Chơi trò nguy hiểm với Nga, NATO đang 'gậy ông đập lưng ông'?

NATO đang có một loạt những động thái quân sự đầy khiêu khích ở những khu vực xung quanh đường biên giới đất liền cũng như trên biển với Nga. Tuy nhiên, điều đó lại đang đặt chính NATO vào nguy hiểm.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

NATO liên tục nhắc nhở liên minh này về mối đe dọa gây ra từ Nga đối với khu vực biên giới phía bắc của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, biên giới phía đông nam của NATO mới là khu vực dễ bị tổn thương nhất của NATO. Biển Đen vốn đóng một vai trò quan trọng về chiến lược, nối giữa Châu Âu, Châu Á và Trung Đông.

Sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên và phương Tây đi một loạt nước cờ quân sự gây lo ngại ở Biển Đen, Nga đã tốc lực tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở vùng biển này. Moscow cũng dùng lực lượng quân sự ở Biển Đen để duy trì các chiến dịch quân sự ở Syria. Trong một hành động mang tính biểu tượng nhằm tăng cường sức mạnh trong khu vực, Tổng thống Putin mới đây đã khánh thành một cây cầu bắc qua Eo biển Kerch, nối bán đảo Crimea với Nga.

Hơn nữa, những bất ổn về chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạo ra những thách thức đối với khu vực biên giới phía đông nam của NATO. Hiện tại, năng lực phòng thủ của NATO ở trong và xung quanh Biển Đen vẫn còn thấp.

Biển Đen cùng với Biển Baltic trong những năm gần đây đang chứng kiến NATO gia tăng các hoạt động quân sự trong đó có những cuộc tập trận, triển khai vũ khí. Vì thế, các cuộc đối đầu, chạm trán căng thẳng giữa lực lượng tàu chiến và chiến đấu cơ của Nga với các nước NATO cũng gia tăng theo.

Không chỉ trên biển, ở các khu vực biên giới trên đất liền, NATO cũng đẩy mạnh các hoạt động triển khai quân, vũ khí và diễn tập phô trương sức mạnh nhằm răn đe Nga.

Những hành động của NATO khiến Nga bất an và nhanh chóng triển khai loạt hành động nhằm đối phó với NATO.

Rõ ràng, những hành động của NATO là lý do khiến Nga buộc phải tăng cường sức mạnh quân sự ở các đường biên giới xung quanh nước này. Chiến lược đối phó của Nga lại đẩy các nước NATO vào vòng nguy hiểm bởi rõ ràng khi so sánh sức mạnh quân sự của Nga với từng nước thành viên NATO riêng lẻ xung quanh Nga thì rõ ràng các nước này không phải là đối thủ của Nga.

Quan hệ giữa Nga và NATO đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.

Gần đây, quan hệ Nga và NATO tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi xảy ra vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen hồi tháng 11 năm ngoái. NATO chỉ trích Moscow về vụ bắt giữ 3 tàu của Hải quân Ukraine cùng với 24 thủy thủ Ukraine. NATO đã gây sức ép buộc Nga phải trả các tàu và thủy của Ukraine. Tuy nhiên, Nga giữ một lập trường cứng rắn, quyết không lùi bước trước sức ép của đối thủ.

Ngoài vụ việc liên quan đến Ukraine nói trên, Nga và NATO còn đang mâu thuẫn về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ và về Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201904/choi-tro-nguy-hiem-voi-nga-nato-dang-gay-ong-dap-lung-ong-631911/