Chọn sách giáo khoa lớp 1: Không gây áp lực lên giáo viên

Bộ GD&ĐT Ban hành thêm 7 danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 nữa được phê duyệt, nâng tổng số sách trong danh mục 9 môn học lên con số 45. Tận dụng thời gian học sinh các địa phương đang nghỉ học vì phòng, chống dịch Covid-19, các giáo viên đã nghiên cứu sách để đóng góp ý kiến, bỏ phiếu chọn sách tại các hội đồng chọn cấp trường. Mặc dù số sách phải nghiên cứu khá nhiều, nhưng các địa phương đều đang có lộ trình chọn sách phù hợp, không gây áp lực lên giáo viên.

Số lượng đầu sách phải đánh giá khá nhiều

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định phê duyệt thêm 7 cuốn SGK lớp 1. Trong 7 cuốn SGK của 2 nhà xuất bản (NXB) được phê duyệt tại quyết định này, 6/7 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam và 1 cuốn của NXB ĐH Quốc gia TP HCM. Như vậy, hiện 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 có tổng số 45 cuốn SGK. Trong đó việc bổ sung thêm 3 cuốn môn Giáo dục thể chất giúp các nhà trường có thêm sự lựa chọn thay vì trước đó chỉ có 1 cuốn sách của môn học này, nghĩa là chỉ có một sự lựa chọn duy nhất.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành thông báo thẩm định SGK lớp 1 với thời gian tiếp nhận hồ sơ là từ ngày 25-2 đến ngày 10-3. Như vậy, Danh mục SGK lớp 1 có thể sẽ còn kéo dài hơn nữa thay vì dừng lại ở con số 45 cuốn.

Và cũng trong tháng 3 này, Thông tư số 01/2020/BGDĐT "Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông" sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đúng hướng dẫn của Thông tư, để chọn sách tại các trường, Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn.

Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục SGK được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn. Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn phải được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.

Thực tế là với 45 cuốn sách cho 9 môn học và hoạt động có nhiều mặt tác động. Đa dạng các cuốn SGK rõ ràng mở rộng thêm cơ hội lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất với học sinh của mỗi trường. Đây là ưu điểm của việc xã hội hóa SGK với chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ sách. Tuy nhiên, để lựa chọn kỹ càng cần có thời gian nghiên cứu cụ thể bởi mỗi cuốn sách hướng đến đối tượng riêng, có cách thiết kế và giảng dạy riêng nên nếu việc ban hành quá muộn sẽ khiến các nhà trường lúng túng trong việc chọn cuốn nào, đồng thời giáo viên cũng phải đánh giá nhiều đầu sách.

Số lượng đầu sách mới tương đối nhiều, nhưng các địa phương đều khẳng định không gây áp lực lên giáo viên trong quá trình chọn sách. Ảnh: P.T

Số lượng đầu sách mới tương đối nhiều, nhưng các địa phương đều khẳng định không gây áp lực lên giáo viên trong quá trình chọn sách. Ảnh: P.T

Đủ sách để giáo viên nghiên cứu, trao đổi

Theo đúng hướng dẫn, giáo viên phải nghiên cứu đủ các bộ sách để từ đó đánh giá ưu, nhược điểm của từng bộ sách, chọn sách phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ sở mình. Thời gian này, tranh thủ học sinh đang nghỉ học vì phòng, chống dịch Covid-19, các hội đồng chọn sách đã thực nghiện nghiên cứu và chọn sách. Các địa phương cũng cho biết không gây áp lực lên giáo viên trong quá trình đánh giá, chọn sách.

Ông Thái Văn Thành – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Nghệ An là tỉnh rộng lớn với trong đó có 5 huyện miền núi cao cơ sở vật chất, điều kiện dạy học của giáo viên còn nhiều hạn chế. Việc chọn SGK vì vậy phải phù hợp với đặc điểm từng địa phương nhưng không tạo ra khoảng cách vùng miền trong mục tiêu chung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. GĐ Sở GD&ĐT cũng cho rằng, không phải vì khó khăn đó mà tạo áp lực lên các nhà trường, giáo viên trong lựa chọn SGK. “Quan điểm lựa chọn sách là bám theo chương trình phổ thông 2018 và chuẩn năng lực phẩm chất đầu ra mỗi cấp học. SGK không phải là pháp lệnh như trước kia và không quyết định chất lượng dạy học. Nhưng bộ sách tốt sẽ hỗ trợ tốt cho giáo viên trong thiết kế bài giảng, hỗ trợ thầy trò trong dạy và học đáp ứng yêu cầu kỹ năng, kiến thức”, ông Thái Văn Thành nói.

Một số trường tiểu học ở TP HCM đã gần như hoàn tất công tác chọn SGK. Tận dụng khoảng thời gian trường học “đóng cửa” chống dịch, hội đồng các trường đã làm việc liên tục để đọc, đánh giá và chọn lựa cuốn sách phù hợp nhất với đặc thù của đơn vị mình. Các trường ở Hà Nội cũng đang tiến hành công tác chọn sách.

Theo lộ trình, từ tháng 3 đến tháng 5, các Sở GD&ĐT sẽ cùng với NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai Chương trình GDPT mới. Song song đó, các trường cũng sẽ tiến hành tập huấn sử dụng SGK tại chính đơn vị mình. Tuy nhiên, việc vừa mới ban hành thêm 7 cuốn sách và thời gian tới có thể phê duyệt thêm sách đồng nghĩa với việc các giáo viên sẽ phải nghiên cứu, lựa chọn thêm trước khi đi đến phương án thống nhất chọn bộ sách/cuốn sách nào.

Để làm được điều đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các NXB có hình thức phù hợp cung cấp SGK đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin để thực hiện việc lựa chọn SGK theo quy định của pháp luật.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chon-sach-giao-khoa-lop-1-khong-gay-ap-luc-len-giao-vien-182022.html