Chọn lối đi riêng

Nghệ thuật là sự sáng tạo. Mỗi nghệ sĩ đều có khát vọng đưa các tác phẩm mới đến phục vụ công chúng.

Để không lặp lại chính mình và “giẫm” lên vết chân của người khác, nhiều nghệ sĩ đã chọn cho mình con đường sáng tạo nghệ thuật riêng. Nhiều tác phẩm ra đời, mang giá trị, bản sắc riêng giúp người nghệ sĩ giữ cho mình vị thế ở mọi thời điểm.

Chân dung già làng Năm Nổi qua tranh ghép gốm của họa sĩ Đào Tấn Hưng. Ảnh: L.Na

Chân dung già làng Năm Nổi qua tranh ghép gốm của họa sĩ Đào Tấn Hưng. Ảnh: L.Na

1. Trong số những nghệ sĩ vừa được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2021 do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đề xuất có nghệ sĩ Phạm Điền Trung. Sinh năm 1961, nghệ sĩ Điền Trung đã gắn bó và dành tình yêu cho nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) đến nay đã hơn 40 năm. Sớm bộc lộ tư chất của một nghệ sĩ, được trời phú cho chất giọng ngọt ngào nên con đường âm nhạc của ông có phần thuận lợi. Năm 1981, ông theo học chuyên ngành cải lương tại Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai.

Những năm 1980, khi sân khấu cải lương còn sáng đèn, nghệ sĩ Điền Trung được mời về làm việc tại nhiều đoàn nghệ thuật ở khu vực Đông Nam bộ. Ông được chọn làm diễn viên chính ở trong các vở tuồng, cải lương rồi theo đoàn đi diễn ở khắp các tỉnh miền Đông đến các tỉnh miền Tây và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Năm 2004, ông về công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - điện ảnh) phụ trách theo dõi phong trào ĐCTT trên địa bàn tỉnh.

Bởi tình yêu ĐCTT thấm vào máu thịt nên những ngày đầu về trung tâm, nghệ sĩ Điền Trung đã ra sức gầy dựng bộ môn nghệ thuật ĐCTT. Ông cùng với nghệ nhân dân gian Phạm Lơ (Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai) tổ chức nhiều hoạt động và truyền dạy cho người trẻ. Bất cứ liên hoan nào, cuộc thi nào ông cũng đều tham gia. Không chỉ truyền cảm hứng ca hát cho nhiều người trẻ, ông còn sáng tác các lời mới của 20 bài bản tổ, làm giám khảo trong nhiều cuộc thi ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Qua đó góp phần đào tạo đội ngũ kế thừa cho ĐCTT.

Nghệ sĩ Điền Trung cho rằng, việc lựa chọn ĐCTT là bộ môn nghệ thuật để theo đuổi và gìn giữ cũng là cách ông chọn cho mình một lối đi riêng trong hoạt động nghệ thuật. “Với trách nhiệm là người “kế thừa” ĐCTT truyền thống từ các lớp cha ông đi trước, tôi đã và đang cố gắng “truyền nghề” cho những ai yêu thích và đam mê. Tôi rất mong các ngành chức năng chung tay, bảo tồn và quảng bá rộng rãi âm nhạc ĐCTT trong đời sống nhân dân địa phương” - nghệ sĩ Điền Trung nói.

Bằng những nỗ lực và tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, nghệ sĩ Điền Trung đã góp phần đưa ĐCTT Đồng Nai vượt ra khỏi “ao làng”, đến với các liên hoan ĐCTT toàn quốc. Ông cùng với các thành viên trong CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của ngành Văn hóa, của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Đặc biệt, ông từng đoạt các huy chương vàng, bạc Liên hoan ĐCTT tại Hậu Giang năm 2009; giải nhất cuộc thi Giọt nắng phù sa do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức năm 2011.

2. Nhắc đến họa sĩ Đào Tấn Hưng, những ai yêu thích mỹ thuật ở Đồng Nai đều không quá xa lạ. Bên cạnh vẽ tranh, điêu khắc tượng trên các chất liệu đá, gỗ…, gần đây ông còn thể nghiệm trên lĩnh vực nghệ thuật mới là ghép gốm. Bởi đam mê với tranh gốm nên căn nhà của ông lúc nào cũng bề bộn với mảnh gốm đang ghép dở và những bản phác thảo.

Họa sĩ Đào Tấn Hưng cho biết, hiện ông đã thực hiện được hơn 20 tác phẩm tranh ghép gốm. Mỗi bức tranh là một câu chuyện thú vị, tiêu biểu như: chân dung cố đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước; Hoa biển; Tổ quốc nơi đầu sóng… Mới đây nhất, khi nghe tin già làng Năm Nổi - cây đại thụ của đồng bào Chơro (H.Vĩnh Cửu) qua đời, ông đã dành 3 tuần liền để thực hiện chân dung già làng. Tác phẩm nghệ thuật này sẽ được họa sĩ Đào Tấn Hưng đưa đi tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ năm 2020.

Theo họa sĩ Đào Tấn Hưng, chinh phục dòng tranh ghép gốm là công việc không hề đơn giản, nhất là thể hiện chân dung các anh hùng, danh nhân văn hóa… Tuy nhiên, việc càng khó thì càng tạo cho ông thêm động lực để chinh phục, bởi dòng tranh ghép gốm này rất kén người làm và còn xa lạ với công chúng. Ông tin rằng, những bức tranh của mình với độ bền tới hàng trăm năm sẽ là những tác phẩm nghệ thuật sống mãi theo thời gian và nó cũng là dấu “gạch nối” giữa thế hệ hôm nay và mai sau.

Nói về con đường nghệ thuật, họa sĩ Tấn Hưng kể, ông theo mỹ thuật vì đam mê. Mỹ thuật trước hết để phục vụ cho ông, cho cuộc chơi mà ông đã chọn lựa từ thời trai trẻ đến bây giờ. Bởi vậy, để thực hiện thành công những tác phẩm nghệ thuật, bản thân ông luôn trau dồi, học hỏi để không lặp lại tác phẩm của người khác và không lặp lại của chính mình. Ông chịu khó lắng nghe, cảm nhận đánh giá của bạn bè và đồng nghiệp để hoàn thiện tay nghề.

“Với tôi vùng đất và con người Đồng Nai luôn đẹp. Vẻ đẹp của sự hiện đại, hay những hoài niệm trong tác phẩm tôi đều giữ lại cho con cháu mai sau. Tôi hy vọng, qua tranh vẽ và tranh ghép gốm của mình, mọi người sẽ hiểu hơn về một vùng đất, về những giá trị văn hóa, kiến trúc mà cha ông đã để lại để cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy” - họa sĩ Tấn Hưng chia sẻ.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202005/chon-loi-di-rieng-3005157/