Chọn nghề sau giải nghệ

Để thành công, ngoài tố chất và năng khiếu, thì cũng như vận động viên (VĐV) của các môn thể thao khác, các tay vợt cầu lông đều chuyên cần tập luyện. Việc 'dành cả thanh xuân' cho niềm đam mê đã khiến không ít tay vợt nổi tiếng của bộ môn này sau khi giải nghệ đã chọn nghề liên quan đến trái cầu, cây vợt và tiếp tục truyền cảm hứng cũng như đào tạo thế hệ tiếp nối...

Pullela Gopichand tại học viện cầu lông mang tên mình. Ảnh: indiatimes.com

Pullela Gopichand tại học viện cầu lông mang tên mình. Ảnh: indiatimes.com

Khi được hỏi vì sao không chọn bóng chuyền để nối tiếp truyền thống của gia đình vì cha mẹ đều là VĐV bóng chuyền quốc gia, tay vợt Pusarla Venkata Sindhu (Ấn Độ) cho biết cô chọn cầu lông vì ấn tượng khó quên khi chứng kiến tay vợt đàn anh Pullela Gopichand vô địch giải Toàn Anh. Không chỉ đăng quang giải này, Gopichand còn nhiều năm vô địch quốc gia. Sau khi giải nghệ, Gopichand trở thành huấn luyện viên (HLV) và thành lập học viện cầu lông mang tên mình. Gopichand không chỉ truyền cảm hứng, mà còn góp phần phát hiện và đào tạo những lứa VĐV tài năng cho Ấn Độ, như: Sindhu - vô địch thế giới, vô địch World Tour Finals, HCB Thế vận hội; Saina Nehwal - tay vợt đầu tiên của Ấn Độ có được huy chương tại một kỳ Thế vận hội; Kidambi Srikant - cựu số 1 thế giới…

Ở “cái nôi” cầu lông Indonesia, hầu như ai cũng biết Học viện Cầu lông Taufik Hidayat của một trong những tay vợt nổi tiếng đất nước vạn đảo. Thời vàng son trong sự nghiệp VĐV, Hidayat đã vô địch quốc gia đến 6 lần, vô địch thế giới và giành được HCV Olympic… Hidayat thi đấu chuyên nghiệp từ khi mới 9 tuổi và trở thành thành viên đội tuyển cầu lông quốc gia lúc 15 tuổi. Năm 2014, Hidayat chính thức giải nghệ và trở thành HLV trưởng của học viện cầu lông mang tên anh.

Hai năm trước, tay vợt nữ đánh đôi của Malaysia Woon Khe Wei buộc phải tuyên bố giải nghệ sau khi bị chấn thương đấu gối. Chấn thương này xảy ra trong trận đấu tứ kết của cô tại Olympic năm 2016. Qua 2 năm điều trị chấn thương, cô không thể trở lại đỉnh cao thi đấu, nên phải chia tay đồng đội Vivian Hoo, rời sân đấu cầu lông chuyên nghiệp. Wei đã thành lập Học viện Cầu lông Medalist và đảm nhận vai trò truyền thông. Hiện tại, học viện của cô đã có hơn 100 học viên và 6 HLV. Wei không giấu tham vọng mở thêm nhiều chi nhánh trong thời gian tới.

Chọn nghiệp HLV để hàng ngày được cầm vợt là lựa chọn thường thấy của nhiều tay vợt nổi tiếng sau khi nghỉ thi đấu. Chính kinh nghiệm trận mạc đỉnh cao đã giúp họ truyền đạt hiệu quả cho đàn em. Điển hình như HLV đình đám người Hàn Quốc Park Joo Bong, liên tục được các đội tuyển mạnh cấp quốc gia tuyển mộ. Hay HLV Nova Widianto (Indonesia) - người vừa đưa đôi nam nữ của xứ vạn đảo vô địch Toàn Anh 2020. HLV Agus Dwi Santoso (Indonesia) cũng chọn bến đỗ tại Ấn Độ,...

Theo nhiều người, chọn nghiệp HLV là lựa chọn hoàn hảo của họ sau khi giải nghệ. Bởi công việc này cho họ cơ hội tiếp xúc thường xuyên với cầu lông và được tiếp tục đi khắp thế giới để tham gia các giải đấu.

H.T

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/chon-nghe-sau-giai-nghe-a120697.html