Chọn đam mê hay thu nhập - bài toán 'đau não' của các tân cử nhân

Cầm tấm bằng đại học trên tay, các tân cử nhân nay đối mặt với bài toán nan giải: chọn công việc dựa trên đam mê hay mức lương?

Với phần lớn sinh viên, "Chọn công việc như thế nào?" là mối trăn trở lớn nhất sau khi tốt nghiệp đại học. Khi ứng tuyển vào các cơ quan, công ty, nhiều người ưu tiên yếu tố thu nhập để đảm bảo nguồn kinh tế cho cuộc sống, số khác lại mong muốn tận dụng tuổi trẻ để thử thách bản thân trong lĩnh vực yêu thích.

Như vậy, giữa đam mê và tiền bạc, người trẻ nên lựa chọn điều gì?

 Với nhiều người, quyết định nghề nghiệp tương lai là cuộc giằng co cam go giữa lý trí và con tim. Ảnh: Getty Images.

Với nhiều người, quyết định nghề nghiệp tương lai là cuộc giằng co cam go giữa lý trí và con tim. Ảnh: Getty Images.

Nghề nào cũng như nhau, miễn là ra tiền?

Từ góc độ thực tế, mức lương là một trong những điều kiện mà mọi người lao động cần cân nhắc khi tìm kiếm việc làm.

Ngày nay, sự tiến bộ của xã hội đã tạo nên những thay đổi lớn trong cuộc sống: vật giá tăng cao; thị trường việc làm phong phú; lối sinh hoạt và mối quan tâm của con người ngày càng đa dạng... Để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nói trên, một công việc đem lại nguồn thu nhập ổn định trở thành mục tiêu của nhiều người, đặc biệt là các tân cử nhân.

Sau 16 năm miệt mài đèn sách, phần đông sinh viên đều mong muốn tìm việc vừa phù hợp với khả năng, vừa có mức lương đủ "hậu hĩnh" để có thể bắt đầu cuộc sống độc lập, tự chủ tài chính và phần nào đỡ đần gia đình về kinh tế.

Lấy đồng lương làm "kim chỉ nam" sự nghiệp, nhiều người trẻ đã đạt được nguyện vọng chỉ sau vài năm ra trường. Một vị trí phù hợp, một mức lương như ý, một cuộc sống đầy đủ về vật chất, đảm bảo những nhu cầu sinh hoạt và giải trí của bản thân. Với số tiền kiếm được, họ cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn với công việc của mình.

Chọn công việc đem lại thu nhập ổn định đã tạo nền tảng kinh tế vững chắc để nhiều bạn trẻ bắt đầu cuộc sống tự lập. Ảnh: Dribble.

Thế nhưng, việc đặt tiền bạc lên trên hết có làm hài lòng mọi người hay không? Thực tế cho thấy, không ít người trẻ cảm thấy bất mãn với công việc mình đang có, dù nó đem lại nguồn tài chính dồi dào.

Bạn Đào Minh Q. (24 tuổi) - cựu sinh viên Đại học Kinh Tế Quốc Dân (Hà Nội) chia sẻ:

"Mình từng ứng tuyển vị trí hành chính trong một công ty lớn vì mức lương họ đề xuất quá hấp dẫn với sinh viên mới ra trường. Nhưng một thời gian sau, mình cảm thấy rất chán nản, mất năng lượng bởi môi trường làm việc không phù hợp với tính cách. Vì thế mình đã quyết định nghỉ việc ở đây sau 7 tháng".

Q. không phải bạn trẻ duy nhất từ bỏ một công việc hấp dẫn vì "không phù hợp". Thuở mới đặt chân vào xã hội, nhiều tân cử nhân chấp nhận làm trái ngành, trái nghề để đổi lấy mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, họ dần cảm thấy nản chí, thiếu động lực khi phải làm công việc mình không yêu thích, không say mê.

Bên cạnh đó, đôi khi một vị trí có "thu nhập cao" sẽ đồng nghĩa với "áp lực lớn". Hầu hết công ty đều yêu cầu nhân viên đi làm 8 tiếng suốt 5 ngày trong tuần, nhiều chỗ thậm chí còn yêu cầu OT (overtime - làm thêm giờ) đến tối muộn hay cả ngày nghỉ. Nếu không có niềm hứng khởi và động lực, khoảng thời gian ấy sẽ trở thành những giờ phút căng thẳng, dần bào mòn con người cả về thể chất và tinh thần.

Đôi khi, công việc lương cao lại trở thành nguyên nhân khiến cuộc sống con người trở nên khó khăn, mệt mỏi và mất phương hướng. Ảnh: Getty Images.

Sống bằng đam mê - Thực tế hay viển vông?

"Thời đại công nghệ" ngày nay đã sản sinh ra một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, táo bạo và đầy hoài bão. Với họ, "công việc" không đơn thuần là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành mà là cơ hội để theo đuổi đam mê, thử sức trong lĩnh vực mình yêu thích.

Những nghề nghiệp ấy, dù ổn định hay không, đều đem lại cho chúng ta nguồn cảm hứng và sức sáng tạo lớn lao. Bởi lẽ khi được lao động bằng đam mê, mỗi người như được tiếp thêm động lực để tạo nên những đột phá trong công việc, đem lại cơ hội phát triển bản thân.

Giờ đây, "đam mê" với người trẻ không chỉ dừng lại ở việc học đúng ngành, làm đúng nghề mà còn là biến sở thích thành công việc toàn thời gian, ví dụ như youtuber, influencer... Ảnh: Muhammad Vivaldi.

Bên cạnh đó, nhiều người tin rằng một công việc phù hợp với sở thích, tính cách sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho cuộc sống. Dù lĩnh vực nào cũng có những áp lực, yêu cầu chuyên môn riêng song đối với nghề nghiệp mình say mê, ta sẽ luôn giữ được thái độ tích cực, cầu tiến để đương đầu với thách thức.

Bạn M.A (22 tuổi) - sinh viên năm cuối Học viện Ngoại giao (Hà Nội), hiện làm trong lĩnh vực truyền thông tâm sự:

"Dù hiện tại công việc đang rất bận, thường phải đi sớm, về khuya nhưng chưa hôm nào mình thấy mệt mỏi. Sáng đi làm thì tràn đầy năng lượng, tối về nhà vẫn vui vẻ. Mình cảm thấy rõ ràng bản thân đang thực sự sống và tận hưởng mỗi ngày chứ không chỉ đơn giản là đi làm vì tiền. Mình đang sống như một người trẻ đam mê".

Tuy nhiên, sống được bằng đam mê chẳng phải chuyện dễ dàng. Trên chặng đường theo đuổi ước mơ, đã bao giờ ta dừng lại để ngẫm nghĩ thật kỹ, liệu đam mê này có thực tế hay không, có đem lại kết quả hay không?

Dành nhiều năm để theo đuổi một đam mê không thực, rốt cục chúng ta được gì, mất gì? Ảnh: Magoz.

Nhiều người trẻ đã dành ra nhiều năm thanh xuân để chinh phục ước mơ, để rồi nhận ra rằng bản thân đã tiêu tốn thời gian cho một mục tiêu không thực. Nhiều người lại dồn hết tâm sức vào bồi đắp đam mê nhưng lại không thể làm ra tiền, không thể nuôi sống chính mình và giấc mơ tuổi trẻ.

Lại có trường hợp những sinh viên mới ra trường, vì thiếu kinh nghiệm sống và nóng vội tìm kiếm công việc theo sở thích mà chấp nhận rơi vào "bẫy" của nhà tuyển dụng, cống hiến sức lao động vì những đồng lương không tương xứng. Như vậy, cái giá của đam mê có phải quá đắt hay không?

Tìm kiếm lộ trình phù hợp với bản thân

Đam mê và thu nhập là hai điều thiết yếu để đem lại một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần cho con người. Vì mỗi người đều có những mục tiêu, ưu tiên riêng, hãy chọn cho mình một lộ trình phù hợp để đạt được mục đích của mình.

Trước khi ứng tuyển, hãy tự hỏi bản thân mình: Bạn đi làm vì điều gì? Bạn muốn nhận được gì từ công việc: lương cao, cơ hội rộng mở hay được thỏa mãn đam mê? Bên cạnh đó, hay cân nhắc đến yếu tố hoàn cảnh của bản thân để sắp xếp mức độ ưu tiên, từ đó đưa ra quyết định hợp lý nhất.

Mỗi con người là một cá thể đặc biệt, có những mục tiêu và ưu tiên riêng. Hãy dựa trên hoàn cảnh, cá tính và mối quan tâm của mình để có sự lựa chọn công việc phù hợp. Ảnh: Dribble.

Không có gì thực dụng khi đặt mức lương làm mối quan tâm số một khi tìm việc. Ta hoàn toàn có thể gác lại đam mê để đảm bảo nhu cầu sống của bản thân. Và đôi khi để nuôi dưỡng đam mê, chúng ta cần tiền. Nhiều người đã dành hàng chục năm cuộc đời đi làm kiếm tiền để khi có nguồn tài chính đủ vững vàng, họ mới bắt đầu thực hiện công việc mình yêu thích.

Ở khía cạnh còn lại, dám sống bằng đam mê là thứ can đảm không phải ai cũng có. Nếu muốn tận dụng những năm tháng tuổi trẻ để thử sức trong lĩnh vực mình yêu thích, hãy xác định rõ hướng đi của bản thân để không phí hoài thanh xuân cho những điều không thực. Một trái tim nóng và một cái đầu nguội sẽ là chiếc la bàn cho thế hệ trẻ hiện đại - những con người dám nghĩ, dám làm.

Sống bằng đam mê không phải lúc nào cũng "lông bông, hão huyền"; quan tâm đến vật chất không phải lúc nào cũng "thực dụng, xấu xa". Hãy biết dung hòa, đặt ưu tiên cho hai thứ này để ta có thể sống một cách trọn vẹn, đầy đủ nhất.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chon-dam-me-hay-thu-nhap-bai-toan-dau-nao-cua-cac-tan-cu-nhan-post1100320.html