Chơi ngông dát vàng lên cây đang sống: Nguy cơ bức tử!

Cây đang sống dát vàng có nguy cơ bị ngộ độc, hoặc trong thời gian ngắn cây sẽ tự đào thải làm lớp vàng dát bị bong ra.

Anh Trần Quốc Việt - chủ một nhà vườn ở Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ đang khiến nhiều người kinh ngạc khi trạm khắc cây đang sống theo hình Phật Quan Âm, Phật Di Lặc, Long Tranh Hổ Đấu... rồi dát vàng lên đó. Sự sáng tạo này khiến cho cây và các bức tượng điêu khắc trên đó trở lên sống động, độc đáo.

Theo anh Việt, cây nào dát nhiều nhất mất khoảng 1 chỉ vàng chất lượng 9999, trong thời gian khoảng 14 ngày mới xong. Mỗi tác phẩm thường phải trải qua 3 công đoạn dátl vàng, sau mỗi công đoạn phải trà làm nhẵn lớp dát rồi tiếp tục làm lớp khác đè lên.

Những cây như thế thường có giá thành lên tới 40 - 50 triệu đồng. Anh Việt kỳ vọng, số lượng vàng dát lên cây đang sống có độ bền khoảng 5 năm.

Anh Việt bên cạnh cây dát vàng Long Tranh Hổ Đấu (Ảnh Vietnamnet)

Khi biết được điều này, nhiều nghệ nhân dát vàng đã tỏ ra rất bất ngờ bởi từ trước đến nay chưa ai "dám" dát vàng lên cây còn sống. Nguyên nhân chủ yếu là do vàng là kim loại đắt tiền trong khi nếu dát lên cây sống thì độ bền không cao.

Anh Đinh Trọng Tuấn - một nghệ nhân ở làng dát vàng Kiêu Kỵ (TP. Hà Nội) cho biết: "Các cây còn sống thì tế bào vẫn sinh trưởng, có thể lớn lên qua thời gian. Trong khi lượng vàng dát thường mỏng nên sau vài ba tháng thì có thể sẽ xuất hiện các vết rạn trên vùng dát, gây mất thẩm mỹ".

Ngoài ra, anh Tuấn chia sẻ thêm, cây sống thường có độ ẩm nhất định vì lượng nước trong cây lưu chuyển. Chính vì thế, sự gắn kết giữa mặt tiếp xúc của vàng và thân cây sẽ không cao. Chỉ khoảng vài ba tháng là có thể vàng sẽ bong ra, từ đó gây tốn kém, lãng phí mà không giải quyết được vấn đề gì".

Một số cây dát vàng trong vườn nhà anh Việt (Ảnh Vietnamnet)

Anh Tuấn đánh giá, việc dát vàng lên cây đang sinh trưởng không phải là ý tưởng mới lạ.

"Nhiều người chơi cây cảnh cũng tìm đến tham khảo về việc dát vàng lên cây để tạo sự trang nghiêm, sang trọng nhưng khi chúng tôi khuyên thì họ quyết định không làm. Khi vàng dát trên cây đang sống bị bong ra thường nham nhở rất xấu. Quan trọng nhất vẫn là tốn kém mà không giải quyết được việc gì" - anh Tuấn một lần nữa nhắc lại.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Việt - Giảng viên khoa Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Đại học Khoa học Tự nhiên nhìn nhận, thú chơi dát vàng trên cây của anh Trần Quốc Việt là sở thích, quan điểm cá nhân của mỗi người. Nhưng xét dưới góc độ chuyên môn thì việc dát vàng lên cây có thể sẽ khiến cây bị ngộ độc kim loại dẫn đến phát triển không bình thường hoặc chết sau một thời gian.

"Những lớp vàng dát lên cây sẽ ngăn cản khả năng thoát nước và trao đổi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, cây sẽ phải hấp thụ một lượng kim loại được thẩm thấu từ bên ngoài vào sẽ khiến cây bị nóng, ngộ độc" - ông Việt cho biết.

Theo vị chuyên gia, mặc dù, vàng không phải là loại kim loại mang độc tính cao nhưng khi kết hợp với các chất hóa học khác trong quá trình dát thì sẽ khiến cây gặp nguy hiểm. Hơn nữa, việc can thiệp vào phát triển tự nhiên của cây ít nhiều cũng khiến cho cây bị ảnh hưởng khả năng sinh trưởng.

Thành Duy

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/choi-ngong-dat-vang-len-cay-dang-song-nguy-co-buc-tu-3372058/