Chốn bình yên với những phụ nữ bất hạnh ở Uganda

Cơ sở làm bánh do tổ chức từ thiện 'Golden Women Vision' điều hành hiện có 61 thành viên là những góa phụ, mẹ đơn thân. Họ sống sót sau khi bị xâm hại, bắt cóc, bị thương tật vì súng đạn…

Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Tại thị trấn Gulu, miền Bắc Uganda, một nhóm phụ nữ tập trung trên sân thượng một tòa nhà cùng nhau làm bánh và trò chuyện về mọi thứ dưới cái nắng chói chang. Có cả tiếng cười và những giọt nước mắt trong những câu chuyện của họ. Đó là những người phụ nữ bị ám ảnh bởi quá khứ từng bị bắt cóc, tấn công tình dục hay bạo lực.

Phụ nữ tìm niềm vui cuộc sống tại cơ sở làm bánh của “Golden Women Vision”

Đó là cơ sở làm bánh do “Golden Women Vision” - một tổ chức cộng đồng tự nguyện được thành lập từ năm 2011 điều hành. Mục tiêu lớn nhất của tổ chức này là cải thiện cuộc sống của những người bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến ở khu vực phía Bắc Uganda. Đến nay, “Golden Women Vision” có 61 thành viên là những góa phụ, mẹ đơn thân, những người sống sót sau khi bị xâm hại, bắt cóc và những người bị thương tật vì súng đạn.

Cô Sylvia Acan (39 tuổi) mất em gái và cha mẹ trong cuộc xung đột, phát hiện mình có thai sau khi bị hãm hiếp năm 17 tuổi. Cô không có sự lựa chọn nào khác nên buộc phải kết hôn với kẻ tấn công mình. Sylvia Acan là người đồng sáng lập của tổ chức “Golden Women Vision”.

Sylvia Acan cho biết, phụ nữ khi đăng ký tham gia học làm bánh phải trả khoản lệ phí là 3 USD. Cửa hàng kiếm được từ 1 - 14 USD cho mỗi chiếc bánh và các dịch vụ trang trí khác. Các khoản tiền này để dành chăm sóc chị em và là nguồn thu nhập chính của họ. Giải pháp tốt nhất là giúp phụ nữ có công việc với nguồn thu nhập ổn định để họ cảm thấy có ích cho xã hội.

Giũ bỏ quá khứ tăm tối

Trong những người bất hạnh đó có Scovia Apiyo, người từng bị quân nổi dậy bắt cóc cùng với em gái sinh đôi khi mới 9 tuổi. Cô bị giam giữ 8 tháng trước khi trốn thoát, rồi lại tiếp tục bị bắt, giam giữ lại trong một năm. Sau đó, năm 12 tuổi, Scovia Apiyo bị một người đàn ông 35 tuổi xâm hại tình dục. “Tôi không có lựa chọn nào khác. Tuổi thơ của tôi bị chi phối bởi hai dòng cảm xúc là sợ hãi và đói khát”, Scovia Apiyo đau đớn kể.

Magret Aneno vượt lên số phận

Scovia Apiyo sinh năm 1990 - thời điểm mà cuộc nội chiến lan rộng ở miền Bắc Uganda. Cô được nuôi dưỡng trong một trại tị nạn do chính phủ thiết lập. Cô và gia đình thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Sau khi được giải cứu năm 2003, lần đầu tiên Apiyo được đến trường nhờ sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương.

Sau đó, cô kết hôn nhưng cuộc hôn nhân nhanh chóng tan vỡ vì người chồng nói rằng, không thể chung sống với phụ nữ từng bị bắt cóc và bị cưỡng hiếp. Buồn vì số phận, cô tìm đến nương nhờ trong cộng đồng “Golden Women Vision”. Scovia Apiyo cho hay, cô cảm thấy hạnh phúc khi làm việc tại cơ sở làm bánh này. Cô được chia sẻ nỗi đau và mơ ước của mình với những người đồng cảm.

Scovia Apiyo cho hay, cô và nhiều phụ nữ khác cảm thấy hạnh phúc khi làm việc tại cơ sở làm bánh. Họ làm việc chăm chỉ, tận dụng mọi thời gian để đến cửa hàng làm bánh. Khách hàng thường đặt bánh nhiều nhất trong sinh nhật và đám cưới. Vài năm trở lại đây, nhu cầu về trang trí đám cưới tăng, cửa hàng đã mở rộng dịch vụ kinh doanh sang một số lĩnh vực khác như trang trí hoa tươi, phông, rèm, rạp đám cưới. “Chúng tôi làm bánh và đến trang trí các bữa tiệc. Chúng tôi vui vì được tương tác với mọi người. Chúng tôi vẫn là một phần của thế giới này”, Scovia Apiyo nói.

Magret Aneno, mẹ của hai đứa con, từng bị bắt cóc khi mới 11 tuổi. Cô bị mất một cánh tay vì bom đạn trong cuộc nội chiến. “Không dễ dàng để học làm bánh với một cánh tay nhưng tôi không có lựa chọn khác. Tôi vẫn cảm thấy bị tổn thương. Phụ nữ khuyết tật phải đối mặt với sự kỳ thị trong xã hội nhưng đến đây, tôi cảm thấy mình vẫn còn giá trị và được đồng nghiệp chấp nhận”, Aneno nói trong nước mắt.

Tường Phạm Theo borgenproject.org, pri.org

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/chon-binh-yen-voi-nhung-phu-nu-bat-hanh-o-uganda-post48858.html