Chơi xà lam suýt bị tháo khớp tay

Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng vì thấy con em mình thường xuyên tiếp xúc và chơi xà lam, nhưng sản phẩm ấy không nhãn mác, nguồn gốc, chẳng biết làm từ nguyên liệu gì, có độc tố nào bên trong...

Sử dụng xà lam không nhãn mác, nguồn gốc... có thể ảnh hưởng tới sức khỏe

Xà lam (tên tiếng Anh là slime), hay còn gọi là "chất nhờn ma quái" đã và đang là đồ chơi được trẻ em đặc biệt yêu thích. Song, chơi chất này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chất nhờn… ma quái

Xà lam có độ mềm dẻo của cao su nhưng lại mềm mại như nước. Từ “chất nhờn ma quái” này, trẻ có thể tùy thích sáng tạo nhào nặn ra những hình thù, đồ vật theo ý muốn. Mỗi hộp xà lam tùy loại, giá khoảng từ 20.000 - 70.000 đồng.

Anh Nguyễn Tấn Thọ, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết đã tốn gần 500.000 đồng để mua xà lam cho hai con đang học lớp 3 và lớp 5. "Con rất mê đồ chơi này. Hễ rảnh là lấy ra nhào nặn thành các hình dạng khác nhau. Chơi hoài không biết chán".

Thực tế, nhiều trường hợp trẻ em có biểu hiện bất thường sau khi chơi xà lam. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Gò Công Tây (Tiền Giang), cho biết ngày 13.9 đã có 19 học sinh của Trường THCS Bình Tân (H.Gò Công Tây) nhập viện điều trị dị ứng hóa chất, nguyên nhân vì sử dụng xà lam. Những học sinh này có biểu hiện như: ngứa, buồn nôn, khó thở... Sau khi xuất viện, đến ngày 18.9 lại có biểu hiện "trở bệnh".

"Sau vụ việc này, trung tâm truyền thông của huyện cũng như các trạm y tế đã thông báo, khuyến cáo trẻ em, học sinh không chơi xà lam. Vì chơi đồ vật này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hại".

Bà Hà Tô Phương Lan (ngụ H.Hòa Thành, Tây Ninh) cho biết con trai 8 tuổi vì chơi xà lam thường xuyên khiến 10 đầu ngón tay sưng tấy, lở loét.

"Tôi cảm thấy sợ hãi khi thấy tay con mình bị vậy. Tôi đưa con đi khám, cạo móng để xét nghiệm... Bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết con bị viêm da mủ, nếu chậm trễ thì nhiễm trùng sẽ lan rộng và có nguy cơ bị tháo khớp. Hiện những đầu móng tay của con mới bắt đầu mọc lại. Cũng từ đó, tôi không cho con chơi xà lam nữa", bà Lan kể. Phụ huynh này thừa nhận, xà lam mà con bà chơi không nhãn mác, không thành phần rõ ràng.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại

Thạc sĩ Lê Phú Đông (Khoa Kỹ thuật hóa học và môi trường, Trường ĐH Lạc Hồng), nhận định: "Xà lam được làm từ những chất tự nhiên, hoặc từ những hóa chất chuẩn, trên hộp có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần rõ ràng, thì sẽ không độc hại. Còn xà lam được làm từ những hóa chất không rõ ràng thì dẫn đến nguy cơ bị bỏng tay, dị ứng, mẩn ngứa...".

"Nhiều phụ huynh nghĩ rằng bản thân họ tự làm cho con chơi nên xà lam sẽ an toàn, nhưng không phải như thế. Nếu tự làm xà lam mà sử dụng những hóa chất không an toàn thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Tương tự, nếu mua xà lam không rõ xuất xứ, không biết nguyên vật liệu tạo thành thì cũng khiến trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe", ông Đông nói.

“Chất nhờn ma quái” được trẻ em yêu thích, vì có thể biến chất dẻo này thành nhiều hình dạng khác nhau - Ảnh: Xuân Phương

Theo ông Đông, nếu xà lam có baking soda (còn gọi là natri hidrocacbonat, natri bicacbonat) thì rất nguy hiểm, vì chất này có tính kiềm cao, đặc tính mài mòn, gây ăn mòn da, gây ngứa và làm viêm da. Hay nhiều loại xà lam lấp lánh vì được rắc kim tuyến. Tuy nhiên, kim tuyến có thể gây tổn thương gan, thận. Khi kim tuyến bám trên xà lam, nếu vô tình tay dính kim tuyến rồi trẻ dụi mắt, đưa tay lên miệng, mũi... thì dễ làm nhiễm trùng miệng, mũi, đường hô hấp. Chưa kể kim tuyến còn có thể gây ngứa da, bị dị ứng khó điều trị.

Ngoài ra, hiện có nhiều loại xà lam được tẩm phẩm màu để tạo ra những màu sắc bắt mắt. Nếu trẻ vô ý sử dụng xà lam rồi quên rửa tay sau khi chơi, để phẩm màu dính trên miệng, rơi vào thức ăn thì cũng có nguy cơ gây ngộ độc.

Ông Đông khuyến cáo, những nguyên liệu an toàn để làm xà lam là: bột ngô, hồ, kem đánh răng... Khi cho trẻ chơi xà lam phải mua sản phẩm có nguồn gốc, thành phần rõ ràng. Nên khuyên trẻ sau khi chơi phải rửa tay sạch sẽ. Khi con chơi xà lam, phụ huynh phải giám sát. Vì nhiều trẻ nhỏ, có thể sẽ... ăn xà lam vì món này trông không khác gì bánh dẻo hay thạch, rau câu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trước hết Sở sẽ yêu cầu các quận, huyện, trường học rà soát việc bán mặt hàng này trong các căn tin. Theo đó, về cơ bản những đồ chơi bày bán trong căn tin phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng sức khỏe của học sinh. Ông Minh cho biết thêm sẽ tham khảo với Sở Y tế dưới góc độ chuyên môn, sau đó sẽ ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể.

Xuân Phương - Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/choi-xa-lam-suyt-bi-thao-khop-tay-1005323.html