Chọn 'mặt' an toàn để gởi tiền

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư thu hút người dân. Nhưng điều đáng chú ý là, tiền đã chọn chốn an toàn khi chảy mạnh vào n hóm các ngân hàng (NH) quốc doanh, dù lãi suất huy động tại các NH thương mại cổ phần cao hơn nhiều.

Quốc doanh an toàn hơn

Các báo cáo tài chính quý 2/2017 của nhiều NH quốc doanh cho thấy, huy động vốn tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Xét về con số tuyệt đối, BIDV vẫn là nhà băng huy động được nguồn tiền gửi lớn nhất, với hơn 810.000 tỉ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm. Kế tiếp là Vietinbank với gần 700.000 tỉ đồng, tăng gần 5,8%. Vietcombank đứng thứ 3 với gần 650.000 tỉ đồng, tăng 10%.

BIDV là nhà băng huy động được nguồn tiền gửi lớn nhất, với hơn 810.000 tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm.

Ba nhà băng quốc doanh này có khoảng cách rất lớn về số dư huy động vốn so với nhóm NH cổ phần. Chẳng hạn, tổng cộng tiền gửi tại ba NH cổ phần ACB, Sacombank và Eximbank mới xấp xỉ bằng lượng tiền gửi tại Vietcombank. Điều đáng lưu ý, lãi suất huy động tại các NH quốc doanh luôn thấp hơn các NH cổ phần, nhưng khách hàng vẫn “nghiêng túi đổ tiền” vào. Bảng lãi suất hiện hành của Vietcombank kỳ hạn 6 tháng là 5,3%, trong khi của SCB là 7,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank là 6,5%, còn SCB là 7,5%. Các kỳ hạn 36, 48 và 60 tháng tại Vietcombank đều nằm ở mức 6,5%, trong khi đó kỳ hạn 3 năm ở Sacombank tới 7,75%/năm.

Như vậy, nhiều người đã không chọn các NH có mức lãi suất cao để gửi tiền. Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, những năm trước, thị trường tiền gửi bị méo mó khi NH lớn luôn phải tăng lãi suất huy động để chạy đua với NH nhỏ. Còn nay, chân dung phân hoá xấu tốt đã rõ ràng hơn, tiền biết tìm đến những NH có thành tích hoạt động tốt, có độ an toàn cao hơn.

“Đồng tiền các nhà băng tốt huy động được đem cho vay sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Vì vậy, khi nợ xấu phát sinh dễ dàng xử lý hơn, vì đây là những món nợ quy mô nhỏ. Trong khi đó, ở một số NH khác, dòng vốn không có sự cạnh tranh mà chảy về doanh nghiệp sân sau của ông chủ, nợ xấu phát sinh lớn, tài sản nhìn thì thấy giá trị nhưng khi xử lý khó khăn, nguồn lực bị ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn cho NH, cho nền kinh tế”, TS Hiển phân tích.

Nhỏ “vượt mặt” lớn

Trong năm năm trở lại đây, nhiều NH vướng vào những lỗ hổng quy trình quản trị, hoặc trở thành “sân sau của những cổ đông nắm giữ cổ phần”, nên đã “đi chậm lại”. Theo TS Hiển, khi một NH mất nhiều thời gian để sửa chữa, củng cố bộ máy, các đối thủ khác sẽ tận dụng cơ hội để vượt qua.

Điển hình như ACB từng là NH dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm NH cổ phần. Năm 2011, ACB từng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau cuộc “đại khủng hoảng”, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của ACB chỉ còn 1.660 tỉ đồng. Trong khi đó, năm năm về trước, VPBank thuộc nhóm “chiếu dưới”, nhưng nay đã vượt lên. Với lợi nhuận trước thuế năm 2016 là 4.900 tỉ đồng, trở thành một trong những nhà băng dẫn đầu nhóm NH cổ phần. Sáu tháng đầu năm 2017, VPBank đạt 3.200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hai lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là NH đặt ra mức lãi kế hoạch 8.500 tỉ đồng trong năm nay, ngang ngửa với Vietcombank.

Mới đây, sự chú ý đổ dồn vào Sacombank, khi tân chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh giải thích về khoản nợ 43.000 tỉ đồng của ông Trầm Bê. Theo đó, các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo, nhưng trước mắt ngân hàng sẽ mất khoảng ba năm để thu hồi toàn bộ số nợ này. Điều đó có nghĩa, Sacombank phải mất nhiều công sức để phục hồi, và tốc độ phát triển có thể  bị chậm lại đáng kể.

Với những biến động của ngành ngân hàng trong thời gian qua, xét về tương lai, ngành ngân hàng sẽ còn chứng kiến nhiều cuộc “đổi ngôi”, điều đó đồng nghĩa, thị phần sẽ có sự thay đổi.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/chon-mat-an-toan-de-goi-tien-797506.html