình hình HS-SV học tập tại trường và sinh hoạt tại gia đình, địa phương. Sổ liên lạc chính là cầu nối giúp mô hình thực hiện có hiệu quả, nhà trường dễ dàng quản lí và phê duyệt hạnh kiểm của các em để có hướng giáo dục phù hợp...

Đến nay nhờ thực hiện tốt nhiều công tác phối hợp giáo dục hiệu quả cao, SV của nhà trường chưa có trường hợp nào xảy ra vi phạm bạo lực học đường.

Thùy Trang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/chong-bao-luc-hoc-duong-hieu-qua-khi-doi-thoai-da-chieu-3962111-b.html