Chọn đúng đường

Dự lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Có hai con đường để cơ quan này lựa chọn, một là giúp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng phát triển mạnh mẽ; hai là tạo rào cản, gánh nặng khiến cho doanh nghiệp ngày càng teo tóp. Và ngay lập tức Thủ tướng khẳng định: sẽ lựa chọn con đường thứ nhất, dù đó là con đường khó đi, nhiều chông gai trắc trở.

Theo quy định về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ là đại diện chủ sở hữu vốn tại 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang trực thuộc các bộ: Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin-Truyền thông, Tài chính. Ước tính, vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp này là khoảng 1 triệu tỷ đồng và tổng giá trị tài sản là 2,3 triệu tỷ đồng. Tại buổi lễ ra mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ phải ngay lập tức bàn giao các doanh nghiệp cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chứ không được phép “câu giờ”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là bước quan trọng trong việc phân định rõ hơn, tách bạch hơn giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế, dư luận xã hội đang quan tâm theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban trong điều hành, quản lý để làm sao khắc phục cho được yếu kém, cải thiện và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN.

Trước một số ý kiến lo ngại việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tạo thêm tầng nấc trung gian, gây phiền hà và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được xây dựng một cách chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chính phủ kiên quyết không thành lập một cơ quan trở thành rào cản, gây khó khăn khiến cho DNNN ngày một suy yếu, không thể phát triển.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhanh chóng kiện toàn bộ máy, tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả, bố trí sắp xếp đúng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất, không để kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực. Khẩn trương hoàn thiện chiến lược phát triển cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tốc độ nhanh hơn, chất lượng hơn. Cùng với đó, nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ để khu vực DNNN nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.

Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một nỗ lực của Chính phủ nhằm siết chặt quản lý vốn nhà nước, tránh tình trạng “sân trước, sân sau”, lãng phí, tiêu cực dẫn đến thất thoát vốn nhà nước như một số vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong những năm qua. Song, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở rằng, đừng để các DNNN sau khi về dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lại dần teo tóp đi do sợ quá, không dám làm gì. Đối với lãnh đạo các DNNN, Thủ tướng Chính phủ cũng động viên cần mạnh dạn, nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn, tạo việc làm cho người lao động.

Nhằm tránh tình trạng “tréo ngoe” giữa các bộ chủ quản và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khiến cho các DNNN “chết kẹt” ở giữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, việc bàn giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước không có nghĩa vai trò của các bộ giảm đi, mà trái lại trách nhiệm của từng bộ càng lớn. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực được giao để tạo môi trường, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thuận lợi.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì việc tách bạch giữa quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và quản lý vốn bằng việc bàn giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một bước ngoặt quan trọng trong việc kiểm soát nguồn vốn nhà nước, tránh đầu tư dàn trải không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí. Song, cũng cần xây dựng cơ chế kiểm soát tốt để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không trở thành rào cản, gánh nặng, gây phiền hà, khiến các DNNN sợ hãi không dám làm gì để phát triển. Đó là chưa kể đến việc nếu không được kiểm soát quyền lực tốt sẽ nảy sinh cơ chế xin – cho, nhũng nhiễu tiêu cực khiến các DNNN không thể phát triển.

Dư luận hy vọng việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tạo bước tiến đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, tránh tình trạng thụ động ngồi chờ cầm tay chỉ việc hoặc chỉ muốn được ưu ái hơn các thành phần kinh tế khác. Mong rằng sự kỳ vọng của cả cộng đồng xã hội sẽ trở thành hiện thực.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chon-dung-duong-tintuc418696