Chọn ngành học - Ai hiểu con bằng cha mẹ?

1. Chọn ngành học cho con luôn là nỗi đau đầu của phụ huynh khi con cái bắt đầu năm lớp 12. Theo ý con hay theo ý cha mẹ nhiều khi là chuyện xung đột trong gia đình gây căng thẳng, bất hòa.

HS Trường THPT Trưng Vương TP.HCM trong giờ thực tập môn Hóa (Ảnh: ĐN).

Tôi có anh bạn luôn quan niệm rằng, hai con anh dứt khoát chỉ tạm dừng con đường học vấn sau khi xong... tiến sĩ. Anh cho rằng, tốt nghiệp đại học, nếu chưa vội đi làm thì học tiếp, đến khi nào hết chữ thì thôi. Gia đình anh không thuộc loại “có điều kiện” lắm, nhưng theo anh, nuôi con cái tiếp tục học cũng không tốn kém bao nhiêu. Hàng tháng, con trai anh có một khoản lợi nhuận từ cổ tức của cha mẹ cho riêng để tiêu khoảng 7 triệu đồng. Vậy nên ý anh là, con trai anh không cần đi làm mà tiếp tục cao học rồi tiếp nữa.

Con trai anh này tốt nghiệp ngành toán thống kê. Thật ra, cháu cũng muốn đi làm nhưng lại kén việc, lương thấp hơn cha mẹ cho; do đó, giữa học và đi làm thì đi học vẫn thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, mọi thứ không suôn sẻ như vậy. Để thuyết phục con trai học cao học là cả một vấn đề, anh bạn tôi cho biết. Những năm đại học, anh nghĩ con mình khó có thể tốt nghiệp vì cháu không nhiệt tình với ngành học. Cháu đổ lỗi bố đã ép cháu vào ngành toán, vừa khó, khô khan, mau nản chí, lại không biết sau này ra trường sẽ làm gì. Cha con nhiều phen tranh cãi nảy lửa. Thật ra, không phải anh này ép con học toán mà là năm ấy điểm thi đại học của cháu cả hai khối đều đậu. Với khối A cháu vào đại học công, khối D thì vào đại học tư với điểm số cao hơn khối A. Thế nhưng, anh quyết định chọn trường công cho con. Có nghĩa là yếu tố chọn ngành học phụ thuộc vào trường đại học (công/tư).

Một may mắn là năm cuối đại học, cậu này được một thầy giáo hướng dẫn quý mến, giúp cậu trong học tập nên cuối cùng cậu tốt nghiệp với điểm số đạt chuẩn học tiếp cao học. Bây giờ thì cậu ta học toán rất tốt và ham học, anh bạn tôi nói thế!

Với con gái, sau khi tốt nghiệp đại học điểm bảo vệ khá cao, anh thuyết phục con tiếp tục cao học ngay. Cô chỉ có mấy tháng nghỉ ngơi sau đó bắt tay vào học một ngành khác. Bạn tôi nói, thật ra con gái anh không muốn học tiếp, nhưng có phần ép buộc của anh nữa. Cô chưa muốn đi làm thì giải pháp duy nhất là đi học.

Anh nói, con gái anh chỉ có việc đến trường, ngồi vào lớp và học, còn mọi thứ đã có gia đình lo. Với sự hỗ trợ như thế thì lấy tấm bằng cao học và tiến sĩ không có gì khó!

2. Mỗi người một quan niệm. Có người cho rằng, đã học ngành nào dứt khoát ra trường sẽ làm công việc đó, như thế mới không lãng phí đầu tư mấy năm đại học. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được nguyện vọng này.

Đã có rất nhiều em cảm thấy nản ngay từ đầu năm học dù em đậu vào trường với điểm số rất cao. Và, hết một học kỳ em mới có sự so sánh giữa ngành mình học và ngành bạn bè đang theo học. Cũng có rất nhiều em do không lường trước năng lực của mình, theo bạn bè, phong trào… thi vào một trường không phù hợp với năng lực. Sợ thua kém bạn bè, em phải gồng mình cố gắng, cuối cùng phải bỏ dở học hành vì không theo nổi. Cũng có em ì ạch cho hết 4 năm học, nhưng khi ra trường các em không thể xin được việc làm vì tấm bằng chỉ trung bình, và quan trọng là em không thích hợp với công việc làm đó.

Cũng có những trường hợp các em đã tốt nghiệp ra trường, đi làm lương hậu, bỗng thấy chán, bỏ việc, đi học lại một ngành khác.

Chính cha mẹ là người hiểu rõ con cái mình nhất, biết năng lực con như thế nào, cái gì không thích hợp, tính tình cũng như sức chịu đựng của chúng ra sao… Nhưng đôi khi cũng chính vì quá hiểu con mà thành áp đặt gậy ra những tranh cãi về ngành học giữa cha mẹ và con cái. Còn nữa, tâm lý con người luôn thay đổi theo thời gian. Hiện tại thì thích vậy có thể theo hoàn cảnh, môi trường, nhưng vài năm sau lại thấy không phù hợp.

Do đó, trừ những em biết mình muốn gì, thích gì và quyết tâm theo ngành đã chọn, còn lại cứ nhẹ nhàng với đại học, học được gì cứ học bởi vì, tất cả những kiến thức đã nạp vào rồi không bao giờ lãng phí, vô ích, ít ra là về mặt tư duy.

Bạn có nghĩ như vậy không?

Kim Duy

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/chon-nganh-hoc-ai-hieu-con-bang-cha-me-576412.ldo