Chọn sách giáo khoa: Minh bạch đến đâu?

Thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) chi thù lao hàng tháng cho các lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh trong việc chọn sách giáo khoa (SGK) sắp tới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ai nhận tiền?

Theo Quyết định số 778 NXB GDVN ký từ tháng 9/2015, hàng tháng NXB sẽ chi thù lao cho 11 người thuộc Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP HCM. Cụ thể, 11 người này gồm: ông Lê Hồng Sơn, giám đốc sở (trưởng ban), phó giám đốc sở (phó trưởng ban) và các ủy viên là chánh văn phòng, 2 phó chánh văn phòng, trưởng phòng giáo dục phổ thông, trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của 2 phòng chuyên môn này.

Mức chi được áp dụng cho trưởng ban là 6 triệu đồng/tháng, phó trưởng ban 5 triệu đồng, ủy viên thường trực 4 triệu đồng và ủy viên là 3,5 triệu đồng. Mức chi này được tính từ ngày 1/5/2015 và nguồn chi từ quỹ đầu tư xuất bản của NXB GDVN.

Đến tháng 1/2018, NXB GDVN lại ra tiếp Quyết định số 04 về việc thành lập ban chỉ đạo và mức chi thù lao cho Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam. Theo đó, số thành viên của ban chỉ đạo này vẫn là 11 người của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Hồng Sơn vẫn là trưởng ban. NXB GDVN có 9 thành viên.

Ngoài ra, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của Sở GD&ĐT TP HCM. Mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên như năm 2015, đối với nhóm hỗ trợ thì mức thù lao là 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Trả lời báo chí, NXB GDVN cho hay từ năm 2015, NXB GDVN phối hợp với Sở GD&ĐT TP HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam (bộ SGK “Chân trời sáng tạo”), với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo... cho đội ngũ tác giả, thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo.

Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, NXB GDVN cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.

Trước đó, tại buổi họp báo công bố danh mục 32 cuốn SGK lớp 1 do Bộ GD&ĐT tổ chức, đại diện Bộ GD&ĐT đã khẳng định không có SGK nào là của Sở GD&ĐT TP HCM chủ trì biên soạn hay đứng tên tác giả trong tất cả hồ sơ mà bộ tiếp nhận đề xuất thẩm định SGK lớp 1 mới vừa qua. Như vậy, việc NXB chi thù lao cho một số lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM trong suốt nhiều năm như vậy là như thế nào? Khi những người này không tham gia vào việc biên soạn SGK hay cố vấn, góp ý… gì cho bộ sách thì tại sao lại được nhận tiền? Việc nhận tiền này có ảnh hưởng đến việc chọn sách sau này của địa phương hay không?

Phá sản một chương trình nhiều SGK?

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, GS. TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển cho biết trước đây ông đã nghe một số người làm chương trình GDPT tổng thể có ý kiến là cơ quan quản lý không thể tham gia viết sách rồi sau đó tư vấn chọn sách. Như vậy, sẽ là vừa đá bóng vừa thổi còi. Nay công khai thông tin NXB GDVN chi tiền thù lao cho một số cán bộ quản lý từ năm 2015, tôi cho rằng đó là hành động không minh bạch bởi khi anh đã nhận tiền mà không tham gia biên soạn sách thì đến lúc chọn sách, anh không thể “làm ngơ” bộ đó được dù cuốn khác chất lượng tốt hơn.

“Xuất phát từ ý tưởng tham khảo các nước tiên tiến muốn có một chương trình khung mà Nhà nước, Quốc hội thông qua, từ chương trình đó sẽ viết SGK. Và là một chương trình và nhiều bộ SGK. Sau này bộ SGK mà Bộ GD&ĐT đáng lẽ phải viết được với khoản đầu tư 16 triệu USD, quản lý bộ đó với chất lượng tin tưởng nhất thì Bộ GD&ĐT không làm được. Bây giờ chỉ có sách của các NXB phải được các hội đồng thẩm định thẩm định. Sau đó, là do địa phương chọn. Mà khi địa phương chọn thì tất nhiên phải chọn bộ nào NXB đưa tiền cho họ chứ? Nếu nhìn vào thời điểm 2015, từ khi NXB chi tiền thì có thể thấy rằng họ nhận tiền từ khi chương trình còn đang manh nha bắt đầu… Trong khi đó, người làm quản lý không có chức năng viết sách, vậy anh nhận tiền của NXB để làm gì?” – GS. TS Phạm Tất Dong nói.

Vấn đề thứ hai GS Dong lo lắng đó là khi TP HCM làm như vậy thì các địa phương khác cũng có thể làm tương tự, tức là cũng kết hợp với một NXB để làm riêng một bộ sách cho địa phương mình.Lý do là mỗi địa phương đều có đặc thù riêng nên cần viết riêng một bộ sách cho phù hợp với học sinh của mình. Như vậy, dần dần, quyền quản lý sẽ tuột khỏi tay Bộ GD&ĐT và chuyển giao về các địa phương. Việc quyết định chọn sách sẽ không còn vì chất lượng của cuốn sách đó mà vì những vấn đề không minh bạch khác như ăn chia tiền biên soạn, in ấn… Như vậy, sẽ sai mục tiêu ban đầu là cần bộ sách chuẩn, sai mục tiêu đào tạo theo quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước đã quy định… Mỗi địa phương không thể đào tạo ra một thế hệ theo quan điểm của riêng địa phương mình. Khi đó, đồng tiền làm sai mục tiêu giáo dục…

Thứ ba, việc viết sách là vấn đề khoa học, cụ thể là giáo dục kết hợp với các khoa học khác để viết ra một cuốn sách. Bây giờ nhà in vừa viết sách, vừa in vừa phát hành, tiêu thụ… quy trình khép kín như vậy thì khó để có giá sách cạnh tranh… Như TP HCM, quy mô học sinh phổ thông của địa phương này là 4,2 triệu/ 16,5 triệu học sinh cả nước. Đây là địa phương đông học sinh nhất cả nước vì vậy TP HCM cũng là thị trường lớn nhất trong việc tiêu thụ SGK.

Chia sẻ quan điểm này, GS VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT cho rằng ông cũng lo ngại nếu mỗi địa phương làm một bộ SGK của riêng mình, 63 tỉnh thành là 63 bộ sách thì sẽ không đáp ứng mục tiêu một chương trình nhiều SGK như chúng ta đã đặt ra. Thậm chí, có thể nói là phá sản mục tiêu này.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết sau khi nghiên cứu Quyết định 778 của NXB GDVN ban hành ngày 29/9/2015 cho thấy có nhiều sai sót. Cụ thể, đây là một quyết định chi thù lao nhưng không thể hiện bất cứ căn cứ, nguyên tắc tài chính nào. Trong khi đó, ở những cơ quan này, chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, có nghĩa, NXB GDVN chỉ được phép chi thù lao khi có căn cứ, quy định của pháp luật.

Hiện Bộ GD&ĐT đang yêu cầu Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh và NXB GDVN báo cáo để có thông tin xử lý.

TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở GDĐT giải trình vụ nhận thù lao hàng tháng của NXB GDVN

UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Sở GDĐT TP yêu cầu giải trình các nội dung liên quan đến việc cán bộ, chuyên viên của sở nhận thù lao hàng tháng từ NXBGDVN. Theo Bộ GDĐT, phía NXB cũng cần phải giải trình.

Theo đó, văn bản trên truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đề nghị Sở GDĐT TP giải trình các nội dung về việc lãnh đạo, cán bộ và chuyên viên sở nhận thù lao hằng tháng của NXBGDVN báo cáo thường trực UBND TP trước ngày 8/12.

Vụ việc trên đã khiến dư luận xôn xao và đặt nhiều nghi vấn về tính minh bạch, khách quan của ngành GDĐT TP trong việc chọn lựa SGK mới vào thời gian tới.

Cũng trong chiều 6/12, Bộ GDĐT đã trả lời báo chí về sự việc cán bộ Sở GDĐT TP HCM nhận thù lao để tham gia tổ chức biên soạn SGK của NXBGDVN. Bộ GDĐT cho rằng theo Luật Xuất bản, việc liên kết với tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất bản thuộc trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc) NXB. Vì vậy tổng giám đốc (giám đốc) NXB phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là sách giáo khoa).

Trách nhiệm của đối tác (cá nhân, tổ chức) liên kết xuất bản với NXB đã được quy định trong Luật Xuất bản và các quy định có liên quan của pháp luật.

Ngoài ra, nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức nhà nước thì phải tuân thủ các quy định của Luật Công chức; Luật Phòng chống tham nhũng..., bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra. Trong trường hợp này, NXBGDVN và Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí đã nêu

Bộ GDĐT cũng cho biết để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK, dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ GDĐT đang đăng tải xin ý kiến rộng rãi đã quy định: “Người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các NXB không được tham gia vào hội đồng lựa chọn SGK”.

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và cấp huyện, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở GDPT ở địa phương trong việc tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông để đảm bảo đúng thực hiện pháp luật, công bằng, công khai, minh bạch.

M.Q.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/chon-sach-giao-khoa-minh-bach-den-dau-tintuc454237