'Chôn chân' tại các điểm mở…

Gần đây, điểm quay đầu xe được mở quá nhiều đang trở thành nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng trên các tuyến đường nội thành Hà Nội.

Cảnh tượng phương tiện xung đột, chen lấn gây ùn tắc giao thông, mất ATGT nghiêm trọng tại điểm quay đầu đối diện ngõ 21 Lê Văn Lương

Cảnh tượng phương tiện xung đột, chen lấn gây ùn tắc giao thông, mất ATGT nghiêm trọng tại điểm quay đầu đối diện ngõ 21 Lê Văn Lương

8h sáng 9/9, trực tiếp lưu thông trên đường Lê Văn Lương, PV Báo Giao thông cùng hàng nghìn người tham gia giao thông khác phải “chôn chân” hàng chục phút tại vị trí điểm mở đối diện ngõ 21 của tuyến đường này.

Do điểm mở trên đối diện với đường đấu nối của tòa nhà Star City, hễ vào khung giờ cao điểm, các cư dân sống trong tòa nhà lại ồ ạt nối đuôi nhau cắt ngang đường chuyển về hướng đường Khuất Duy Tiến, xung đột với các phương tiện lưu thông về hướng Láng Hạ khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Chỉ cần một người đi ô tô sơ ý đạp nhầm chân ga, hậu quả cho các xe xung quanh sẽ rất khó lường.

Trên trục đường Giải Phóng, các phương tiện đi về hướng Ngã Tư Vọng cũng thường xuyên gặp tình cảnh ách tắc giao thông khi di chuyển qua điểm mở đối diện ngõ 897 Giải Phóng. Điểm mở này đối diện với đường vào khu vực xe trả khách của BX Giáp Bát - nơi có hàng trăm xe ôm hoạt động mỗi ngày nên các hướng phương tiện từ ngõ 897 đi ra, từ làn đường hướng Linh Đàm quay đầu vào cổng bến xe và dòng xe đi thẳng liên tục chen lấn, xung đột nhau, nguy cơ mất ATGT luôn thường trực.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ ngã tư Quốc Tử Giám - Tôn Đức Thắng đến ngã sáu Ô Chợ Dừa), đoạn đường chưa đầy 2km nhưng có đến 6 điểm quay đầu, 5 điểm trong số đó được mở đối diện với các phố: Hàng Bột, Đoàn Thị Điểm, Phan Văn Trị, Quan Thổ 1,…; Điểm mở đối diện số 522 Nguyễn Trãi được thiết kế gần với đường Khương Đình,…

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, phần lớn điểm mở ở Hà Nội hiện nay đấu nối trực tiếp/tiệm cận với các tuyến đường nhánh, đông dân cư, tạo nên tâm lý đi tắt, cắt đường, bất chấp nguy hiểm, quay đầu đi ngược chiều sang làn đường kế bên để tiết kiệm khoảng cách của người dân.

Theo TS. Đức, điểm quay đầu bắt đầu được hình thành trên các tuyến đường từ những năm 2009, 2010, khi đó Hà Nội chưa có hệ thống cầu vượt nhằm giải tỏa áp lực giao thông tại các nút giao có mật độ phương tiện cao.

“Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, nếu lạm dụng quá nhiều sẽ gây ra phản tác dụng. Thời điểm hiện tại, vấn đề ách tắc tại các ngã tư lớn có mật độ khoảng 10-15 vạn hành khách/ngày đã được giải quyết bằng hệ thống cầu vượt, mật độ phương tiện cũng đã tăng lên gấp 2, 3 lần so với năm 2010 thì việc giảm bớt các điểm quay đầu là cần thiết. Những điểm đã tồn tại, lực lượng chức năng cũng cần bố trí dải phân cách mềm, phòng trường hợp nếu ùn tắc sẽ ngăn không cho các phương tiện rẽ”, TS. Đức nói.

Nam Khánh

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/chon-chan-tai-cac-diem-mo-d434542.html