Chọn sách giáo khoa: Cần giám sát, đảm bảo tính minh bạch

Việc giao cho trường phổ thông chọn lựa ra bộ sách giáo khoa (SGK) vào năm học 2020-2021 là không thể đảo ngược sau nhiều ồn ào, lo lắng của xã hội, nhất là phụ huynh và học sinh.

Theo ý kiến của các nhà quản lý, chuyên môn tại địa bàn TP Hồ Chí Minh đều thống nhất quan điểm: Việc tham mưu chọn lựa sách để giảng dạy cho học sinh phải do lực lượng giáo viên đảm nhiệm; quyết định sau cùng là Hiệu trưởng, còn việc giám sát có sự tham gia của cha mẹ học sinh, trên tinh thần tất cả vì học trò và đảm bảo tính minh bạch.

3 ý kiến quan trọng cho một bộ SGK phù hợp

Trả lời về việc học sinh khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ tham gia vào việc chọn SGK ra sao nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, tại điểm C, khoản 1, điều 32 của Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cho phép UBND tỉnh, TP quyết định lựa chọn bộ SGK dùng chung, dùng ổn định cho cấp học nhưng đến tháng 7-2020 luật này mới có hiệu lực.

Việc lựa chọn SGK được giám sát bởi giáo viên, học trò, phụ huynh, xã hội và các nhà quản lý để đảm bảo tính minh bạch, vì học trò”.

Việc lựa chọn SGK được giám sát bởi giáo viên, học trò, phụ huynh, xã hội và các nhà quản lý để đảm bảo tính minh bạch, vì học trò”.

Trong khi việc lựa chọn SGK cho năm học tới phải thực hiện trước 6 tháng, tức là thực hiện vào tháng 3-2020, do đó thời gian này TP. Hồ Chí Minh vẫn thực hiện theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội, các trường sẽ được cân nhắc lựa chọn SGK sử dụng ở trường mình. Lãnh đạo các trường sẽ là hội đồng lựa chọn SGK trên cơ sở sách đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt và dựa trên ý kiến phụ huynh, học sinh, giáo viên.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, SGK để dùng cho năm 2020-2021 do Hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định bộ sách cùng với tập thể giáo viên và sau khi tham khảo thêm ý kiến của PHHS, quyết định lựa chọn bộ SGK chuẩn, phù hợp với trường mình. Trước hết là SGK của lớp 1 ở địa bàn thành phố.

Về các bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT duyệt, ông Hiếu cho rằng: Các bộ SGK đều thấy được. Lựa chọn bộ nào là quyền của trường học. Ở TP Hồ Chí Minh cũng có định hướng, các bộ SGK do Bộ GD-ĐT thẩm định thì tất cả các trường học đều phải mua. Tức là theo hình thức “tủ sách dùng chung”.

Giáo viên phải đọc hết tất cả các bộ SGK mà Bộ GD-ĐT thẩm định. Từ đó mới có thể tham mưu tốt nhất. Trong quá trình lựa chọn thì cần lưu ý tới hình ảnh, tranh vẽ hoặc các ngôn từ, văn phong phù hợp với vùng miền. Tại TP Hồ Chí Minh đã được Bộ GD-ĐT cho phép nên đã cử các cán bộ quản lý, giáo viên thuộc mạng lưới chuyên môn tham gia trong Hội đồng bộ môn của Bộ GD-ĐT từ Tiểu học tới THPT.

Việc cho phép giáo viên TP Hồ Chí Minh tham gia vào trao đổi chuyên môn (ở một vài bộ môn) cũng là lợi thế của giáo viên thành phố để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, ngay từ đầu lực lượng giáo viên này đã được tập huấn, định hướng thực hiện chương trình tổng thể.

Đề cập tới việc cần phải thay đổi cách tiếp cận kiến thức chuyên môn trong SGK, ông Hiếu cũng khẳng định, giáo viên của ta có nhiều cách tiếp cận mới. Việc quyết tâm giảng dạy cho HS phổ thông theo hướng phát huy năng lực sáng tạo trong học tập là một nỗ lực của nhiều thầy cô giáo của thành phố nhiều năm nay, để có một tầm nhìn xuyên suốt toàn bộ chương trình từ Tiểu học tới THPT. Thực hiện đầy đủ các chương trình tổng thể theo hướng dẫn của Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT ban hành.

Trả lời thắc mắc rằng, liệu có bất cập gì trong công tác kiểm tra đánh giá hay không, ông Hiếu cho biết: “Chúng ta không kiểm tra, đánh giá về bất cứ nội dung nào trong SGK mà hiện ta đang thực hiện việc dạy HS theo đánh giá năng lực học sinh.

Vừa qua, trong bài khảo sát lớp 3 mà TP thí điểm làm, không đặt nội dung theo bất cứ SGK nào. HS sau khi học xong cuốn sách mới có thể suy nghĩ và trả lời, hayđưa ra cách giải quyết vấn đề. Định hướng phát triển năng lực là như vậy. Do đó HS và PHHS cũng đừng quá hoang mang cho rằng, học SGK này, thì sẽ không làm bài được nếu nội dung lấy từ SGK khác”.

Song, nhiệm vụ quan trọng theo ông Hiếu khi triển khai là giáo viên phải đọc, tham khảo tất cả các bộ SGK đã được Bộ phê duyệt cùng nhiều tài liệu để có được lượng kiến thức phong phú và phổ biến cho HS một cách phù hợp nhất, tham mưu để Hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định chọn lựa bộ SGK.

Đảm bảo tính minh bạch, tất cả vì học sinh

Trao đổi thêm về lựa chọn bộ SGK cho TP Hồ Chí Minh, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng phân tích: “Việc chọn sách cho chương trình giáo dục phổ thông mới cuối cùng cũng có hồi ngã ngũ: trường phổ thông có quyền chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 cho học sinh của mình. Những người am hiểu luật, những người theo dõi hội thảo quốc gia “Hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019” tại Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đều hiểu rằng việc giao cho trường phổ thông chọn sách giáo khoa chương trình giáo dục 2018 vào năm học 2020-2021 là không thể đảo ngược”.

Trong Luật Giáo dục 2009, việc xã hội hóa biên soạn SGK và việc chọn sách không được đặt ra, nhưng từ khi có Nghị quyết 29 và nhất là từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 thì việc cả nước thống nhất một chương trình, nhiều (bộ) sách cũng tưởng như không cần bàn cãi.

Nhưng rồi Luật Giáo dục 2019 ra đời, qui định UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo qui định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Luật Giáo dục 2019, điểm c, mục 1, điều 32). Vấn đề đặt ra là Luật Giáo dục 2019 chỉ có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 mà việc lựa chọn SGK dùng cho trường học lại phải sớm hơn thời điểm luật nói trên có hiệu lực.

Luật giáo dục 2009 chưa đề cập đến việc thực hiện một chương trình nhiêùbộ SGK, Luật Giáo dục 2019 thì chưa có hiệu lực nên Nghị quyết 88 là cơ sở để giao các trường phổ thông lựa chọn sách cho học trò trường mình.

Nhiều người lo ngại việc lựa chọn sách giáo khoa giao cho thầy cô giáo, giao cho trường phổ thông lựa chọn với nhiều lý do: sẽ kiểm tra đánh giá ra sao? Dạy và học thế nào? Việc chọn sách liệu có bị ảnh hưởng tiêu cực...

Cá nhân tôi cho rằng có thể những điều trên xảy ra ở một vài nơi nhưng không thể là phổ biến và có thể kiểm soát được. Giờ thì chỉ còn chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐTđể việc chọn lựa SGKcủa các trường phù hợp với việc học và dạy của từng trường, việc lựa chọn được giám sát bởi giáo viên, học trò, phụ huynh, xã hội và các nhà quản lý để việc lựa chọn sách minh bạch hơn, vì học trò.

Theo kế hoạch, trong tháng 12-2019, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, lúc này Sở GD-ĐT thành phố sẽ cùng UBND các quận, huyện, phòng GD-ĐT hướng dẫn trường học lựa chọn SGK phục vụ cho năm học tới và tổ chức tập huấn giáo viên sử dụng sách. Đồng thời thống kê, đăng ký các loại sách để nhà xuất bản có thời gian in ấn, phát hành.

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/chon-sach-giao-khoa-can-giam-sat-dam-bao-tinh-minh-bach-572564/