Chọn thực chất, không chọn hình thức

Học sinh lớp 12 trước mỗi kỳ thi và tuyển sinh năm nào cũng đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề gì phù hợp với bản thân nhất? Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) thời điểm này cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp để hút thí sinh. Nhưng thực tế là, học sinh vẫn có quá ít thông tin về các ngành nghề và cơ hội việc làm thực sự.

Linh hoạt nhiều hình thức tư vấn

Năm nay do diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nên từ sau Tết Nguyên đán, nhiều trường đã chuyển hoạt động tư vấn hướng nghiệp sang hình thức trực tuyến, kết nối với các chuyên gia tư vấn, giải đáp thắc mắc của các thí sinh có nhu cầu.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: Hàng năm, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đều kết hợp với các trường tổ chức những buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp lớn bằng hình thức trực tiếp, thu hút hàng nghìn học sinh Hà Nội và các tỉnh thành khác đến tham gia. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhà trường khó khăn trong vấn đề truyền thông tới học sinh về ngành nghề của nhà trường cũng như cơ hội việc làm trong tương lai. Hiện nhà trường đang cung cấp thông tin về tuyển sinh hướng nghiệp cho sinh viên bằng phương pháp online nhưng cũng có những hạn chế nhất định.

GS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết, 9g ngày 31-5, nhà trường sẽ tổ chức livestream tư vấn tuyển sinh và công bố đề án tuyển sinh của trường.

Các thí sinh ở tỉnh xa, nếu gặp khó khăn về hướng nghiệp trực tuyến có thể theo dõi thông tin hướng nghiệp trên truyền hình. Sở GD&ĐT Vĩnh Long và Đài Phát thanh - truyền hình Vĩnh Long tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp Tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ năm 2020 với chủ đề: “Tiếp bước trường thi” vào cuối tuần qua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh. Nhiều tỉnh, TP khác như Bình Thuận, Tây Ninh… cũng cho biết sẽ tổ chức các buổi tư vấn tương tự.

Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng triển khai hàng loạt hoạt động tư vấn, tuyển sinh qua điện thoại, fanpage, diễn đàn hỏi đáp của nhà trường, hộp thư tuyển sinh để cập nhật nhanh nhất các thông tin mới về thay đổi trong phương thức tuyển sinh đến học sinh.

Trường ĐH Y tế công cộng đã tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh ĐH 2020 trực tuyến (đợt 1), nhằm kịp thời giải đáp những thắc mắc của thí sinh liên quan đến phương án tuyển sinh năm 2020. PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng chủ trì buổi tư vấn cùng đại diện của lãnh đạo Phòng Quản lý Đào tạo ĐH, các lãnh đạo khoa chuyên môn phụ trách các chương trình đào tạo của nhà trường đã đưa ra những thông tin toàn diện, hữu ích cho các phụ huynh, học sinh về các hình thức xét tuyển, chương trình đào tạo, cơ hội phát triển nghề nghiệp của sinh viên.

Việc tư vấn tuyển sinh của các trường phải thực tế, không “đánh bóng tên tuổi”, gây nhiễu thông tin với người học. Ảnh: P.T

Việc tư vấn tuyển sinh của các trường phải thực tế, không “đánh bóng tên tuổi”, gây nhiễu thông tin với người học. Ảnh: P.T

Tư vấn không chỉ là để lấp đầy chỗ học

Theo các chuyên gia, ban đầu, học sinh THPT có thể có những hiểu biết rất hạn chế về trường mình thích, ngành mình thích, đơn giản là các em tiếp cận thông tin không đầy đủ, nghe các sinh viên khóa trước kể, và nhiều khi bị “tô hồng” bởi thông tin các nhà trường quảng cáo. Về cơ bản, khi tư vấn tuyển sinh, các trường đều quảng bá về trường mình, làm sao để học sinh có thể lựa chọn học càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, điều mà học sinh cần thực sự chính là: Ngành đó sẽ đào tạo những gì, ra trường các em có thể làm được những vị trí, công việc gì, và nhu cầu của xã hội đối với ngành đó thực sự ra sao?

Cũng không ít học sinh chọn ngành nghề theo định hướng của gia đình, hoặc thích ngành nghề nào đó theo cảm tính nhưng không thực sự hiểu ngành nghề theo học có phù hợp với tính cách, năng lực bản thân không. Vì vậy, công thức để việc lựa chọn chính xác, theo các chuyên gia bao gồm đam mê, năng lực và nhu cầu của thị trường lao động.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 được Bộ GD&ĐT tổ chức với 7 đầu cầu: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên, Tây Nguyên, Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đối với công tác hướng nghiệp, các Sở GD&ĐT cần chú trọng chỉ đạo các trường THPT quan tâm sát sao việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, bằng nhiều hình thức. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhà trường, nhằm giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy được sở trường của bản thân và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Các trường ĐH, CĐ trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực nhà trường, không “đánh bóng danh tiếng” gây nhiễu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển. Việc tư vấn tuyển sinh cần đổi mới phương thức, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.

Về phía các trường, PGS.TS Trần Văn Tớp, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc nhà trường tổ chức các buổi tuyển sinh hướng nghiệp không phải vì trường cần tuyển đủ chỉ tiêu mà cần tuyển những sinh viên “chất” thực sự và quan trọng là các em được học đúng ngành mà mình mong muốn, chứ không bi kịch nhất là chọn nhầm nghề.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y tế công cộng cũng cho rằng: Thông qua các buổi tư vấn trực tuyến, mong rằng sẽ có nhiều thông tin có ích, cũng như giải đáp được phần nào những băn khoăn, thắc mắc của các phụ huynh và thí sinh đang quan tâm đến các chương trình đào tạo của trường, đó là những thông thực tế để các em hiểu rõ vấn đề hơn. Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục các buổi tư vấn trực tuyến tiếp theo với các chủ đề về quy chế tuyển sinh, nhân và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chon-thuc-chat-khong-chon-hinh-thuc-195126.html