Chồi Xuân trên những gốc đào Nhật Tân sau Tết Nguyên đán

Cứ sau Tết Nguyên đán, làng đào Nhật Tân lại tất bật với việc hồi sinh cho các gốc đào. Công việc tưởng chừng gắn với người dân nơi đây như định mệnh, để những gốc đào làm nên thương hiệu Nhật Tân lại sẵn sàng cho một mùa Tết Nguyên Đán năm sau...

Có mặt tại làng trồng đào Nhật Tân - ngay dưới chân cây cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) những ngày này, không khí rất tất bật, bận rộn của người dân đã trở lại với việc hồi sinh những gốc đào.

Có mặt tại làng trồng đào Nhật Tân - ngay dưới chân cây cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) những ngày này, không khí rất tất bật, bận rộn của người dân đã trở lại với việc hồi sinh những gốc đào.

Ghi nhận của PV Infonet vào một buổi chiều nắng đẹp (chiều 18/2), tức 25 tháng Giêng, các chồi non ở các gốc đào Nhật Tân đã mọc trở lại để đón mùa Xuân.

Ông Nguyễn Văn Hiện (64 tuổi, người làng Phú Xá, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), sau khi kiểm tra các gốc đào niềm nở cho hay:“Sau khi ăn Tết Nguyên đán xong là chúng tôi bắt tay ngay vào việc hồi sinh các cành đào mới trên các gốc đào cũ. 300 gốc đào của gia đình tôi đến hôm nay đều đã nảy mầm để phục vụ Tết năm tới”.

Đào Nhật Tân vốn được bán theo cành, cứ đến Tết là những cành đào được cắt sát gốc để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân. Do đó, sau Tết công đoạn hồi sinh các cành đào mới trên các gốc cũ có vai trò quan trọng. Ngay từ khi cắt cành, các gốc đào đã được bọc ni lông cận thận, giúp cho mầm mới mọc ngay từ khi cắt cành.

Ngay ra Giêng, người dân phải thường xuyên kiểm tra các gốc đào, kiểm tra từng chồi non để chọn sẽ ươm cành cho mùa đào tiếp theo.

Đối với những gốc đào không chịu mọc mầm, chủ vườn sẽ phải cắt tỉa hay ghép mắt.

Công đoạn cắt ghép mắt phải được xử lý và kiểm tra thật nhanh, nếu không dưới trời nắng nóng các chồi/ mầm non sẽ bị héo chết coi như phải bỏ cả gốc đào.

Tại mỗi vườn đào, gia chủ thường cưa/chặt gần hết các cành đào bán Tết, chỉ để 2-3 cây nuôi mầm ghép lấy giống, cắt ghép mắt cho những gốc đào không chịu ra mầm.

Các cây đào được chọn lấy giống (mắt ghép) phải có tuổi đười trên 5 năm; có hoa nở to, đều, nhiều nụ và cành nhiều bông.

Mắt của các cây đào giống sẽ được lấy ghép vào các gốc đào không ra mầm.

Công đoạn cắt ghép khá tỉ mỉ, cần những thợ vườn lành nghề. Còn với gốc đào, tuổi thọ của mỗi gốc từ 12-15 năm. Sau khi cây già, chủ vườn sẽ ươm tán cây thật đẹp và bán cả gốc đào, thay vì cắt cành bán.

Theo ông Hiện, mỗi gốc đào thường có nhiều mầm và việc chọn 1 mầm khỏe nhất để tạo thân cây mới phục vụ cho năm sau sẽ được chọn khi các chồi non có thế/ dáng nhất định.

Cụ thể, nếu để bán cành to thì chủ vườn sẽ cắt hết các mầm mọc ra, chỉ để lại 1 mầm duy nhất (được chọn). Còn nếu để bán các cành nhỏ (phục vụ người dân cắm bàn thờ, lọ hoa) thì chủ vườn sẽ để khoảng 3-5 mầm trên mỗi gốc đào.

Trong mỗi vườn đào, có những gốc không thể thu hoạch đúng dịp Tết (cành nhỏ, hoa nở sớm hoặc muộn, thân cây yếu...). Tuy nhiên, xác xuất của những gốc đào "quá lứa lỡ thì' này khá ít, do chủ vườn luôn có kinh nghiệm trong việc hãm hoa nở hay chăm sóc sao cho đào nở đúng dịp Tết đến Xuân về.

Chồi non đã lại xuất hiện trên những gốc đào Nhật Tân trong nắng Xuân.

Trồng đào từ bao đời đã trở thành nghề truyền thống của ngôi "làng Nhật Tân" - giờ đã thành phố và làm nên thương hiệu cho mảnh đất nơi này.

Quang Hùng

Từ khóa: Nhật Tân Chăm Sóc Đào Phú Thượng Làng Đào Tây Hồ Hà Nội Cầu Nhật Tân

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/choi-xuan-tren-nhung-goc-dao-nhat-tan-sau-tet-nguyen-dan-post332659.info