Chọi trâu Đồ Sơn, sự kết hợp văn hóa nông nghiệp đồng bằng và miền biển

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, TP Hải Phòng dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu có rất nhiều nét đặc biệt rất riêng, có giá trị tâm linh lớn lao.

Mang nhiều dấu ấn tâm linh

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, Hải Phòng là tập tục cổ, có từ xa xưa của người dân vạn chài tại vùng biển diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Lễ hội đã tồn tại và được duy trì hàng trăm năm nay và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều lễ nghi trang trọng.

 Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được đánh giá có nhiều nghi lễ tâm linh độc đáo. Ảnh: NNVN.

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được đánh giá có nhiều nghi lễ tâm linh độc đáo. Ảnh: NNVN.

TS. Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TP Hải Phòng cho biết, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn mang nhiều dấu ấn tâm linh, thể hiện tín ngưỡng của người Việt từ xưa, nói rộng ra là của cả phương Đông. Dấu ấn tâm linh được thể hiện suốt từ việc hình thành tập tục đến mua, chăn dắt, huấn luyện, vào sới và kết thúc bằng nghi lễ hiến sinh.

Theo ông Sơn, thuở xưa, cư dân Đồ Sơn cùng nhau dựng đền Nghè để tôn thờ một thần bảo hộ cuộc sống cho mình. Nhưng khi xây xong thì không có chủ thần để thờ nên mọi người làm lễ xin thần linh ban cho. Qua đó dẫn đến tục chọi trâu và chủ thần bảo hộ của cư dân Đồ Sơn.

Truyền thuyết về tục chọi trâu ở Đồ Sơn có nhiều giai thoại khác nhau nhưng tựu chung với những nội dung cơ bản là sau khi đền Nghè xây dựng xong nhưng chưa biết thờ ai, một đêm, nhiều người trong làng đều có một giấc mơ kỳ lạ.

Họ mơ rằng, vào một đêm trăng sáng, một cụ già râu tóc bạc phơ ngồi trên tảng đá xem đôi trâu chọi. Cụ rất thích thú với những miếng đánh của đôi trâu. Chọi xong, đôi trâu chạy xuống nước biến mất. Sáng hôm sau dân làng gặp nhau đều nói ai cũng gặp giấc mơ ấy rồi suy đoán đây là thần báo mộng. Dân làng bảo nhau góp tiền mua trâu chọi nhưng chỉ nam giới mới được góp.

Cũng có chuyện kể rằng, trong các ngày tế lễ xin hiệu duệ thần tại đền Nghè, đúng ngày 9 tháng 8, trên biển có trận mưa lớn, trong cơn mưa mù trời đó có hình đôi trâu đang chọi nhau, khi mưa tan thì trên mâm bột xuất hiện vết chân chim.

Dân làng cho rằng trời đã ban hiệu duệ thần là 'Điểm Tước'. Từ đó, hằng năm, cứ vào ngày 9 tháng 8, dân làng tổ chức chọi trâu gắn với nghi lễ tại đền trước và sau lễ hội. Sau lễ hội chọi trâu, mưa thuận gió hòa, mọi người làm ăn xuôi chèo mát mái, mùa màng tốt tươi.

“Điểm khác biệt giữa chọi trâu Đồ Sơn và chọi trâu ở một số nơi khác đó là nghi lễ hiến sinh sau khi lễ hội kết thúc. Mục đích tâm linh của lễ hội là hiến sinh cho thần linh, nếu không có nghi lễ này thì phần tâm linh của lễ hội không còn nữa. Nhiều người cứ cho rằng trâu thắng cuộc hay thua cuộc đều bị giết thịt là chưa hiểu rõ về lễ hội”, ông Sơn cho hay.

Lễ hội diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Ảnh: NNVN.

Giao thoa giữa văn hóa nông nghiệp

Tiếp tục trao đổi với NNVN, ông Sơn cho biết, ngày xưa, vạn nào có trâu vô địch thì vạn đó được chia khẩu săn nhiều tôm cá nhất, trâu chọi đã đem lại may mắn, lợi lộc, đồng thời có giá trị khơi dậy sự đoàn kết của người dân trong lao động, sản xuất.

Tục Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn có đặc trưng là sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển, có sắc thái riêng gắn với thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu, thể hiện bản sắc văn hóa tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển, hằng ngày đối diện với biển khơi, bão tố để mưu sinh.

Mặt khác còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mọi thứ đều "Trống mọi làng cùng đánh, Thánh mọi làng cùng thờ" không như "Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ". Do vậy, nhân dân tổng Đồ Sơn xưa, dù có nhiều dòng họ (Lục vị Tiên công), hội tụ từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng đều thống nhất thờ Thần Điểm tước, gắn với tục chọi trâu - đôi trâu chọi dưới ánh trăng bạc. Điều đó, cũng là góp phần vào sự duy trì kỷ cương làng xã, tinh thần cố kết và ý thức cộng đồng, cầu mong cho “Nhân khang, vật thịnh”; mong cho “mưa thuận gió hòa”, biển êm đầy tôm cá...

“Lễ hội có nhiều điểm đặc biệt, phần lớn Ông trâu được dự sới chọi là giống trâu ngoài địa bàn Hải Phòng, đến từ khắp các địa phương trong nước, như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, các tỉnh vùng Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và thậm chí ở Lào, Myanma... Câu đối tại đền Nghè, phường Vạn Hương hiện nay, nơi phát tích tục chọi trâu có ghi ‘Kỳ ngưu xứ đáo’. Chỉ những giống trâu đó mới đấu hay và thực tế đã diễn ra như vậy. Phải chăng, người xưa quan niệm ‘gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau’. Các vạn cùng nhau đoàn kết thực hiện nghi lễ thờ cúng thần Điểm tước gắn với tục chọi trâu”, ông Sơn nói.

Lễ hội có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển. Ảnh: NNVN.

Tâm linh trâu chọi mang lại nhiều may mắn

Các bậc tiền bối có nhiều kinh nghiệm về trâu chọi ở Đồ Sơn, nhất là các ông: Hoàng Đình Phúc (phường Vạn Hương); Lê Bá Tuyền, Đinh Đình Phú, Nguyễn Khắc Thơ, Hoàng Gia Bổn (phường Ngọc Xuyên); Lương Trác Giai, Đinh Đắc Xề, Phạm Văn Thức, Hoàng Gia Thơm, Đỗ Văn Cường (phường Hải Sơn) đều nhận định: đến với trâu chọi bằng đam mê và tình yêu dành cho lễ hội truyền thống, không màng danh lợi.

Cách mua trâu cũng lạ kỳ, trước đây người mua, khi gặp được trâu ưng ý, phải thực hiện một số nghi lễ lâm linh như: Thắp hương quỳ giữa sân chủ nhà có trâu bán và ngỏ lời mua trâu, với những lời lẽ kính cẩn... Về cách chọn trâu, đặc điểm nổi bật, nhìn bằng mắt thường nhận biết trâu nào khỏe, đánh hay, khoang khoáy, chẳng hạn: “Lưng tôm bà (phẳng), sừng cánh cung, cổ cò, đuôi trai, đít nhót, trường đùi, ngắn quản, bụng ngựa...” cùng kinh nghiệm chăm sóc, rèn luyện trâu chọi. Những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được ghi chép lại cẩn thận thành “bí kíp” dắt lưng.

Quá trình chăm sóc, huấn luyện “ông trâu” chuẩn bị cho lễ hội này rất công phu. Theo kinh nghiệm, trâu chọi phải là những con trâu đực khỏe mạnh, “da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp, ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhọn, sừng cánh cung, trường đùi…”. Trâu được lựa chọn kĩ lưỡng và chế độ luyện tập, ăn uống ngủ, nghỉ khắt khe trong 1 năm.

Trước khi vào hội, “ông trâu” được huấn luyện rất kĩ càng. Mỗi người có một cách khác nhau, trâu phải được ăn cỏ ngon, và được huấn luyện sức dẻo dai vào buổi sáng như con người tập thể dục. Vài ngày trước khi vào sới chọi, chủ trâu phải “ăn chay, nằm mộng”, nhằm bảo đảm sức khỏe, tinh thần phấn chấn và ước mong thành công. Quy định này là bắt buộc chung với các tập tục, nghi thức, lễ hội gắn với văn hóa tâm linh của người Việt đã và đang được thực hiện, có nơi còn quy định khắt khe hơn.

“Khi tôi bước vào chọi trâu, tôi chỉ có 2 bàn tay trắng, tôi chưa thu được 1 đồng lãi từ việc chọi trâu. Thậm chí năm trâu tôi vô địch, tôi còn biếu tặng, không thu được đồng nào. Nhưng tình yêu trâu chọi đã giúp tôi trong công việc, tôi có được mọi thứ do tâm linh trâu chọi mang lại, sự may mắn”, ông Hoàng Gia Bổn, một nghệ nhân dân gian, gia đình có 3 đời nuôi trâu chọi, trong đó đã 2 lần có trâu vô địch khẳng định.

Những người nuôi trâu chọi đều có tình cảm đặc biệt dành cho các ông trâu. Ảnh: NNVN.

Tục Chọi trâu gắn liền với miền di sản tâm linh đặc sắc của Hải Phòng mà hiện tại chưa được khai thác đúng tầm cho phát triển. Những năm chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ, Đồ Sơn là một trọng điểm bị bắn phá ác liệt của máy bay và tàu chiến, Lễ hội Chọi trâu không được duy trì. Tuy nhiên, tập tục này đã ăn sâu vào các thế hệ, là sinh hoạt tâm linh, nên khi có điều kiện, người Đồ Sơn vẫn tổ chức với quy mô nhỏ, đơn sơ, nhằm cố gắng duy trì tập tục văn hóa của ông cha để lại.

Dù vẫn còn những vấn đề cần trao đổi, nhưng cũng đã duy trì một tập tục văn hóa cổ truyền của cộng đồng cư dân miền biển lâu đời, góp phần quan trọng vào phát triển du lịch của Đồ Sơn và TP Hải Phòng. Hiện tại, quận Đồ Sơn và thành phố Hải Phòng đang mong muốn có được sự nghiên cứu tổng thể những di sản này, nhằm có biện pháp bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống đó vào phát triển du lịch, vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà bấy lâu nay dường như bị lãng quên.

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, qua 30 năm khôi phục và phát triển, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn. Lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến tham dự, cổ vũ. Tuy nhiên, do không được bán vé nên kinh phí tổ chức Lễ hội gặp rất nhiều khó khăn, phải tổ chức bằng 100% nguồn xã hội hóa. Do đó, cần sự ủng hộ và giúp đỡ của các cấp, ngành và người dân để duy trì, phát triển và làm tốt công tác tổ chức Lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, xứng tầm là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Năm 1991, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được khôi phục, năm 2000, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được Tổng cục Du lịch công nhận là 1 trong 15 lễ hội chính cấp quốc gia. Năm 2012, lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

ĐINH MƯỜI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/choi-trau-do-son-su-ket-hop-van-hoa-nong-nghiep-dong-bang-va-mien-bien-d283833.html