Chọn thuốc chữa viêm họng 'hạt' nhanh khỏi

Viêm họng 'hạt' là từ hay được người dân truyền miệng và nói với bác sĩ khi đi khám bệnh. Đây không phải là loại bệnh nguy hiểm nhưng không chữa được khỏi hoàn toàn, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh. Thời tiết lạnh ẩm ở miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát tác. Vậy khi bị viêm họng 'hạt' người bệnh cần dùng thuốc thế nào?

Viêm họng “hạt” là một bệnh lý viêm họng mạn tính (có các biểu hiện tại họng kéo dài trên 12 tuần), trong đó có hình ảnh thấy nhiều hạt (tổ chức lympho) phát triển nhiều ở thành sau họng và biểu hiện lâm sàng thường thấy là ngứa họng và ho khạc thường xuyên. Loại viêm họng có hình ảnh này thường là hậu quả của hai nguyên nhân chính là viêm xoang mạn hoặc biểu hiện ngoài đường tiêu hóa của hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản.

Điều trị tại chỗ

Thay đổi môi trường vùng họng để giảm các triệu chứng của bệnh viêm họng “hạt”: kiềm hóa pH của họng bằng các dung dịch súc họng có tính kiềm.

Thành phần có trong các dung dịch này thường là: NaCl, NaF, xylitol, acid boric, tinh dầu thơm, kẽm sulfat, menthol...

Các thuốc súc họng thường được sử dụng sau khi đánh răng để thuốc có tác dụng lâu dài hơn ở niêm mạc họng. Mỗi ngày nên thực hiện súc miệng, họng từ 1-3 lần. Thuốc súc họng thường được sử dụng dưới 10 ngày, trừ nước muối. Nếu sử dụng kéo dài cũng gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Thuốc súc họng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ như phát ban, ngứa họng và miệng, phồng rộp môi, mặt đỏ, toát mồ hôi, thậm chí có thể sốc phản vệ và tử vong. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng dùng và được xử trí y tế kịp thời (khi cần thiết).

Các tổ chức lympho ở niêm mạc họng.

Các tổ chức lympho ở niêm mạc họng.

Điều trị toàn thân theo nguyên nhân

Nếu do viêm mũi xoang mạn

Các thuốc dạng dung dịch để xịt mũi chứa hỗn dịch steroid có khả năng phản ứng ngay tại niêm mạc mũi và điều trị bệnh hiệu quả. Ngoài việc giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi xoang tại cơ quan đích, thuốc sẽ chỉ hấp thụ toàn thân từ 2 - 10%, nhờ đó, thuốc sẽ gây ít tác dụng phụ.

Ngoài ra, các loại thuốc xịt mũi steroid thông dụng hiện nay còn chứa các thành phần khác như: mometasone furoate, fluticasone... Vì vậy để điều trị viêm mũi xoang dị ứng hiệu quả và đúng cách, người bệnh chỉ sử dụng các loại thuốc này đúng theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc xịt mũi thường không có tác dụng tức thì mà cần đến vài ngày, thậm chí 1 tuần mới phát huy hiệu quả nên người bệnh cần kiên trì và điều trị tích cực. Cũng vì phải dùng trong thời gian dài mới mang lại hiệu quả nên nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, nhất là trên tuyến thượng thận.

Các phản ứng bất lợi tại chỗ liên quan đến thuốc xịt mũi bao gồm: chảy máu cam (chảy máu, niêm mạc nhuốm màu máu và vết máu lốm đố), viêm họng, rát mũi và kích ứng mũi...

Nếu do biểu hiện ngoài thực quản của hội chứng trào ngược

Thường sử dụng các thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị như:

Kháng sinh diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) như amoxicillin, clarythromycin, metronidazol... Để diệt HP thường phải phối hợp hai loại kháng sinh với các thuốc khác như thuốc ức chế bơm proton, kháng histamin…

Thuốc ức chế bơm proton: Omeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh, các triệu chứng lâm sàng hết ngay từ những ngày đầu dùng thuốc. Omeprazole thường được dùng trước khi ăn (ít nhất 1 giờ trước khi ăn). Nên lưu ý, các tác dụng phụ thường thấy khi dùng omeprazole là tiêu chảy, táo bón, đau đầu... Lansoprazole là thuốc ức chế bơm proton thế hệ thứ hai. Tác dụng phụ ít gặp, chủ yếu là nhức đầu, buồn nôn, đi ngoài... Rabeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh hơn omeprazole. Thuốc nhanh chóng kiểm soát acid, làm giảm các triệu chứng như ợ nóng, khó nuốt và ho kéo dài.

Thuốc kháng histamin H2: Nhóm này có tác dụng làm giảm hoạt động tiết acid dịch vị, hạn chế tình trạng ợ nóng, ợ hơi triền miên, qua đó làm giảm tình trạng nặng hơn đối với bệnh trào ngược thực quản - dạ dày. Nhóm thuốc này còn làm liền nhanh những ổ loét trong niêm mạc tá tràng. Dùng chúng kết hợp với kháng sinh để tiêu diệt khuẩn HP, ngăn chặn sự tái phát bệnh. Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc thường thấy như: đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy, nổi ban đỏ, chóng mặt, tụt huyết áp, giảm tiểu cầu, gây buồn ngủ, giảm nhịp tim, rối loạn chức năng gan... Một số thuốc trong nhóm như cimetidin, ranitidin, nizatidin, famotidin.

Liệu trình điều trị có thể từ 7 đến 30 ngày.

Tăng cường hệ miễn dịch cho niêm mạc họng

Tăng cường miễn dịch cho niêm mạc họng bằng cách bổ sung các lợi khuẩn sống probiotic; thuốc tăng cường miễn dịch thymomodulin…

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chon-thuoc-chua-viem-hong-hat-nhanh-khoi-n169489.html