Chọn 'anh tài' cho cao tốc Bắc - Nam

Ba dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ khởi công trong tháng 9. Với giới thầu xây lắp, đây là một tin rất 'hot', vì doanh nghiệp nào cũng muốn có tên trong danh sách nhà thầu thi công trên công trình trọng điểm quốc gia.

Cục trưởng Nguyễn Duy Lâm: "14h00 chiều nay - 6/8, hồ sơ mời thầu cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ GTVT phát hành công khai".

Cục trưởng Nguyễn Duy Lâm: "14h00 chiều nay - 6/8, hồ sơ mời thầu cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ GTVT phát hành công khai".

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) - cho hay, chiều nay - 6/8, thông tin mời thầu thi công 13 gói thầu thuộc 3 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã được thông báo công khai, đúng theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

“Sau 20 ngày tính từ thời điểm tiếp cận được hồ sơ mời thầu, các nhà thầu phải hoàn thành các “đề bài” mà chủ đầu tư đưa ra để đảm bảo việc tham gia đấu thầu”, Cục trưởng Lâm nói.

“Cắm trại” làm dự án

- Nếu tính từ thời điểm Quốc hội biểu quyết thông qua việc chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án nói trên đến nay chưa đầy 2 tháng. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tiến hành công tác chuẩn bị như thế nào để có thể đáp ứng được đòi hỏi về tiến độ khởi công trong tháng 9/2020?

Ông Nguyễn Duy Lâm: Cuối tháng 7/2020, Chính phủ chính thức có văn bản liên quan đến việc chuyển đổi 3 dự án từ hình thức PPP sang đầu tư công, trong đó yêu cầu trong tháng 9 này phải khởi công đồng loạt 3 dự án.

Với một khoảng thời gian tương đối ngắn như thế, nên có những lúc chúng tôi phải “cắm trại” làm việc để đáp ứng đòi hỏi về tiến độ. Cụ thể, phải khẩn trương phê duyệt điều chỉnh lại dự án; phê duyệt thiết kế dự toán 13 gói thầu của cả 3 dự án; phê duyệt Hồ sơ mời thầu của các gói thầu xây lắp, bảo hiểm… Song song với đó là phải phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Chúng tôi tin, với nhịp độ công việc như hiện nay, việc khởi công sẽ diễn ra đúng “kịch bản” đã định.

-Thời gian chuẩn bị ngắn nhưng khối lượng công việc lại khá nhiều. Liệu như vậy có đảm bảo các khâu sẽ chặt chẽ, đúng pháp luật khi tổ chức đấu thầu, thi công không, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Lâm: Thực tế, trước thời điểm Quốc hội biểu quyết thông qua việc chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án, chúng tôi cũng đã tiến hành công tác chuẩn bị ban đầu rồi nên không quá bị động. Hơn nữa, trước đó, Bộ cũng đã tổ chức thực hiện các dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2… nên cũng có những điểm thuận lợi nhất định và từ đó có thể rút ra được những kinh nghiệm cho 3 dự án lần này.

Cụ thể, lần này Bộ đưa ra những quy định khá chặt như: nhà thầu xây lắp tham gia dự án phải ký quỹ ở 1 ngân hàng thương mại; đồng thời phải mở một tài khoản chuyên chi ở ngân hàng để phục vụ quá trình thi công dự án và phải đảm bảo rằng, những khoản tiền rút ra chỉ để phục vụ cho cao tốc, chứ không thể dùng nguồn vốn này đem đi làm việc khác…

"Nhà thầu tham gia dự án phải ký quỹ ở 1 ngân hàng thương mại; đồng thời mở một tài khoản chuyên chi để đảm bảo rằng, những khoản tiền rút ra chỉ để phục vụ cao tốc, chứ không thể dùng nguồn này làm việc khác”.

Cục trưởng Nguyễn Duy Lâm

Quy định thế là để đảm bảo, những nhà thầu tham gia dự án phải là những nhà thầu mạnh cả tài chính lẫn về kỹ thuật. Ngoài ra, Bộ cũng ràng buộc các quy định về xử phạt nếu vi phạm tiến độ hợp đồng.

Sân chơi của những “ông lớn”

- Dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình được giới thầu xây lắp cả nước trông đợi nhất trong năm. Tuy nhiên, có những gói thầu có giá trị xây lắp rất lớn, không phải “anh” nào cũng đủ sức tham gia, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Lâm: Đúng là như vậy, bởi ở một số dự án thành phần có những gói thầu trị giá lên tới trên 2.000 tỷ đồng/gói, ví dụ như đoạn Phan Thiết - Dầu Dây có 4 gói thầu, trong đó có 1 gói trị giá 2.800 tỷ đồng, mà 1 doanh nghiệp thì không thể đủ năng lực đứng độc lập đấu thầu thi công, cần phải có sự liên danh.

Để đảm bảo các liên danh dự thầu có năng lực thực sự, Bộ yêu cầu mỗi liên danh không được phép qua 3 thành viên, và giá trị mà 1 thành viên trong liên danh tham gia thực hiện hiện tối thiểu là 25% giá trị gói thầu. Riêng nhà thầu chính trong liên danh thì phải thực hiện việc xây lắp những hạng mục chính.

Với quy định nêu trên, chúng tôi tin những “anh” yếu sẽ không có cơ hội lọt vào dự án này.

- Trước đây, một số doanh nghiệp đăng ký và đã vượt qua khâu sơ tuyển ở một số dự án thành phần cao tốc theo hình thức PPP - đã đưa ra đề xuất nên ưu tiên chọn họ khi triển khai các dự án theo hình thức đầu tư công. Quan điểm của ông về đề xuất này?

Ông Nguyễn Duy Lâm: Ba dự án lần này được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Vì thế, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, doanh nghiệp nào có hồ sơ dự thầu tốt nhất thì sẽ được lựa chọn chứ không có bất kỳ một ưu tiên nào ở đây.

Theo kế hoạch, cuối tháng 8/2020, sẽ tiến hành mở thầu và sau đó sẽ đồng loạt thi công.

Xe máy thi công trên công trường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn.

-Thưa ông, ngoài những đòi hỏi đối với các nhà thầu, phía Bộ GTVT mà cụ thể là các đại diện chủ đầu tư sẽ phải chuẩn bị nhân lực như thế nào để thực sự là “tai, mắt” của Bộ trong quá trình kiểm soát tiến độ, chất lượng trên công trường?

Ông Nguyễn Duy Lâm: Ba dự án thành phần này, Bộ GTVT giao cho 2 đơn vị làm đại diện chủ đầu tư đó là PMU7 và PMU Thăng Long. Đây là những đơn vị có nguồn nhân lực khá mạnh, từng quản lý nhiều dự án lớn, trong đó có cả 1 hợp phần thuộc cao tốc Bắc - Nam đã khởi công.

Nhưng lần này, Bộ yêu cầu các PMU phải khẩn trương cũng cố lại lực lượng, phối kết hợp chặt với đơn vị Tư vấn giám sát để bao quát tất cả các khâu trên công trường. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải gắn trách nhiệm của những người đứng đầu trong quá trình chỉ đạo, điều hành dự án. Ở đâu nếu không đảm bảo tiến độ, chất lượng, thì sẽ điều chuyển khối lượng và Bộ sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.

-Trân trọng cảm ơn ông!

“Để đảm bảo dự án thực hiện minh bạch công khai, đảm bảo chất lượng tiến độ, Bộ GTVT sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước phối hợp giám sát cả quá trình triển khai dự án này. Bộ cũng mong muốn người dân, báo chí cùng đồng hành, tham gia giám sát và thông tin kịp thời về cao tốc Bắc - Nam”.

Cục trưởng Nguyễn Duy Lâm

Võ Tuấn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/chon-anh-tai-cho-cao-toc-bac-nam-534338.html