Chơi thể thao phải trung thực, bình đẳng

Chiều muộn, sân bóng cơ quan tôi diễn ra trận thi đấu sôi nổi. Bên ngoài anh em lố nhố đứng xem. Tiếng hò hét chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan vang cả góc sân khiến cho không khí thêm phần kịch tính.

Mấy cầu thủ cùng đội với thủ trưởng cố gắng hết sức để cứu bóng sau đó phản công lại. Tất cả chiến thuật, bố trí đội hình đều do thủ trưởng chỉ đạo, thành thử trông các cầu thủ còn lại nhiều khi bị động, thiếu sự tự tin y như những con rối có người giật dây. Nếu chiến thắng thì thật may mắn biết bao, nhưng lỡ hỏng mất một pha thì những lời cằn nhằn “chỉnh quân” lại vang lên xối xả. Khi ấy tâm lý các cầu thủ rất nặng nề. Mặc dù anh em đều cố gắng thi đấu nhiệt tình nhưng thể thao lúc thắng lúc thua, đó cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng thủ trưởng cơ quan tôi lại không nghĩ vậy, chỉ cần hỏng một quả bóng là “hội ý, phân tích”. Không những tạo áp lực cho các cầu thủ trong đội mà ngay cả cầu thủ phía bên kia cũng vậy. Vì nể cán bộ nên anh em phải nhường đôi chút, sợ làm phật lòng lãnh đạo mất vui. Thành thử khi ra sân cứ nhìn sắc mặt sếp để anh em có cách “hành xử” phù hợp, miễn sao thủ trưởng hài lòng là được.

Anh em trong cơ quan tôi tâm sự rằng, nhiều khi chẳng muốn tham gia thể thao nhưng vì nể, vì sợ nên miễn cưỡng tham gia lấy lệ cho có. Thi đấu mà không nhiệt tình cũng bị phê bình, đánh bóng mà hăng say quá thì thủ trưởng phật ý. Vì vậy, thi đấu thế nào mà “làm đẹp” được tỷ số là tốt nhất, đội mình có thua nhưng không phải là “làm hàng” còn đội thủ trưởng thắng cũng không mang tiếng là đội bạn “thả”. Tình trạng tham gia thể thao như thế cứ kéo dài mãi trong cơ quan tôi. Thủ trưởng thì cứ hỉ hả trong niềm vui chiến thắng nên rất tự tin về khả năng thi đấu của cơ quan mình.

Một hôm, thủ trưởng đề xuất tham gia thi đấu bóng chuyền với đơn vị bạn. Thủ trưởng lựa chọn những thành viên ăn ý với mình và quyết định “mang chuông đi đánh xứ người”. Ngày thi đấu trống giong cờ mở, đội tuyển của cơ quan hùng dũng ra sân. Khi tiếng còi vang lên báo hiệu trận đấu bắt đầu, thủ trưởng tả xung hữu đột lăn xả các vị trí rồi lại hò hét “điều binh khiển tướng” như ở sân nhà. Càng hò hét, tâm lý anh em càng nặng nề, thi đấu không hiệu quả nên tinh thần toàn đội xuống nhanh chóng. Trong khi đó, đội bạn khai thác vào điểm yếu nên liên tiếp giành thắng lợi. Trận đó thua đậm, thủ trưởng ngậm ngùi trở về. Anh em trong cơ quan chuẩn bị tinh thần sẽ bị thủ trưởng “quạt” cho một trận ra trò. Mọi người cứ thế nín thở đợi.

Hôm sau, tiếng còi bỗng vang lên dồn dập, thủ trưởng xuống sân trước hô hào anh em ra sân bóng. Các cầu thủ nhanh chân tập trung, sẵn sàng nghe thủ trưởng “xả” một trận mắng. Những gương mặt bắt đầu hiện lên vẻ âu lo. Thủ trưởng từ từ bước tới nhìn một lượt đội bóng xếp hàng ngay ngắn. Tất cả lặng im một lúc... Lạ quá! Mãi chưa nghe thấy lời trách mắng nào. Bỗng khuôn mặt thủ trưởng tươi tỉnh rồi cất tiếng nói xua tan sự lặng im tưởng chừng như nghẹt thở: “Các cậu làm gì mà căng thẳng thế? Hôm nay chơi vui thôi. Chuyện thi đấu bữa trước bỏ qua đi. Thua một phần là do tớ làm các cậu mất tinh thần. Mong các cậu thông cảm nhé. Muốn thắng thì mình phải luyện tập thực chất, chơi hết mình và nhớ... chớ có nể nang. Từ giờ ra sân tớ cũng như các cậu, đều là cầu thủ, không có khoảng cách thủ trưởng với nhân viên, mỗi bên bầu ra đội trưởng hẳn hoi, tớ không chỉ đạo nữa. Thể thao là phải trung thực, bình đẳng mới mong chiến thắng. Nào, các cậu cùng chơi thôi!”.

ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/choi-the-thao-phai-trung-thuc-binh-dang-643502