Chồi non

Thy chuyển đến xóm trọ này đã gần hai năm. Hôm đầu đến đây chỉ thấy đàn bà ra đón hớn hở hỏi han đủ chuyện. Người đỡ lấy thằng nhỏ từ tay Thy cưng nựng hôn hít nó.

Người tranh xách giúp túi đồ vào tận phòng. Những người khác chạy ra taxi khuân giúp tã bỉm, xô chậu, mấy thùng sách vở lỉnh kỉnh. Chị Ba than “có hai mẹ con thôi mà sao lắm đồ vậy trời. Mấy thứ này ở đâu chẳng có mà phải tha từ quê xuống cho chết mệt”. Thy cười hiền khô phân bua “tại tiện xe mà chị. Hơn nữa thứ gì cũng mua mới thì tốn bộn tiền. Trông lặt vặt thế thôi chứ xót ruột lắm chị ạ”.

Đàn bà nhìn nhau cười “ừ nhỉ, cùng cảnh chắt bóp với nhau”. Thy ngồi một góc cho con bú nhìn mọi thứ trong phòng đang được bàn tay những người hàng xóm tốt bụng sắp đặt ngăn nắp. Bao nhiêu mệt nhọc tiêu tan, Thy thấy cảnh mẹ góa con côi được an ủi phần nào. Cả xóm trọ này rồi sẽ là gia đình của Thy, sớm tối sẻ chia nương tựa vào nhau để đi qua ngày tháng nhọc nhằn.

Khu trọ là dãy nhà cấp bốn mười ba gian kéo dài dọc mặt đường lớn. Đằng sau dãy nhà là cả mẫu đất trồng rau xanh và cây ăn quả. Đất rộng rãi nhưng nghe nói toàn đất 03 lại nằm trong dự án treo, bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền nên nhà chủ cứ để cho thuê trọ gần hai chục năm nay. Ở thành phố mà kiếm được chỗ trọ nhiều cây cối thế này thật là may mắn.

Cứ chiều đến Thy lại kê chõng ngoài sân nằm ru con. Nhìn dọc dãy hành lang để ngắm nghía những nụ cười hiền hậu. Con trai Thy hình như cũng thích nơi này lắm. Hàng ngày thằng nhỏ bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng một tấm ván dài chắn ngang cửa ra vào. Nó thường đứng thò đầu ra ngoài chỉ chờ xem có ai đi qua là giơ hai tay đòi bế. Khoảnh sân nhỏ trước nhà được mọi người tận dụng trồng rau. Vài luống mồng tơi, ít rau đay, rau cải thay nhau thêm thắt vào bữa cơm đạm bạc. Trồng thêm mấy gốc mướp thế là cả xóm có bát canh cáy ăn cho mát. Gì chứ hành lá, cà chua, rau thơm lúc nào cũng sẵn để nửa đêm đi làm về sẵn hái mỗi thứ một ít nấu bát mì tôm lót dạ. Thỉnh thoảng những cây ớt lại đua nhau chín đỏ.

Mảnh vườn nhỏ giúp Thy nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê nhà. Cũng có khi nhờ nỗi nhớ hương vị quê nhà của Thy mà mảnh vườn được thêm thắt thêm nhiều vị khác. Như hôm kho nồi cá nhận ra vườn trước nhà thiếu sả. Hôm nấu canh chuối ếch nhớ ra thiếu lá tía tô. Hôm rang thịt gà mẹ gửi từ quê ra nhớ thiếu cây chanh. Thêm thắt chỗ này một cây, chỗ kia một bụi. Nửa đêm con ho mắt nhắm mắt mở ra vườn là có mấy quả quất mang đi hấp. Con sốt đã sẵn rau diếp cá. Trẻ nhỏ chạy chơi trầy xước đã có lá nha đam cầm máu.

Lắm khi Thy nghĩ khu vườn này cũng chẳng khác gì quán lá bé xíu của mẹ ở quê. Nhìn bên ngoài chỉ thấy mấy gói bánh kẹo rẻ tiền phủ một lớp bụi đường nhưng ai cần gì cũng có. Khách nhiều khi tiện mồm thì hỏi chứ không nghĩ quán sẽ có, vậy mà bà chủ lại gật đầu bảo “chờ chút. Có ngay”. Từ cây kim cuộn chỉ cho đến cả mấy hộp kem dưỡng da, trị mụn. Mẹ thường nhận được cái lắc đầu của khách kèm câu nói “chịu thật. Trông thế này mà cái gì cũng có”.

Có lần ngồi trong nhà nhặt rau Thy nghe thấy mẹ đáp lời khách “đúng là gì cũng có chỉ thiếu đàn ông. Nhà toàn là đàn bà. Đến mùa măng mọc là thấy tóc rụng đầy chăn gối”. Nhà toàn đàn bà thật, những người đàn ông chỉ xuất hiện thưa thớt trong vài lời trách móc, tiếc thương. Như mỗi mùa chim sinh sản thấy người bẫy chim đi qua nhà là mẹ than:

- Nghề gì mà bạc. Chim đang có đôi có lứa mà tan tác chia lìa.

- Ủa, chứ nếu con chim đực không ham hố thì đâu đến nỗi bị lừa sập bẫy.

Câu nói của Thy như vô tình cứa vào tim mẹ. Năm Thy còn bé xíu cũng vào mùa chim sinh sản, bố nói phải lên núi bắt bằng được đôi chim quý. Nào ai biết chim quý mà bố nhắc đến là chim gì. Chỉ nghe dân bẫy chim đồn rằng đó là giống chim ngậm nắng và mật ong trong cổ. Mỗi khi nó cất tiếng hót là mọi thứ xung quanh bị mê đắm chìm nghỉm trong vị ngọt và ấm.

Giống chim này hiếm lắm, có những người cả đời làm nghề bẫy chim trời cũng chỉ nhặt được một chiếc lông của nó. Ai may mắn thì được nhìn thấy nó, nghe tiếng nó hót. Có người tưởng nó sa bẫy của mình mà lại gần hóa ra không phải. Chỉ thấy ở trong bẫy có một cọng cỏ khô rơi lại, nhặt lên ngửi thấy có mùi thơm đặc biệt. Bố mất tích trong mùa bẫy chim. Một ngọn núi nào đó đã giấu mất bố. Hoặc là bố đã đi lạc theo tiếng dẫn dụ của loài loài chim quý. Mẹ bảo “suy cho cùng người bẫy chim, chim bẫy người”.

Người đàn ông thứ hai biến mất khỏi căn nhà chính là chồng Thy. Đi bắt cá dưới sông và chết đuối. Đêm trước hôm ra sông bắt cá, chồng ôm ghì lấy Thy thủ thỉ “cho anh nợ. Mai xuống sông mà hôm nay động đến gái thì đen lắm”. Thy hỏi anh đi bắt cá gì? Chồng cười bảo “bắt cá vua”. Hôm mang tro cốt của chồng ra sông rải, Thy lẩm bẩm câu gì đó chính mình cũng nghe không rõ.

Người đàn ông thứ ba biến khỏi căn nhà đó là người tình của chị gái Thy. Anh ta nói với chị “tôi phải đi săn đá quý. Bao giờ tìm được viên đá ruby màu đỏ, hợp với mệnh của em thì tôi quay lại cầu hôn”. Bảy năm trôi qua bặt vô âm tín. Chị gái Thy vẫn tin “chắc tại chưa tìm được đá ruby màu đỏ”.

*

Hôm mới chuyển đến xóm trọ Thy chỉ thấy sự xuất hiện của những người đàn ông qua lời càu nhàu của vợ họ “lũ chết tiệt, đi làm về là chúi đầu vào điện thoại. Chẳng giúp vợ được việc gì. Cứ làm như kiếm được mấy đồng tiền là to tát lắm. Thử ở nhà trông con một ngày xem có sướng không?”. Những ngày sau đàn ông bắt đầu xuất hiện qua tiếng ho khan, tiếng khạc đờm, tiếng chửi thề và tiếng quát con khiến Thy giật thót. Ở mãi thành quen, đàn ông đi qua cửa nhà Thy bao giờ cũng chào bằng những cái liếc mắt. Có khi dò xét, có khi hằn học, lại có khi gạ gẫm.

Chồng chết, Thy mơn mởn và thiếu thốn, ấy là lời của đàn bà xóm trọ nói với nhau. Cái áo Thy mặc trễ quá. Quần gì mà ngắn lên tận bẹn. Trời ơi, ngực căng tròn mà không mặc áo con có tốn nước bọt của cánh đàn ông không chứ. Thỉnh thoảng Thy không rõ họ xót xa Thy hay là xót xa cho chính họ. Thức đêm thức hôm suốt, mắt quầng lại nhưng da dẻ vẫn mịn màng thấy ham. Ờ, đúng là còn trẻ có khác, bất chấp mọi thứ mà rờ rỡ đẹp. Để xem sau này bằng tuổi tụi mình còn đẹp được mãi không? Đó là khi họ nhìn Thy váy áo là lượt thơm tho giao con cho người trông trẻ để đi làm.

Không cần ngoảnh lại Thy cũng biết có vài ánh nhìn bỏng rát như tia lửa đang găm bập bùng ở gáy trắng, eo thon, bắp chân trắng nõn của mình. Ánh mắt họ khác hẳn ngày Thy mới chuyển đến đây. Cứ như thể Thy ăn tươi nuốt sống hoặc dấm dúi cặp kè với chồng họ không bằng. Đến cười với đàn ông trong xóm Thy còn không dám nữa là. Sao ngó Thy đàn ông hay nghĩ đến làm tình, còn đàn bà thì coi như tình địch mà không ai biết Thy chỉ thiếu tình người.

Với Thy đàn ông không đi săn chim quý như bố, không tìm cá quý như chồng thì cũng đi tìm một thứ gì đó trong ngàn vạn thứ được coi là quý giá trên đời. Mà Thy đồ rằng những thứ ấy được cho là quý hiếm vì người ta chỉ nghe đồn đoán mà không cầm được nó trong tay. Nhiều khi chúng chẳng có thật trên đời. Thứ gì có được trong tay thứ ấy không còn quý. Số phận của đàn bà cũng vậy. Một khi đã ở trong tay gã đàn ông nào thì rồi cũng bị nhàu nhĩ theo một cách nào đó mà thôi.

Nhà chủ cần tiền rao bán đất 03 với giá rẻ, chỉ vài trăm triệu một thổ có kèm nhà cấp bốn. Đối với những người lao động nơi đây việc mua một mảnh đất, một căn nhà có sổ đỏ dưới thành phố là điều rất khó khăn. Nên người trong xóm trọ bàn nhau “mua quách căn nhà đang ở lấy chỗ chui ra chui vào”. Đành rằng đất 03, nhà nước lấy lại thì đền bù chẳng được bao nhiêu nhưng chắc gì đã bị thu hồi. Tiền mua nhà coi như tiền thuê trọ hàng tháng góp vào. Trời mà thương biết đâu sau này lại chuyển đổi được mục đích sử dụng, làm được sổ đỏ cũng nên. Thế là đua nhau mua, không có tiền thì vay.

Mười mấy năm ở trọ, giờ căn nhà trọ trở thành nhà mình dù cũ kỹ vẫn cứ vui. Cả xóm liên hoan dĩ nhiên không có Thy. Thy không có tiền mua nhà và cũng không được mời đến dự. Sau hôm đó xe vật liệu thi nhau chở đến. Nhà nào cũng làm sân cổng riêng. Mấy bãi rau bị phá đi để lát gạch hoa lấy chỗ chơi cho trẻ nhỏ. Những hàng rào B40 xuất hiện, ai cũng muốn bịt kín nhà mình. Để mấy bà thu mua đồng nát không vào nhặt nhạnh, để bọn trộm vặt không xơ múi được gì, để không lo trẻ con chạy ra đường… Và họ bảo nhau “để đàn ông có liếc Thy cũng vướng víu ánh nhìn bên hàng rào thép”. Thy chỉ thương con mình mỗi chiều lẫm chẫm chạy bấu chặt những ngón tay bé nhỏ vào hàng rào ngóng vọng. Thy nhìn lũ trẻ con chia nhau mút kẹo, tặng nhau bông hoa dại qua những lỗ rào mà thấy tâm hồn người lớn chật chội đến nhường nào.

Căn nhà Thy ở đang chờ bán. Một vài ngày nữa khi có người đến mua nhà thì mẹ con Thy sẽ phải chuyển đi. Thy chắc chắn sẽ nhớ nơi này của những ngày đầu tiên, của mảnh vườn bé nhỏ, của tiếng trẻ thơ lanh lảnh mỗi chiều. Trong đời người tha phương sẽ sống trong không biết bao xóm trọ, gặp gỡ bao nhiêu con người, vướng phải bao ánh nhìn nghi kỵ. Nhưng Thy vẫn tin vào sự ấm áp của tình người.

Thy bỗng nhớ quán lá của mẹ, nhỏ bé, đơn độc và cũng đầy kiêu hãnh. Mẹ từng nhiều lần bị đánh ghen oan. Từng bị đàn bà làng trên xóm dưới hằn học dè chừng. Giờ thỉnh thoảng về nhà Thy vẫn gặp lại những người đàn bà từng hất nước vào mặt mẹ, xô đổ mâm cơm, dọa đốt cháy quán. Giờ họ ngồi đó với mẹ để hàn huyên, nhổ tóc trắng cho nhau, nhờ nhau đấm hộ cái lưng, mang cho nhau ít kim chi vừa muối. Đàn ông ít xuất hiện trong những câu chuyện của họ. Đôi khi họ tự hỏi “sao ngày xưa mình lại có thể ghen dữ dằn như vậy?”. Rồi cười ha hả hở mấy cái răng vừa rụng.

Thy bỗng nhiên thèm được già như thế để ngồi cười ha hả. Ngoài kia nắng đang xiên ngang qua những lỗ rào hình mắt cáo. Hàng rào cắt nham nhở bóng của con Thy đang ngồi chơi một mình trên nền đất. Thỉnh thoảng nó lặng yên nghe ngóng một tiếng cười vọng từ nhà nào đó. Cây gấc từ khi ngăn rào bị chặt hết ngọn, kỳ lạ thay nó không chết mà đang mọc chồi non từ những vết chém sắc lẹm còn nguyên vết nhựa khô…

Vũ Thị Huyền Trang/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/choi-non-post65606.html