Chọn lọc tin đồn và xu thế thị trường

Để chứng minh sự mở cửa và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, một trong những điểm nhấn là chứng khoán. Càng ngày biến động của chứng khoán Việt Nam càng theo xu hướng thế giới, nhất là chỉ số Dow Jones của Mỹ. Một phần là do các tổ chức nước ngoài giao dịch bám sát chỉ số, nên họ tập trung mua bán các cổ phiếu trụ cột. Đặc biệt là trong rổ VN30. Mặt khác kể từ khi có chứng khoán phái sinh, nơi nhà đầu tư phần lớn mua bán hợp đồng tương lai trong ngày dựa trên diễn biến của VN30, các giao dịch không thể không tham khảo xu hướng quốc tế.

Các thông tin tài chính quốc tế, vì thế, được cập nhật liên tục và chi tiết không chỉ bởi báo ngày, truyền hình, mà cả các trang thông tin điện tử. Ngay cả báo mạng vốn không chuyên về kinh tế cũng có hẳn trang tài chính - ngân hàng. Riêng thông tin kinh tế, tài chính trong nước như lãi suất, tỷ giá, số liệu thu chi ngân sách, số liệu xuất nhập khẩu chung và riêng từng ngành nghề... được “đào xới”, “săn lùng” chi tiết. Thông tin về doanh nghiệp được phản ánh đôi khi đến mức quá tỉ mỉ. Mà không chỉ các công ty niêm yết, có cả những doanh nghiệp ngoài sàn.

Cho dù được hỗ trợ bởi một “rừng thông tin” như thế, chứng khoán vẫn có những cơ chế hoạt động riêng của nó, trong đó có tin đồn. Thời gian gần đây những vụ thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất, bán cổ phần cho nước ngoài luôn là tâm điểm của tin đồn và tin đồn thường xuất hiện rất sớm, trước khi nó được chính các doanh nghiệp trong cuộc xác nhận. Ngày 24-3-2019, khi tập đoàn Trường Hải (Thaco) công bố đã đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng vào Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), thì tin đồn về sự bắt tay giữa Thaco và HAG đã diễn ra cả năm trước. Tin đồn ban đầu về thương vụ này tương đối mong manh nhưng cũng bởi mong manh mà thị giá cổ phiếu trong hai tháng 6 và 7-2018 đã “phi nước đại” từ 8.000 đồng lên 16.000 đồng, tức tăng 100%. Đến khi Thaco và HAG ký kết hợp tác tại dinh Thống Nhất, thì thị giá HNG suốt chín tháng qua chỉ loanh quanh ở vùng 15.000-16.000 đồng/cổ phiếu.

Thaco vẫn đang rót tiền cho HNG và HAG để tái cơ cấu nợ, đồng thời chuyển đổi một phần hoạt động từ trồng cao su, dầu cọ sang trồng cây ăn trái ngắn ngày để xuất khẩu. Lối ra đã có, doanh thu xuất khẩu cũng đã có, song cả tiền và quản trị doanh nghiệp của Thaco cần thêm nhiều thời gian để thay đổi HAG. Gánh nặng nợ của HAG không phải ngay một lúc giải quyết được.

Các tin đồn bán cổ phần cho nước ngoài thường có độ nhạy cảm cao. Tháng 8-2018 tin đồn Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) bán cổ phần cho nước ngoài đã đẩy thị giá SBT “chạy” từ 16.000 đồng lên 21.000 đồng. Một số lãnh đạo chủ chốt của SBT cũng liên tục đăng ký mua và thực hiện mua vào cổ phiếu khiến tin đồn càng được giới đầu tư săn đón. Tuy nhiên như mọi cuộc kết hôn giữa công ty nội địa và đối tác ngoại, các thủ tục mua bán vô cùng tốn kém thời gian. Bên mua yêu cầu kiểm toán, làm khảo sát (due diligence) và bóc tách nợ nần riêng chung của doanh nghiệp chi tiết không kém gì Nhà nước xác định giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hóa.

Theo thời gian, độ nhạy cảm có thể mờ nhạt dần nếu sự kiện trên thị trường chứng khoán không sớm xảy ra như tin đồn. Giao dịch theo tin đồn thường thiên về đầu cơ, mà đã đầu cơ thì ít nhà đầu tư sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu trên sáu tháng. Thành ra có những trường hợp tin đồn quay vòng. Tin đồn “nguội” đi một vài tháng, thậm chí cả năm, rồi đột ngột “bùng phát” trở lại.

Kể từ sau thương vụ Nhà nước thoái vốn tại Sabeco, tin đồn liên quan đến thoái vốn trở nên đa dạng và phổ biến. Thực ra tin đồn dạng này liên quan đến thời điểm thoái vốn nhiều hơn là nội dung thoái vốn. Thông tin thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã nằm sẵn trong lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa và giới đầu tư dễ dàng kiểm chứng. Chỉ có thời điểm thoái vốn thực sự là không thể xác định chính xác vì nó chịu tác động của nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là VN-Index phục hồi, tăng trưởng hay suy giảm. Chẳng hạn Công ty Cao su Đà Nẵng (DRC) được đồn đại rằng Vinachem sẽ thoái vốn đã lâu. Mỗi khi thị giá DRC giảm về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu, tin thoái vốn lại được “khơi dậy” để hỗ trợ giá cổ phiếu. Tương tự, trước khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi Tổng công ty Vinaconex (VCG), tin đồn thời điểm thoái vốn đã làm giá cổ phiếu VCG lên xuống không biết bao nhiêu lần. Cho đến khi thoái vốn diễn ra, giá VCG mới thực sự đi lên. Không giống các trường hợp “tin ra là bán”, cổ phiếu VCG giữ giá tốt sau ngày Nhà nước thoái vốn.

Thành Nam

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286698/chon-loc-tin-don-va-xu-the-thi-truong-.html