Chơi ở cửa nhà, bé 3 tuổi bị chó pitbull giật đứt xích cắn nát đùi

Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, phụ trách Khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, các bác sĩ đang tiến hành điều trị cho cháu bé 3 tuổi bị chó pitbull nhà hàng xóm cắn rất thương tâm. Bệnh nhi bị rất nhiều vết cắn dài ngắn khác nhau, vết cắn dài nhất tới 10cm, đùi trái bị gãy kín.

Bệnh nhi bị chó pitbull cắn

Bệnh nhi bị chó pitbull cắn

Theo BS Nguyễn Nam Giang, phụ trách Khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn, vào 15h20 ngày 21/3, bệnh nhi Nguyễn T.H.Y, 3 tuổi, nhập viện trong tình trạng hoang mang, hoảng sợ sau khi bị tai nạn chó cắn. Bệnh nhi Y bị rất nhiều vết thương phần mềm ở đùi trái, có kèm theo gãy xương kín.

Mẹ của bệnh nhi, chị Nguyễn Thị H. (ở thôn Bái Đô - xã Tri Thủy - huyện Phú Xuyên - Hà Nội) cho biết, bé Nguyễn T.H.Y là con thứ 4 trong gia đình, trên bé còn có 3 anh trai, ở nhà bé rất ngoan. Nước mắt vắn dài, chị H. kể lại giây phút kinh hoàng con chị phải đối mặt với con chó pitbull của nhà hàng xóm nặng khoảng 25 kg.

Chị H cho hay, trong lúc bé Y. – con chị - đang đi xe đạp trẻ em ở ngoài cổng nhà, bất ngờ con chó nhà hàng xóm giật đứt xích xông ra. Khi cháu bé xuống xe đạp đi về phía mẹ, thì con chó xông vào tấn công. Chị H. vừa chộp lấy con vừa kêu cứu xung quanh nhưng con chó dữ nhất định không nhả cháu ra.

Chị H. nhớ lại: “Bác chủ nhà có con chó cũng ra hỗ trợ, kéo con chó lại, nhưng con chó vẫn không nhả con”. Những người xung quanh nghe thấy tiếng kêu cứu của chị, người mang dao, người mang cuốc ra hỗ trợ con chó mới nhả cháu bé ra. Vẫn chưa hết hoảng sợ về giây phút đối mặt với con chó dữ, chị H cho biết: “Lúc đó em rất sợ, nhưng con chó rất dữ, không làm cách nào cho nó nhả ra. Hai bên giằng co nhau, em giữ con bé còn mọi người kéo con chó, nên nó cắn và nhay con em một lúc lâu, bé mới bị nhiều vết thương như vậy…. Bác sĩ đã phải tiêm phòng dại cho cháu” .

BS Nguyễn Nam Giang, phụ trách Khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn

BS Giang kể lại với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống: “Lúc nhập viện, tinh thần cháu bé không ổn định, chúng tôi lo ngại về những sang chấn tâm lý của cháu”. Những vết thương do chó cắn cháu rất nhiều và phức tạp, vết cắn ngắn nhất dài 3cm, dài nhất là 10cm, bờ nham nhở, có gãy kín 1/3 dưới đùi trái không di lệch, BS Giang cho hay. Các bác sĩ của BV Xanh Pôn đã tiến hành cấp cứu cho cháu, mổ cắt lọc vết thương, khâu cầm máu, cố định xương bằng nẹp bột.

Sau 6 ngày điều trị, vết thương của cháu đã tương đối ổn định, tinh thần đã tốt hơn. Hàng ngày cháu được các y bác sĩ khám, thay băng theo dõi. Dự kiến trong vài ngày nữa khi vết thương ổn định, chúng tôi sẽ tiến hành ghép da tự thân cho cháu ở những phần da bị thiếu hụt.

Bệnh nhi đang được điều trị tại bệnh viện

BS Giang cho biết, ghép da tự thân là lấy da ở chỗ khác ghép vào những vùng da đã mất đi, với trường hợp này có thể bác sĩ sẽ lấy da ở đùi bên kia. “Những vết cắn sâu, qua lớp tế bào đáy của da, đường kính trên 5cm, cháu bé sẽ phải ghép da để hồi phục”, BS Giang chia sẻ. Bác sĩ dự kiến cháu phải nằm điều trị vết thương ít nhất là 1 tháng. Với trường hợp bị chó cắn vết thương nhiều, phức tạp và sâu, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này của cháu.

BS Giang khuyến cáo, người dân khi nuôi chó không nên thả rông, chó phải được rọ mõm, tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ. Cáo các gia đình có trẻ nhỏ, không để trẻ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... cần trông chừng trẻ khi tiếp xúc với chó mèo.

Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%. Với những chấn thương gãy xương cần nẹp cố định rồi nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tiêm phòng dại kịp thời.

Luật gia Phạm Văn Chung, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum, trong trường hợp chó cắn chết người hoặc gây thương tích cho người, chủ nuôi chó hoặc người đang quản lý chó phải bồi thường về mặt dân sự cho người bị thiệt hại (Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015). Mặt khác, có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Người chủ nuôi chó hoặc người đang quản lý chó phải có xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó quy định: "Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng".

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/choi-o-cua-nha-be-3-tuoi-bi-cho-pitbull-giat-dut-xich-can-nat-dui-142822.html