Chọn sách giáo khoa cho học sinh lớp 1: Giáo viên vừa mừng vừa lo

Nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm vừa mừng vừa lo trước thông tin nhà trường phải tự chọn SGK cho học sinh trong năm học 2020-2021.

Sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Vnexpress.

Sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Vnexpress.

Ngày 22/11, bộ GD&ĐT công bố 32 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sau đó, bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn chọn SGK cho năm học tới. Theo đó, số lượng thành viên hội đồng chọn SGK của các trường phải là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Dự thảo quy định việc quyết định SGK sẽ dựa trên hình thức bỏ phiếu kín. Trong đó, SGK được chọn phải có trên 50% số thành viên của hội đồng bỏ phiếu chọn.

Liên quan đến việc chọn SGK lớp 1, chia sẻ trên báo Vnexpress, thầy Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), cho biết phần lớn học sinh nhà trường là người Mông, nhận thức và hiểu biết về tự nhiên, xã hội rất hạn chế nên tiêu chí lựa chọn đầu tiên là sách có nhiều hình ảnh to, rõ ràng và bắt mắt. Trường sẽ ưu tiên chọn những sách sử dụng từ ngữ dễ hiểu, gần gũi với học sinh.

"Ngoài ra, tôi sẽ nghiêng về những sách xuất hiện một vài chi tiết vùng miền, có nét tương đồng với cuộc sống học sinh vùng cao để tạo sự gần gũi cho các em trong quá trình học tập", thầy giáo nói.

Bên cạnh đó, thầy Hiệp bày tỏ sự lo lắng về kinh phí trong quá trình chọn sách. Tiền mua sách giáo khoa, trường Hừa Ngài được miễn phí do nằm ở vùng khó khăn, nhưng kinh phí mua sách để tham khảo, lựa chọn thì trường tự chủ. Ngoài ra, thầy băn khoăn trước việc trong hội đồng có đại diện phụ huynh học sinh.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) lại lo lắng là thành viên hội đồng chọn sách do trường thành lập. Việc đưa giáo viên vào hội đồng là hợp lý và trường hoàn toàn đáp ứng đủ do có tổ trưởng chuyên môn, giáo viên trực tiếp đứng lớp 1 và cả giáo viên của các khối lớp cao hơn. Nhưng việc đưa phụ huynh vào thành phần hội đồng là không khả thi bởi không phải ai cũng có chuyên môn để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn.

Trao đổi trên báo Tiền Phong, bà Phạm Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường tiểu học Jean Piaget (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bày nhiều lo lắng liên quan đến việc chọn SGK: “Có nhiều bộ sách khác nhau nhưng mỗi bộ sách đều có ưu, nhược điểm chung. Để chọn được bộ sách đúng là quyền quyết định ở mỗi nhà trường thì phải có hội đồng chuyên môn tốt để ngồi lựa chọn, đánh giá các bộ sách này”.

Cũng theo bà Yến, việc đưa ý kiến đại diện cha mẹ học sinh vào là đúng nhưng vấn đề khó vì mỗi người một ý, vô hình chung tạo áp lực cho người đứng đầu nhà trường.

Thanh Tùng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giao-duc/chon-sach-giao-khoa-cho-hoc-sinh-lop-1-giao-vien-vua-mung-vua-lo-a303603.html